Tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và kinh doanh - Đòi hỏi cấp bách đối với doanh nghiệp trước thách thức khủng hoảng Covid
(LĐXH) Tại Diễn đàn “Tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và kinh doanh trước thách thức khủng hoảng Covid diễn ra ngày 23/7 tại Hà Nội, nhiều đại biểu nhận định với sự tác động của khủng hoảng Covid, việc tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và kinh doanh đang là đòi hỏi cấp bách đối với các doanh nghiệp.
Diễn đàn do Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức, nhằm tập trung nghiên cứu các mô hình cạnh tranh và kinh doanh trước những thách thức khủng hoảng Covid-19 đối với các hiệp hội, doanh nghiệp, đồng thời, chia sẻ những ý kiến từ phía các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước giúp các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp vượt qua các khó khăn sau dịch.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Phạm Việt Dũng cho rằng, tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và kinh doanh luôn là vấn đề quan trọng, là mối quan tâm thường trực không chỉ của các nhà quản lý, mà còn là bài toán cốt tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân. Đặc biệt, trải qua cơn tàn phá của đại dịch Covid-19, vấn đề định vị lại, điều chỉnh chiến lược, giải pháp sản xuất, kinh doanh và mô hình cạnh tranh đang đặt ra nhiều yêu cầu cấp bách vừa trước mắt, vừa lâu dài cả ở tầm quốc gia và doanh nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, không chỉ có sự nỗ lực của các cơ quan quản lý, các doanh nhân, doanh nghiệp mà còn có sự chung sức, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Cũng tại Diễn đàn, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh chia sẻ, đại dịch Covid-19 đã đảo lộn mọi khía cạnh đời sống con người, tác động đến hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Theo khảo sát, trong số 126.000 doanh nghiệp, có tới 86% chịu những tác động ảnh hưởng đáng kể.
Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã có phản ứng khá nhanh với nhiều giải pháp được đưa ra, như: giải pháp về an sinh xã hội với gói 62.000 tỷ đồng; giải pháp tiền tệ về hạ lãi suất điều hành, giãn, hoãn khoanh nợ; giãn hoãn nộp thuế, tiền thuê đất. Đồng thời, các giải pháp thúc đẩy đầu tư công bằng việc đẩy nhanh giải ngân vốn chưa “tiêu” năm 2019 và vốn kế hoạch 2020 khoảng 700.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, “chính sách thì nhanh, nhưng tốc độ thực hiện nhìn chung còn chậm, tiếp cận các “gói” hỗ trợ khó khăn, điều này dẫn tới các tác động thiết thực còn hạn chế”, TS. Võ Trí Thành bày tỏ.
Về phía doanh nghiệp, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh cho biết, đứng trước những tác động chưa từng có của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp Việt không phó mặc cho “số phận”, mà đã có nhiều nỗ lực để vượt qua cơn khủng hoảng do đại dịch, không ít doanh nghiệp đã vượt khó, tạo tiền đề cho các bước phát triển tiếp theo, đặc biệt là các doanh nghiệp do nữ làm chủ.
TS. Võ Trí Thành cho hay, các doanh nghiệp do nữ làm chủ hầu như không giảm người lao động, chuyển đổi mô hình số, tận dụng gói hỗ trợ của Nhà nước… Tuy nhiên, do sức có hạn nên một mình doanh nghiệp rất khó, trong khi sự hỗ trợ của doanh nghiệp lại chậm.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế cho biết thêm, đại dịch Covid-19 khiến cho GDP 6 tháng đầu năm 2020 tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua. Xuất - nhập khẩu trong nước gặp nhiều khó khăn, trong đó, xuất khẩu giảm 1,1%, nhập khẩu giảm 3% so với cùng kỳ năm 2019. Khối doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn cả, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 38,2%, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ 2019.
Mặc dù vậy, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, tuy bị tác động rất mạnh bởi Covid-19, song, 6 tháng đầu năm nay, kinh tế Việt Nam vẫn có 6 điểm sáng, đó là: phòng chống dịch đạt kết quả tích cực và Chính phủ chỉ đạo tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; nông nghiệp và công nghiệp, xây dựng, bán lẻ, thu hút FDI bắt đầu phục hồi từ tháng 4/2020; giải ngân đầu tư công cải thiện tích cực; tỷ giá duy trì xu hướng ổn định, mặt bằng lãi suất giảm, thanh khoản ổn định; thị trường chứng khoán phục hồi khá trong quý II sau khi giảm mạnh trong tháng 2 và 3; hội nhập quốc tế được tăng cường, kinh tế số phát triển mạnh, cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư dịch chuyển là khả quan.
Đánh giá về xu hướng đầu tư kinh doanh mới trong và sau đại dịch, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, xu hướng đầu tư sẽ tập trung vào những tài sản an toàn hơn; xu hướng mua bán - sáp nhập tăng; cắt giảm chi phí và nhân sự một cách quyết liệt và xu thế cấu trú lại chuỗi cung ứng và đầu tư; cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư và xu thế áp dụng công nghệ, thay đổi cách thức làm việc. Dịch bệnh đã tạo ra động lực thúc đẩy chuyển đổi số ở các doanh nghiệp một cách mạnh mẽ. Doanh nghiệp nắm bắt, chủ động trong xu thế này sẽ có nhiều lợi thế hơn so với đối thủ.
Bên cạnh đó, đối với xu hướng tiêu dùng, tâm lý và hành vi người tiêu dùng và nhà đầu tư thay đổi, đòi hỏi các doanh nghiệp định hình lại cách thức cung cấp sản phẩm và dịch vụ. Theo khảo sát của McKinsey vào tháng 4/2020 cho thị trường Mỹ, 86% khách hàng hài lòng/rất hài lòng khi sử dụng kênh kỹ thuật số, 75% sẽ tiếp tục sử dụng kênh này hậu Covid-19. Còn tại Việt Nam, theo khảo sát của Nielsen vào tháng 4/2020, 63% số người được khảo sát sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn sau đại dịch.
Trong thời gian tới, để khôi phục và phát triển, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, giải pháp đối với doanh nghiệp trong bối cảnh, xu hướng mới là thực hiện mô hình 3 R – Respond (thích ứng với bình thường mới), Recover (phục hồi) và Re-invent (đổi mới sáng tạo trong mô hình/chiến lược kinh doanh). Cùng với đó là 2 R - Restrucsture (tái cơ cấu) và Resilence (tăng khả năng chống chịu cú sốc bên ngoài).
Đồng thời, doanh nghiệp cần tập trung vào 4 mục tiêu quan trọng, đó là: không để mất người lao động, nhất là người giỏi; biết quản lý tài chính; giữ được khách hàng và duy trì được đối tác. Cùng với đó, doanh nghiệp cần có tâm thế mới, sớm nắm bắt vận hội mới, giai đoạn mới. Con người và công nghệ luôn là hai đột phá chiến lược.
Theo TS. Võ Trí Thành, thời gian tới, cần tiếp tục triển khai thực hiện hiện quả hơn nữa các giải pháp, gói hỗ trợ đã được Chính phủ đề ra tương đối đồng bộ và toàn diện, nhất là những giải pháp về hoãn, giãn, miễn, giảm thuế, phí đối với doanh nghiệp; xem xét thực hiện các gói kích thích kinh tế mới đến cả năm 2021 phù hợp với điều kiện thực tế. Bên cạnh đó, tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, năng lực chống chịu trước các biến động kinh tế của các doanh nghiệp; thực hiện tốt các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gắn liền với tăng cường tính minh bạch hóa thị trường…
Về phía các doanh nghiệp, TS. Võ Trí Thành đề xuất, các doanh nghiệp cần tìm kiếm cơ hội kinh doanh; kết nối cùng chấp nhận cạnh tranh thị trường và đối tác. Cùng với đó, sáng tạo và chuyển động cùng Cách mạng Công nghiệp 4.0 với các sản phẩm mới, giải pháp đi kèm và tương tác khách hàng; đồng hành cùng Chính phủ, xây dựng thương hiệu và trách nhiệm xã hội…
Mỹ Linh
Từ khóa:
-
Tết vui cùng Pumabooks: Lan tỏa giá trị lì xì sách
12-01-2025 14:56 07
-
MobiFone được đề xuất giao cho Bộ Công an quản lý
12-01-2025 13:32 57
-
Bỏ UpCom 'chào sàn' HoSE: Lọc hóa dầu Bình Sơn làm ăn sao?
12-01-2025 13:32 41
-
Toyota Wigo phiên bản số sàn ngừng phân phối tại Việt Nam
10-01-2025 19:53 57
-
Vinamilk phục vụ miễn phí sản phẩm cho người dân check-in tại các ga metro Bến Thành – Suối Tiên
10-01-2025 19:53 42
-
Bất động sản công nghiệp 'bứt phá' nhờ công nghệ cao và bán dẫn
10-01-2025 14:26 06
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46