Tấm gương cựu chiến binh thoát nghèo từ cây thanh long ở Sóc Trăng
(LĐXH)- Cựu chiến binh Trần Văn Múa (sinh năm 1956) ở ấp An Đức, thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú – Sóc Trăng là một trong những tấm gương tiêu biểu của địa phương vươn lên thoát nghèo.
Năm 1973, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai Trần Văn Múa khi đó mới 17 tuổi, tình nguyện lên đường nhập ngũ. Năm 1977 ông ra quân, trở về địa phương lấy vợ, sinh con. Những năm sau giải phóng, quê nhà rất khó khăn, thiếu thốn, con nhỏ nheo nhóc. Hai vợ chồng nuôi 4 đứa con rất vất vả. Ông nghĩ, đời sống quân nhân biết bao khó khăn hiểm nguy mình chịu đựng được, thì đời sống gia đình lẽ nào không vượt qua.
Với ý chí quyết tâm của người lính “cụ Hồ” như thế, ông xác định mình là trụ cột gia đình, không thể để vợ con đói khổ mãi được. Với nỗ lực vượt khó, đồng vợ đồng chồng mỗi năm gia đình tích lũy được vài chục triệu đồng và mua thêm ruộng đất mở rộng sản xuất.
Ông kể, gia đình ngày trước trồng lúa, nuôi heo, gà… nhưng vẫn không ăn thua, không bứt phá được, có giai đoạn vẫn là hộ cận nghèo. Vườn tuy rộng nhưng vẫn chủ yếu trồng cây “tập tàng” ngắn ngày, mùa vụ, cho năng suất thấp. Mỗi lần thu hoạch, vợ chồng con cái lại mang ra chợ bán theo kiểu “ăn xổi”, do đó ông muốn phải đầu tư lớn hơn, mang tính lâu dài, bền vững, đặc biệt muốn phát triển khá cần phải áp dụng khoa học và kinh nghiệm.Thương binh Trần Văn Múa làm giàu từ cây thanh long đỏ
Nghĩ được là làm được, năm 2017, ông được “Quỹ đồng đội” của Hội Cựu chiến binh huyện Long Phú hỗ trợ cho vay 10 triệu đồng không tính lãi trong 2 năm đầu; cùng với vốn liếng tích lũy, vay ngân hàng, ông mạnh dạn đầu tư trên 200 triệu đồng trồng 800 gốc thanh long đỏ trên diện tích 5.000 mét vuông vườn nhà.
Đất Long Phú vốn không có truyền thống trồng thanh long đỏ mà chủ yếu là bưởi, chanh, vì thế để loài cây ăn trái mới này “hòa nhập” được với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, ông đã lăn lộn khắp nơi để học tập kinh nghiệm và nhờ tư vấn từ những người trồng thanh long lâu năm.
Ông bắt xe đò về tận Long An để tham quan, tận mắt chứng kiến quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch thanh long sao cho chuyên nghiệp. “Bà xã nhà chú vốn quê ở Cù Lao Dung, mấy người em của chú cũng trồng thanh long bên đó cho năng suất cao, nên chú muốn đưa giống thanh long đỏ về trồng tại vườn nhà. Mình vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhờ anh em ở Cù Lao Dung hỗ trợ kỹ thuật. Ban đầu cực lắm, suốt ngày ngoài vườn à, rồi lại phải lắp đặt bóng đèn, tưới nước, bón phân, trừ sâu…” – ông kể.
Khi ông đi tiếp thị, các thương lái còn e dè, đắn đo vì ở Long Phú chưa có ai trồng loại cây này nên không biết chất lượng như thế nào. Nhiều người bán tín bán nghi, nói chẳng may quả thanh long không như ý, không ai mua thì coi như ông trắng tay. Song ông khẳng định sẽ đảm bảo chất lượng, bởi ông đã đánh cược cả của cải, công sức, tâm huyết vào hàng trăm gốc thanh long, yêu chúng như con của mình. Cùng với đó, ông tin chắc sẽ thành công bởi những khoa học ông đi học hỏi khắp nơi đã được áp dụng tại vườn nhà nên hiểu đặc điểm của từng cây.
Đúng là đất không phụ công người, năm 2019, sau 2 năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” theo đúng nghĩa, gia đình ông cho thu hoạch vựa thanh long đầu tiên. Lúc này mọi nghi ngờ đều tan biến, khi những quả thanh long mang thương hiệu “ông Múa” chín đỏ đều, ruột thơm ngon, mát bổ, không thua kém bất cứ thanh long trồng ở những vùng đất truyền thống nào, bắt đầu xuất hiện trên thị trường.
Khi tiêu thụ tại địa phương, người dân đều tấm tắc khen ngon, thu hoạch tới đâu bán hết tới đó. Tiếng lành đồn xa, thương lái tìm đến nhiều hơn, có người đặt mua tận gốc để cung cấp cho các siêu thị trong tỉnh, có dán xuất xứ hẳn hoi. Đến nay, mỗi năm vườn thanh long của ông cho thu hoạch khoảng 7 vụ với gần 10 tấn, trừ chi phí cho thu lãi khoảng 15 triệu mỗi vụ.
Đến nay, kinh tế gia đình cựu chiến binh Trần Văn Múa dần ổn định. Nhiều hộ dân trong thị trấn và những xã lân cận đã tìm đến ông với mong muốn phát triển cây thanh long đỏ, ông đều vui vẻ chia sẻ kiến thức có được và hy vọng họ cũng thành công, thậm chí phải hơn gia đình ông.
Ông Mã Thành Trai – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đại Ngãi cho biết: “Dù cuộc sống của chú Múa trải qua nhiều gian truân, cơ cực, nhưng chú không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của chính quyền địa phương mà bản thân luôn tự vươn lên bằng sức lao động của chính mình để phát triển kinh tế gia đình. Chú Múa sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ gia đình khó khăn trong ấp từng bước phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống”./.
Dương Thìn
Từ khóa:
-
Công tác xã hội kết nối, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Yên Bái
05-11-2024 14:01 50
-
Yên Bái hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện cho trẻ em
04-11-2024 15:34 16
-
TP.HCM: Một ngày phát triển thêm 1.000 người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình
03-11-2024 11:50 18
-
Hiệu quả chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt, nhà vệ sinh đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo tại huyện Định Hoá
31-10-2024 13:24 23
-
Quảng Ninh: Tích cực phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
31-10-2024 13:23 57
-
Khánh Hoà: Đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
31-10-2024 11:24 10