Xã hội
Tăng cường sự tham gia của người khuyết tật trong phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai và biến đổi khí hậu
04:38 PM 04/12/2019
(LĐXH) - Ngày 4/12/2019, tại Hà Nội, Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam phối hợp với Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức hội thảo Tăng cường sự tham gia của người khuyết tật trong phòng chống giảm nhẹ thiên tai và biến đổi khí hậu.
Hội thảo là một hoạt động của dự án “Thúc đẩy phát triển hòa nhập của người khuyết tật và xây dựng cộng đồng ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu tại Nho Quan” do AFV phối hợp với UBND huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình thực hiện từ 2018 đến 2022 với sự tài trợ của tổ chức CBM và sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV).
Quang cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo có TS. Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH); ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng Quỹ hỗ trợ chương trình dự án, an sinh xã hội Việt Nam (AFV) cùng  đại diện các bộ, ngành và hơn 70 người khuyết tật tại các địa phương.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội đánh giá cao ý tưởng của dự án mà AVF đã triển khai thí điểm ở một số địa phương. Theo đó, vấn đề về biến đổi khí hậu và thiên tai là một trong những lĩnh vực mà Việt Nam phải đối mặt để xử lý; đặc biệt Việt Nam là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, sự ảnh hưởng này đến từ rất nhiều góc độ và phương diện ảnh hưởng của thiên tai trên các vùng miền của cả nước, như nước biển dâng, hạn hán, bão, lũ lụt, sạt lở... Do vậy, người dân nói chung, đặc biệt là nhóm người dân dễ bị tổn thương, như nhóm NKT sẽ đối diện với vấn đề này cũng như tham gia vào quá trình để ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu như thế nào.
TS. Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu tại Hội thảo
TS Tô Đức tin tưởng rằng, qua Hội thảo, các đại biểu hãy nhận diện chính xác vấn đề, vai trò, sự chủ động của NKT trong quá trình từ phòng ngừa thiên tai, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến vấn đề ứng phó khi đã xảy ra để có những cách xử lý phù hợp và vai trò của NKT tham gia như thế nào. Đồng thời những chia sẻ về mô hình, cách làm tốt mà quỹ và các địa phương, các tổ chức của NKT đã triển khai để tìm ra những khó khăn, tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện và những khó khăn về cơ chế, chính sách, nguồn lực để kiến nghị với các cơ quan hoạch định chính sách ở Trung ương và địa phương để dự án được hiệu quả.
Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cũng bày tỏ mong muốn, thời gian tới dự án được mở rộng hơn ra các vùng miền, gắn với đặc điểm của quá trình biến đổi khí hậu và đặc điểm của từng địa phương vì mỗi một khu vực vùng miền đều có những đặc điểm, quá trình tác động biến đổi khí hậu khác nhau. Từ đó sẽ có những cách thức, giải pháp, sáng kiến rất khác nhau, chứ không thể một mô hình lại có thể áp dụng được với tất cả các nhóm NKT ở các vùng miền. Tuy nhiên, mỗi cách làm hay ở các địa phương có thể chia sẻ, ứng dụng ở mỗi góc độ, khía cạnh, giá trị nhất định đối với từng nhóm NKT và những vùng miền khác.
Ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng AVF nhấn mạnh sự tham gia của NKT trong ứng phó với biến đổi khí hậu
Cũng tại Hội thảo, ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng AVF cho biết: Trong những năm vừa qua, do tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết ngày càng nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Tần suất các trận bão, lũ quét, ngập lụt gia tăng, gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế, con người và cuộc sống. Với gần 4.000 người khuyết tật trên khắp địa bàn huyện Nho Quan, việc tuyên truyền, hỗ trợ và tăng cường hòa nhập của người khuyết tật vào công tác phòng ngừa, giảm nhẹ rủi ro thiên tai là vô cùng quan trọng và cấp thiết; đặc biệt là sau cơn lũ lịch sử vào năm 2017.
Người khuyết tật thường dễ bị tổn thương và rủi ro trước các trường hợp thiên tai khẩn cấp và biến đổi khí hậu do bị hạn chế hoặc không được tiếp cận với các nguồn thông tin cảnh báo sớm, kế hoạch sơ tán, ứng phó, cùng khả năng thích ứng gồm có các phương án sinh kế bền vững, đào tạo nghề, cơ hội việc làm, vv.. Trong các chương trình phòng ngừa giảm nhẹ thiên tai cũng như các nỗ lực phục hồi và tái thiết dài hạn, nhu cầu của người khuyết tật thường chưa được quan tâm thích đáng. Phụ nữ khuyết tật là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương và nhu cầu của họ vẫn chưa được tính đến trong các giai đoạn của công tác quản lí rủi ro thiên tai. Do đó, cộng đồng người khuyết tật ít có cơ hội tiếp cận và chủ động ứng phó thiên tai và BĐKH.
Bà Đinh Thị Thụy – Trưởng phòng Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam trao đổi về tăng cường sự tham gia của người khuyết tật trong phòng chống giảm nhẹ thiên tai
Do đó, theo ông Tạ Việt Anh, các hoạt động của dự án, nhất là các mô hình sinh kế đã chứng tỏ hiệu quả ban đầu, đang dần giúp người khuyết tật có nguồn thu nhập ổn định, thêm sự tự tin và lạc quan hòa nhập cùng cộng đồng. Các địa phương đều đã phát triển khung Giảm thiểu rủi ro thiên tai với sự tham gia tích cực của NKT và lập các kế hoạch hành động thúc đẩy cộng đồng thích ứng và hòa nhập tại huyện Nho Quan.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với người khuyết tật
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các giải pháp hỗ trợ và tạo điều kiện cho NKT hòa nhập và tham gia vào công tác giảm thiểu rủi ro thiên tai. Trong đó, điều cần thiết và quan trọng là xóa bỏ những rào cản, nâng cao nhận thức và năng lực của NKT, các thành viên trong cộng đồng và cán bộ chính quyền nhằm nâng cao tiếng nói, sự tự tin của NKT. Bên cạnh đó, NKT cần được hỗ trợ những điều kiện cần thiết để có thể tham gia tích cực và hiệu quả vào các hoạt động.  Cần có sự tham gia của đại diện NKT trong các giai đoạn của chu trình giảm thiểu rủi ro thiên tai: đánh giá rủi ro thiên tai - xây dựng kế hoạch giảm thiểu rủi ro thiên tai - thực hiện kế hoạch - giám sát đánh giá việc thực hiện kế hoạch. Cần có sự tham gia của đại diện NKT trong Ban phòng chống thiên tai của thôn/xã. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và hỗ trợ các mô hình sinh kế cho NKT và gia đình. Kinh nghiệm cho thấy, Dự án tại huyện Nho Quan” đã tổ chức các lớp đào tạo nghề may gia công, đan bèo bồng và nuôi ong cho những NKT và người thân thuộc các gia đình nghèo, khó khăn cũng như hỗ trợ vật tư, máy móc, xây dựng nhà xưởng nhằm giúp họ có điều kiện làm ra các sản phẩm, tạo thu nhập để nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình. Dự án cũng đã phối hợp với các bên liên quan để tiêu thụ đầu ra sản phẩm của NKT theo chuổi giá trị nhằm tạo thu nhập ổn định. Các nghề này rất phù hợp với NKT ở địa phương và ít phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Từ đó NKT có được sinh kế bền vững, có khả năng thích ứng với thiên tai và BĐKH.
Người khuyết tật tham quan các gian hàng trưng bày bên lề Hội thảo
Được biết, Quỹ Hỗ trợ Chương trình, Dự án An sinh Xã hội Việt Nam (AFV) hoạt động phi lợi nhuận nhằm thực hiện hỗ trợ các chương trình, dự án giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển cộng đồng và hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn theo quy định của pháp luật.
Trong chiến lược hoạt động giai đoạn 2018-2023, AFV tập trung ưu tiên Tăng cường năng lực của người dân ở các địa phương, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương (NKT, phụ nữ, trẻ em…) và thực hiện các sáng kiến, mô hình khác nhau để xây dựng cộng đồng an toàn, nâng cao khả năng thích ứng và chống chịu với thiên tai, biến đổi khí hậu cũng như cải thiện sinh kế sinh kế bền vững và phát triển hòa nhập cho NKT. Khi có thiên tai xảy ra, AFV sẽ huy động các nguồn lực để hỗ trợ kịp thời cho những đối tượng dễ tổn thương bị ảnh hưởng thiên tai nhằm giúp họ phục hồi cuộc sống.
Minh Anh
 
Từ khóa: