Xã hội
Tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại các Cơ sở bảo trợ xã hội
03:40 PM 09/12/2019
(LĐXH) - Những năm qua, bên cạnh việc thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, Đảng và Nhà nước cũng đặc biệt quan tâm tới công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có hoạt động quản lý và bảo vệ môi trường tại các Cơ sở bảo trợ xã hội, góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc đối tượng.
Đề cao vấn đề quản lý, bảo vệ môi trường
Mặc dù điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, song Đảng, Nhà nước đã tập trung nguồn lực cho bảo đảm an sinh xã hội, thông qua việc ban hành nhiều chính sách, pháp luật chăm lo đời sống các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 đã nhấn mạnh: “Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng với hình thức hỗ trợ thích hợp; nâng dần mức trợ cấp xã hội thường xuyên phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước. Xây dựng mức sống tối thiểu phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội làm căn cứ xác định người thuộc diện được hưởng trợ giúp xã hội. Tiếp tục hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội. Củng cố, nâng cấp hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội, phát triển mô hình chăm sóc người có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào triển khai các mô hình chăm sóc người cao tuổi, trẻ em mồ côi, người khuyết tật, nhất là mô hình nhà dưỡng lão”.
Một số Cơ sở bảo trợ xã hội đã xây dựng được cảnh quan môi trường sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu chăm sóc đối tượng
Để thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - TBXH đã chỉ đạo các tỉnh, thành tổ chức lại các cơ sở bảo trợ xã hội thành các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội, cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định tại Nghị định 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ Quy hoạch mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội theo quy định tại Quyết định số 1520/QĐ-LĐTBXH ngày 20/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2025.
Mục tiêu từ năm 2016-2025 sẽ hình thành, phát triển 461 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 189 cơ sở công lập và tối thiểu 272 cơ sở ngoài công lập. Giai đoạn 2016-2020 quy hoạch, phát triển 31 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người cao tuổi, 35 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người khuyết tật, 65 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 17 cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc trẻ em mồ côi (Làng trẻ SOS), 30 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, 46 cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp, 18 trung tâm công tác xã hội. Giai đoạn 2016-2020, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đề nghị Bộ Kế hoạch-Đầu tư đầu tư nâng cấp, mở rộng cho 32 cơ sở trợ giúp xã hội với tổng vốn đầu tư đã được thẩm định 1.820 tỷ đồng, vốn thực hiện ước đạt gần 30% so với yêu cầu của quy hoạch. Ngoài ra, để giải quyết những khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị của các cơ sở, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển cơ sở trợ giúp xã hội trong các lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phục hồi chức năng cho người khuyết tật.
Mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH đã được hình thành nhiều nhất ở ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, tiếp theo là ở các ngành Y tế, Giáo dục, các hội, đoàn thể chính trị - xã hội; trong đó, trong lĩnh vực y tế tất cả các Bệnh viện tuyến trung ương, một số Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đã thành lập phòng CTXH, một số Bệnh viện tuyến huyện đã thành lập bộ phận CTXH; trong lĩnh vực giáo dục, nhiều trường học đã bố trí nhân sự làm CTXH. Các tỉnh, thành phố từng bước tiếp tục phát triển các cơ sở có cung cấp dịch vụ CTXH đối với người già, người tâm thần, người nghiện, bảo vệ trẻ em, trợ giúp người khuyết tật phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng trên cơ sở bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ và kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở trợ giúp xã hội.  
Cần nâng cao nhận thức cho đối tượng bảo trợ xã hội trong việc bảo vệ môi trường

Do đặc thù đối tượng được chăm sóc tại các Cơ sở bảo trợ xã hội là những đối tượng yếu thế, người già, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có sức khỏe yếu hay mắc một số bệnh tật, nên để tạo điều kiện thuận lợi trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, các Cơ sở cũng đặc biệt quan tâm tới vấn đề quản lý, bảo vệ môi trường. Hầu hết các các Cơ sở khi tiến hành xây dựng mới hoặc mở rộng mặt bằng cơ sở hạ tầng đều căn cứ vào nội dung, quy mô của dự án để lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc ký xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong quá trình thi công xây dựng, đảm bảo không gây ra các tác động, ảnh hưởng từ khu vực phát sinh chất thải đến các khu vực khác, nhất là khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng. Việc quy hoạch hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn, chất thải y tế cũng được thực hiện theo đúng quy định.
Các Cơ sở cũng đều có phương án thu gom, xử lý, đảm bảo nước thải trước khi xả thải ra môi trường đạt theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Hệ thống xử lý nước thải cũng bảo đảm các yêu cầu như sử dụng quy trình công nghệ phù hợp với loại nước thải cần xử lý. Bên cạnh đó, còn thực hiện việc kiểm soát, xử lý bụi, khí thải, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng theo tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường; chủ động kiểm soát, xử lý nấm mốc, đường nội bộ, cây xanh, hành lang và cảnh quan môi trường theo quy mô, tính chất và đặc điểm hoạt động của đơn vị.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức
Tuy nhiên, một số Cơ sở bảo trợ xã hội được xây dựng từ lâu, quy mô nhỏ hoặc được cải tạo nâng cấp nên cơ sở vật chất đã xuống cấp, cần phải đổi mới để đảm bảo một cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Cùng với đó, vấn đề vệ sinh môi trường tại các Cơ sở còn hạn chế, ở một số đơn có sự đầu tư mới nhưng chưa hoàn thiện. Việc ứng phó với thiên tai ở nhiều đơn vị còn gặp khó khăn, thiếu thốn. Hệ thống cây xanh bao phủ chưa cao, bê tông hóa vẫn chiếm phần lớn. Các khoảng không gian xanh chưa được bố trí phù hợp phục vụ cho đối tượng. Ở một số đơn vị, dụng cụ y tế, trang thiết bị cần thiết để phục hồi chức năng đã hư hỏng, chưa có hệ thống xử lý chất thải, rác thải, gây ô nhiễm môi trường sống...
Để thực hiện tốt công tác quản lý và bảo vệ môi trường trong các Cơ sở bảo trợ xã hội, trước tiên cần trang bị cho đội ngũ cán bộ, nhân viên nhận biết và phân loại chất thải rắn thông thường và nguy hại, nguồn phát sinh chất thải rắn và các kỹ năng xây dựng thông điệp truyền thông về môi trường. Việc thu gom, lưu trữ, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, chất thải y tế phải thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn, chất thải y tế. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các chất thải rắn y tế là các chất thải sinh học độc hại và mang tính đặc thù so với các loại chất thải rắn khác. Các loại chất thải này nếu không được phân loại cẩn thận trước khi xả chung với các loại chất thải sinh hoạt sẽ gây ra những nguy hại đáng kể.  
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của các Cơ sở và bản thân đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng về vấn đề quản lý và bảo vệ môi trường để họ cùng quan tâm phối hợp thực hiện. Đồng thời huy động các kinh nghiệm, kỹ năng, bí quyết của địa phương tham gia vào các chương trình bảo vệ môi trường; Tạo cơ hội cho mọi thành phần trong xã hội tham gia vào việc bảo vệ môi trường, xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường. Và để tạo ra những thay đổi lớn và bền vững trong nhận thức và hành động về môi trường không chỉ cần những hành động ngắn hạn mà còn phải là những thay đổi cụ thể, liên tục trong cuộc sống hàng ngày. Đối với các Cơ sở cũng cần thiết kế cảnh quan thân thiện với môi trường, có phương án thu gom, xử lý nước thải bảo đảm trước khi xả thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về nước thải, có hệ thống xử lý nước thải bảo đảm các yêu cầu về quy trình công nghệ, đủ công suất xử lý toàn bộ lượng nước thải ra từ cơ sở, có biện pháp xử lý kịp thời khi thiết bị gặp sự cố. Kiểm soát, xử lý nấm mốc, đường nội bộ, cây xanh, hành lang và cảnh quan môi trường theo quy mô, tính chất, đặc điểm hoạt động của cơ sở. Định kỳ 2 lần/năm, phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xác định các yếu tố môi trường./. 
Minh Ngọc
 
Từ khóa: