Tân Sơn – “đánh thức” niềm hy vọng của người nghèo
Nhắc đến Tân Sơn, người ta nghĩ ngay đến một vùng đất xa xôi, nghèo và khó bậc nhất của tỉnh Phú Thọ, đây cũng là một trong 64 huyện nghèo nhất cả nước. Nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, người nghèo ở vùng miền núi này đã được “đánh thức” niềm hy vọng trên hành trình thoát nghèo bền vững...
Về nơi “rốn nghèo” tỉnh Phú Thọ
Trong khuôn khổ Hội thảo “Nâng cao chất lượng công tác truyền thông về giảm nghèo” do Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tổ chức tại Thành phố Việt Trì, chúng tôi có dịp về nơi “rốn nghèo” của tỉnh Phú Thọ, đây là huyện duy nhất được thụ hưởng Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Tuyến đường từ thành phố vào trung tâm huyện Tân Sơn dài gần 80 km, trước đây nổi tiếng đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa (7/17 xã bị chia cắt hoàn toàn), thì nay được nhựa hóa phẳng phiu, đi lại rất dễ dàng và thuận lợi. Có thể nói, con đường đã được đầu tư, nâng cấp và rải nhựa với kinh phí hàng trăm tỷ đồng thể hiện sự quan tâm lớn của Nhà nước đối với Tân Sơn. Trung tâm thị trấn với mặt bằng được coi là đẹp nhất so với các huyện, thị trong tỉnh - một huyện miền núi đầy sức sống đang phát triển và vươn lên mạnh mẽ từng ngày.
Tạo động lực giảm nghèo và mô hình sinh kế bền vững
Nhờ được thụ hưởng từ Chương trình 30a của Chính phủ, cộng với việc lồng ghép vốn từ các chương trình, chính sách, dự án khác, đời sống của nhiều đồng bào nghèo từng bước được nâng lên và bộ mặt huyện miền núi Tân Sơn ngày càng khởi sắc. Với những chính sách hỗ trợ khá toàn diện, đây được coi là đòn bảy và tạo động lực để người dân thoát nghèo bằng những mô hình sinh kế bền vững.
Tiếp đó, huyện còn chỉ đạo các ngành có liên quan, các địa phương triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách, định mức hỗ trợ đối với người dân theo Đề án. Đồng thời, xây dựng kế hoạch chuyển đổi giống, cây trồng vật nuôi cho bà con nhân dân, giúp nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập. Nhiều người nghèo, hộ nghèo được tập huấn kỹ thuật nông nghiệp, tiếp cận với khoa học kỹ thuật, phát triển ngành nghề, nâng cao năng suất và hiệu quả lao động nông nghiệp… Chỉ tính trong 8 năm trở lại đây, huyện thực hiện hỗ trợ gần 100 tỷ đồng cho 63 nghìn lượt hộ, trong đó: Chương trình Nghị quyết 30a hỗ trợ cho trên 51 nghìn hộ, với số tiền trên 74 tỷ đồng; Chương trình 135 hỗ trợ trên 11 nghìn hộ, với số tiền trên 20 tỷ đồng; Chương trình xây dựng nông thôn mới hỗ trợ trên 1 nghìn hộ, số tiền trên 5 tỷ đồng.
Có thể khẳng định, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững ở Tân Sơn đã và đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực nhờ sự nỗ lực hành động của cả hệ thống chính trị với những chủ trương, chính sách, cơ chế đặc thù, các giải pháp đồng bộ phù hợp với vùng miền cùng sự nỗ lực vươn của người dân trong vùng. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 giảm còn 26,38% (giảm 26,04% so với năm 2008), mục tiêu của huyện trong năm 2017 là tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 4%; giá trị tăng thêm bình quân đầu người năm 2016 là 17,1 triệu đồng/người/năm tăng 13 triệu đồng/người/năm so với năm 2008 (ước tính thu nhập bình quân đầu người năm 2016 là 12,8 triệu đồng/người/năm); mục tiêu hết năm 2017 là 18 triệu/người/năm (ước tính thu nhập bình quân đầu người năm 2017 là 13,5 triệu đồng/người/năm).
Tránh tái nghèo - không để người nghèo “đói” thông tin
Mặc dù đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, song qua đánh giá thì kết quả giảm nghèo ở huyện miền núi Tân Sơn vẫn chưa thực sự vững chắc, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn ở mức cao, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo, nghèo mới, khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, tiềm năng về đất đai và lao động chưa được khai thác thực sự hiệu quả; sản phẩm hàng hóa còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường; trình độ sản xuất thâm canh nông nghiệp, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều bất cập; tập quán canh tác của bà con còn lạc hậu, manh mún; chưa nhân rộng được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả; sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ còn nhỏ lẻ. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức lớn nhất trong thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững là việc xây dựng kế hoạch giai đoạn và hàng năm của chính quyền cơ sở còn hình thức, nặng về đối phó với việc kiểm tra, giám sát của cấp trên, chưa sâu sát, chưa nhận diện đúng nguyên nhân nghèo và các giải pháp tác động hữu hiệu.
Đưa ra dẫn chứng về việc người nghèo “đói” thông tin dẫn đến việc mới thoát nghèo đã quay lại hộ nghèo, ông Bùi Đức Nhẫn, Giám đốc Sở Lao động – TBXH, chia sẻ: Chỉ cách đây khoảng chục năm, ở Tân Sơn có hiện tượng người nghèo sau khi được vay vốn, nhưng do không biết mua cây, con giống đầu tư phát triển kinh tế hộ cho phù hợp nên đã bỏ tiền vào ống nứa cất lên mái nhà. Hay có trường hợp, chồng đi bộ đội gửi tiền về cũng cho vào ống để lên mái nhà, khi chồng về bỏ ra thì tiền đã mục nát do “đói” thông tin về việc đổi tiền của Nhà nước. Hay cá biệt như hộ anh Triệu Văn Liều (40 tuổi) ở bản Bến Thân, xã Đồng Sơn đến giờ vẫn chưa biết vì sao gia đình mình thoát nghèo, trong khi thực tế gia đình anh có khu vườn rừng hơn 1ha nay mới mang lại hiệu quả kinh tế...
Chí Tâm
Từ khóa:
-
Hà Nội thí điểm điều chỉnh giao thông tại nút Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi: Hiệu quả bước đầu
24-01-2025 08:00 50
-
Chợ hoa mỗi năm chỉ họp một lần: Đông khách ngắm, vắng người mua
23-01-2025 16:42 59
-
Cảnh giác chiêu lừa giả danh nhân viên đăng kiểm
23-01-2025 14:35 19
-
Hà Nội: Nút giao Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến bớt 'ngộp thở'
22-01-2025 11:40 44
-
Hà Nội: Tàu điện trên cao cũng chen chúc
22-01-2025 09:30 59
-
Hà Nội: Tiểu thương thức trắng đêm, cây Tết vẫn ế ẩm
21-01-2025 14:53 58
English Review
Economic recovery is losing steam, new ILO report says
English Review | 22-01-2025 09:10 31