Xã hội
Tây Ninh: Nâng cao hiệu quả phục hồi chức năng cho người khuyết tật
04:47 PM 30/10/2019
Thời gian qua, các chế độ chính sách trợ giúp người khuyết tật đã được tỉnh Tây Ninh thực hiện kịp thời, đúng theo quy định, tạo điều kiện để nhiều người vươn lên tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Ngay khi Luật Người khuyết tật được ban hành, Quốc hội nước Việt Nam đã phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật (NKT). Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 1100/QĐ-TTg ngày 21/6/2016 phê duyệt kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT. Trong đó nêu rõ các vấn đề về chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho người khuyết tật.
Người khuyết tật được phục hồi chức năng, hòa nhập cộng đồng
Theo thống kê, toàn tỉnh Tây Ninh có trên 16.000  NKT. Số hộ có NKT nặng, đặc biệt nặng là 8.261 hộ. Trong những năm qua, công tác trợ giúp NKT trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả khả quan.
Trong đó, tỉnh Tây Ninh đã triển khai thực hiện “Ðề án trợ giúp người khuyết tật” giai đoạn 2016-2020. Trong số các hoạt động trợ giúp NKT theo đề án, công tác chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng (PHCN) cho NKT được chú trọng đẩy mạnh.
Cùng với các tổ chức quốc tế đang triển khai các dự án dành cho người khuyết tật trên địa bàn Tây Ninh, Dự án Direct (Tăng cường thực thi chính sách và trị liệu cho NKT) do Hội Trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH) triển khai đã hỗ trợ địa phương đào tạo tăng cường nguồn nhân lực: 16 bác sỹ và 26 Kỹ thuật viên hoàn thành lớp đào tạo định hướng PHCN tại TP. Hồ Chí Minh; đào tạo 60 cán bộ chuyên trách tuyến cơ sở; tổ chức tập huấn chuyên đề về PHCN và chuyển giao kỹ thuật về PHCN, cung cấp dụng cụ PHCN cho các bệnh viện, trung tâm y tế huyện. Đến nay, tuyến tỉnh đã thành lập Ban điều hành quản lý chương trình PHCN dựa vào cộng đồng; 100% các trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế xã, phường thành lập ban điều hành chương trình. Toàn tỉnh hiện có 117 cán bộ chuyên trách, mỗi xã, phường, thị trấn đều có cán bộ chuyên trách về PHCN. Tổng số cộng tác viên toàn tỉnh hiện là 542 người.
Ngoài việc chú trọng phát triển mạng lưới PHCN, công tác phát hiện sớm, can thiệp sớm, trị liệu cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cũng được ngành chức năng quan tâm đẩy mạnh.
Dự án tăng cường năng lực mạng lưới dịch vụ và trị liệu cho trẻ em khuyết tật được triển khai thực hiện, với mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ khuyết tật dưới 6 tuổi và gia đình của trẻ, thông qua mô hình can thiệp toàn diện về phát hiện sớm, can thiệp sớm cùng với các dịch vụ y tế, giáo dục và phát triển, hoà nhập xã hội. Dự án đã hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ thuộc 3 sở tuyến cơ sở về công tác sàng lọc trẻ khuyết tật tại cộng đồng.
Từ hoạt động sàng lọc, ngành chức năng phát hiện được 2.945 trẻ nghi ngờ có dấu hiệu khuyết tật, trong đó có 1.020 trẻ cần được can thiệp. Dự án cũng đã can thiệp cho 234 trẻ khuyết tật về giáo dục đặc biệt và phục hồi chức năng; hỗ trợ 33 trẻ chuyển tuyến.
Ông Trần Văn Sỹ- Phó Giám đốc Sở Y tế Tây Ninh cho biết: “Hiện mạng lưới PHCN đã được tăng cường từ tuyến tỉnh đến tuyến xã. Ðến nay, toàn tỉnh có 100% trung tâm y tế huyện, thành phố có bác sĩ, y sĩ, kỹ thuật viên được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyên ngành PHCN; 100% trạm y tế xã có cán bộ y tế phụ trách công tác PHCN. Trong đó, có 6/9 trung tâm tế huyện, thành phố đã có đơn vị PHCN đi vào hoạt động”.
Song song với công tác điều trị phục hồi chức năng, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho NKT là một trong những nội dung quan trọng trong công tác trợ giúp NKT ổn định cuộc sống, sớm hoà nhập cộng đồng.
PV
 
Từ khóa: