Tăng cường tích hợp chính sách, lồng ghép nguồn lực trong giảm nghèo bền vững
LĐXH - Ngày 24/3, tại Sơn La, Bộ Lao động-TBXH phối hợp Đại sứ quán Ai Len, Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tổ chức hội thảo “Đánh giá kết quả rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo 2015-2016 và đề xuất kế hoạch 2017-2020”.
Phát biểu khai mạc, ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo cho biết, theo định hướng chung của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách giảm nghèo trong giai đoạn 2016 – 2020 là tăng cường tích hợp chính sách, lồng ghép nguồn lực. Việc tích hợp chính sách, lồng ghép nguồn lực mang lại hiệu quả tích cực trong công tác giảm nghèo nhưng hiện vẫn còn thiếu cơ chế phối kết hợp, phân công vai trò trách nhiệm cụ thể giữa các bên, nhất là ở địa phương.
Vụ trưởng, Chánh văn phòng quốc gia về giảm nghèo chủ trì hội thảo.
Đánh giá sơ bộ tác động của việc tích hợp chính sách, lồng ghép nguồn lực, ông Hoàng Xuân Thành, đại diện nhóm chuyên gia tư vấn cho rằng: Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách giảm nghèo trong giai đoạn 2016 – 2020, việc tích hợp chính sách sẽ giúp hài hòa các cơ chế, thống nhất quy trình áp dụng; giúp các cán bộ địa phương thuận lợi hơn trong việc tra cứu, nắm bắt và triển khai chính sách, tránh tình trạng có nhiều cơ quan chủ trì với qui trình, đối tượng, phạm vi, ngân sách, định mức, chế độ báo cáo, kiểm tra, giám sát – đánh giá khác nhau...
Ở Trung ương, việc tích hợp chính sách giúp công tác chỉ đạo giảm sự chồng chéo, lãng phí, tăng hiệu quả sử dụng ngân sách ở các cấp địa phương; đồng thời khắc phục những bất cập, điều chỉnh chính sách cho phù hợp thực tiễn, mở rộng đối tượng hưởng lợi, bổ sung nội dung chính sách và tăng định mức hỗ trợ trong những trường hợp cần thiết và khả thi. Ông Thành nêu ví dụ: Khi tích hợp các Quyết định 85/2010/QĐ-TTg, Quyết định 12/2013/QĐ-TTg và Quyết định 36/2013/QĐ-TTg vào Nghị định 116/2016/NĐ-CP đã bổ sung chính sách hỗ trợ kinh phí phục vụ việc dạy nghề nấu ăn cho học sinh, các trường phổ thông tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh cũng được bổ sung trong đối tượng hỗ trợ. Khi xây dựng Quyết định 46/2015/QĐ-TTg tích hợp các qui định về hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động, đồng thời đã tăng mức hỗ trợ tiền ăn cho lao động tham gia học nghề.
Ngoài ra, việc tích hợp các chính sách giúp giảm thiểu thủ tục hành chính ở địa phương cho cả người được thụ hưởng lẫn cán bộ thực hiện, góp phần thúc đẩy sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, giảm tồn đọng hồ sơ và phát sinh sai sót. Chẳng hạn, khi áp dụng Nghị định 116/2016/NĐ-CP, đối tượng được nhận hỗ trợ chỉ phải làm một bộ hồ sơ cho một lần đầu khi đề nghị xét cấp hỗ trợ trong cùng một trường thay vì phải làm nhiều hồ sơ để được nhận các loại hỗ trợ như trong 3 Quyết định riêng lẻ trước đây. Trường hợp thuộc hộ nghèo, chỉ cần nộp bổ sung giấy tờ chứng minh là hộ nghèo theo từng năm học. Việc vận chuyển, giao nhận gạo hỗ trợ cho học sinh cũng được qui định hợp lý hơn về trách nhiệm của các bên.
Tuy nhiên, ông Thành cũng chỉ ra một số hạn chế, khó khăn trong thực hiện việc tích hợp chính sách giảm nghèo trong thời gian qua. Theo đó, việc tích hợp chính sách, lồng ghép nguồn lực nếu không đi kèm cơ chế phối kết hợp, phân công vai trò trách nhiệm cụ thể giữa các bên sẽ dẫn đến không đạt được mục tiêu mong muốn. Điển hình là việc lồng ghép nguồn lực của Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào CTMTQG xây dựng Nông thôn mới trong giai đoạn 2016-2020. Sau khi lồng ghép thiếu cơ chế phối hợp ngay từ khâu lập kế hoạch và phân bổ ngân sách, chưa xử lý hài hòa giữa vai trò “chủ trì phân bổ ngân sách ” của ngành NN&PTNT và vai trò “chủ trì tổng hợp kế hoạch đào tạo nghề, chủ trì quản lý chung về công tác đào tạo nghề trên địa bàn” của ngành Lao động-TBXH... dẫn đến các địa phương lúng túng trong thực hiện, thậm chí ngân sách cho đào tạo nghề một số địa phương bị giảm mạnh so với năm trước khi thực hiện lồng ghép.
Trong khi đó, lập kế hoạch đào tạo nghề vẫn theo ngành dọc, chưa lồng ghép với quá trình lập kế hoạch thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới ở cấp xã theo phương pháp có sự tham gia; dẫn đến khó thực hiện mục tiêu lồng ghép đào tạo nghề với các hỗ trợ sinh kế khác theo cách tiếp cận dự án ở cấp cơ sở. Cũng là chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhưng đối với việc thực hiện Đề án hỗ trợ XKLĐ các huyện nghèo lồng ghép với CTMTQG giảm nghèo bền vững chung một cơ quan chủ trì là ngành Lao động-TBXH và hỗ trợ xuất khẩu lao động được thiết kế như một tiểu dự án trong CTMTQG giảm nghèo bền vững nên rất thuận lợi trọng cho lập kế hoạch và thực hiện.
Chủ trương tích hợp chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo ở vùng khó khăn vào chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trong CTMTQG giảm nghèo bền vững có từ năm 2015, nhưng đến năm 2017 vẫn chưa thực hiện được. Sự chậm chễ trong tham mưu xây dựng chính sách và hướng dẫn chung về hỗ trợ phát triển sản xuất trong CTMTQG giảm nghèo bền vững dẫn đến các địa phương lúng túng trong thực hiện, chưa phù hợp với chủ trương giảm cho không không kèm theo điều kiện, giảm hỗ trợ dàn trải, nhỏ lẻ của Chính phủ trong các CTMTQG.
Theo đánh giá của nhóm chuyên gia tư vấn, vẫn còn một số chính sách hỗ trợ chưa được tích hợp, gây khó khăn cho cán bộ địa phương trong thực hiện, hạn chế tác động thực tế đối với đời sống, sinh kế người nghèo. Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực hiện còn dàn trải, phân tán. Ngân sách nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý các cấp, cộng đồng hiện nằm ở các hợp phần, tiểu dự án khác nhau thuộc các CTMTQG, trong chương trình/đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, trong các chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, dạy nghề, chưa kể ở các dự án tài trợ. Tình trạng các cơ quan tổ chức tập huấn dồn dập vào các tháng cuối năm để kịp giải ngân và thanh quyết toán thường xảy ra, trong đó nhiều trường hợp bị trùng lắp về nội dung, đối tượng, địa bàn. Hiện tại còn thiếu một cơ chế phối kết hợp giữa các bên ở cấp tỉnh, huyện để xây dựng một đề án nâng cao năng lực thống nhất, đồng bộ, giảm lãng phí nguồn lực.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các địa phương đã nêu những khó khăn trong việc thực hiện tích hợp, lồng ghép chính sách giảm nghèo như bộ máy thực hiện công tác giảm nghèo còn khó khăn do biên chế không được tăng; việc lồng ghép còn thiếu thống nhất giữa các sở, ngành; chương trình mục tiêu giảm nghèo chưa kết hợp với Chương trình 135...
Kết luận hội thảo, ông Ngô Trường Thi đã ghi nhận những ý kiến của các đại biểu và cho biết trên cơ sở đó sẽ tiếp thu, chỉnh sửa xây dựng chính sách theo từng nhóm, từng đối tượng thụ hưởng, có sự phân công cụ thể cho các ngành... nhằm sớm ban hành Đề án/Kế hoạch thực hiện năm 2017./.
N.Ngọc
Từ khóa:
-
Xác minh vụ xe con tạt đầu, chèn ép xe khách trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai
24-01-2025 16:55 46
-
Hà Nội thí điểm điều chỉnh giao thông tại nút Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi: Hiệu quả bước đầu
24-01-2025 08:00 50
-
Chợ hoa mỗi năm chỉ họp một lần: Đông khách ngắm, vắng người mua
23-01-2025 16:42 59
-
Đào đông đỏ giá cả trăm triệu đồng chờ đại gia rước về trưng Tết
22-01-2025 11:40 58
-
Hà Nội: Nút giao Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến bớt 'ngộp thở'
22-01-2025 11:40 44
-
Hà Nội: Tàu điện trên cao cũng chen chúc
22-01-2025 09:30 59
English Review
Economic recovery is losing steam, new ILO report says
English Review | 22-01-2025 09:10 31