Lao động
Tân Sơn (Phú Thọ) phát huy hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm
02:25 PM 22/11/2022
(LĐXH)- Để giải quyết việc làm và tự tạo việc làm cho người lao động, thời gian qua, huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) đã đặc biệt quan tâm đến công tác giải ngân và cho vay vốn Quỹ Quốc gia việc làm để tạo việc làm mới cho người lao động trên địa bàn.
Nhờ nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm, nhiều cơ sở sản xuất, hộ gia đình ở Tân Sơn đã vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống. Đặc biệt, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Tân Sơn đã tích cực phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn triển khai có hiệu quả chương trình, từ đó tạo đòn bẩy hỗ trợ người lao động mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Được biết, để triển khai các giải pháp về giải quyết việc làm và sử dụng hiệu quả vay vốn giải quyết việc làm, ngay từ đầu năm năm 2022 Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tân Sơn đã bám sát vào định hướng của cấp ủy, chính quyền, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan liên quan như: Phòng Nông nghiệp, Phòng khuyến nông, trung tâm dạy nghề của huyện và UBND các xã để định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh các ngành nghề chủ lực của huyện chú trọng. Đồng thời, tập trung triển khai cho vay kịp thời nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm (theo Nghị định số 74/2019/NĐ-CP) đến những lao động chưa có việc làm ổn định, đặc biệt là lao động bị mất việc làm phải trở về địa phương do bị ảnh hưởng bợi đại dịch Covid-19.
Kết quả đối với chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, tổng doanh số cho vay 11 tháng năm 2022 ước đạt 10.561 triệu đồng, giải quyết việc làm cho gần 140 lao động; tổng dư nợ ước đến 30/11/2022 đạt 18.520 triệu đồng, với gần 280 lao động còn dư nợ.

Mô hình nuôi dúi sinh sản bà Hà Thị Ánh Lâm, Khu Cón, xã Thu Cúc (Tân Sơn)

Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền những ưu đãi của nguồn vốn vay đến người dân, ngân hàng tiến hành thẩm định, giải ngân cho vay thuận lợi, nhanh chóng các dự án vay vốn. Thông qua Quỹ Quốc gia về việc làm, NHCHXH Tân Sơn còn hỗ trợ cho vay nhiều đối tượng lao động yếu thế, người khuyết tật, lao động khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình, cộng đồng.
Điển hình trong các đơn vị tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với khả năng và điều kiện thực tế nhận vốn vay quỷ thác ở Tân Sơn phải kể đến các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn. Việc ủy thác cho vay thông qua tổ chức Hội đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị - xã hội, tạo nên một kênh dẫn vốn, quản lý vốn tín dụng chính sách an toàn, hiệu quả và tin cậy đối với nhân dân cũng như cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.
Thông qua hoạt động ủy thác của NHCSXH, Hội Liên hiệp Phụ nữ có điều kiện quan tâm đến hội viên, làm cho sinh hoạt Hội có nội dung phong phú hơn, lồng ghép triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị khác góp phần tiết giảm chi phí xã hội. Quan trọng hơn cả, thông qua hoạt động ủy thác đã giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận với các hoạt động vay vốn của NHCSXH một cách nhanh chóng, thuận lợi, an toàn và hiệu quả.
Đầu năm 2022, bà Hà Thị Ánh Lâm, Khu Cón, xã Thu Cúc (Tân Sơn) được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm. Bà đã sử dụng một phần số tiền để đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi dúi sinh sản. Bà xây mới chuồng trại đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Nhờ vậy, đàn dúi đã phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Phần tiền còn lại, bà đầu tư vào ao nuôi cá, trồng rừng. Mỗi năm, bà xuất bán 2 lứa cá, thêm nguồn thu từ gần 2 ha cây keo, tổng thu nhập đạt trên 200 triệu đồng. Có đời sống kinh tế như hiện nay phần lớn là nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH thông qua Hội phụ nữ để mở rộng quy mô sản xuất.
Bằng nhiều hình thức đa dạng, các cấp Hội Phụ nữ ở Tân Sơn đã tuyên truyền tới cán bộ, hội viên về chính sách tín dụng ưu đãi, các chương trình tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách; vận động hội viên giúp đỡ nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm trong việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống, trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn đã cam kết với ngân hàng. Đồng thời, tiến hành thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn theo đúng quy chế về tổ chức và hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; đôn đốc Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn tham dự đầy đủ các phiên giao dịch của NHCSXH cũng như hướng dẫn cụ thể để tổ viên giao dịch với NHCSXH, chấp hành quy ước hoạt động của Tổ...
Đến nay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tân Sơn đã tận dụng nguồn vốn giải ngân cho vay đến đối tượng cần vốn, triệt để sử dụng nguồn vốn của Quỹ để cho vay, vì vậy, hệ số sử dụng vốn không ngừng được nâng cao. Xác định với ý nghĩa xã hội lớn, nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm không chỉ giải quyết được nhiều việc làm, mà nó còn góp phần khôi phục các ngành nghề truyền thống của địa phương; hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ gia đình mở rộng sản xuất, gia tăng lợi nhuận, thu hút tạo việc làm cho nhiều lao động, đặc biệt là lao động bị chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lao động nữ, người tàn tật, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động.

Chí Tâm

Từ khóa: nguồn vốn vay