Thái Bình: Ước thực hiện năm 2024, giảm từ 1.000 đến 1.500 hộ nghèo
(LĐXH) - Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ năm 2023, tỉnh Thái Bình có tổng số 11.925 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,82% (giảm 2.145 hộ, giảm 0,32% so với năm 2022); Tổng số hộ cận nghèo 12.587 hộ, tỷ lệ 1,92% (giảm 2.267 hộ, giảm 0,34% so với năm 2022). Ước thực hiện năm 2024, giảm từ 1.000 đến 1.500 hộ nghèo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động nghèo, tạo việc làm gắn với thu nhập, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo.
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, các sở, ban, ngành tỉnh Thái Bình đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo nhằm thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo. UBND các huyện, thành phố đều căn cứ vào mục tiêu giảm nghèo của địa phương và hướng dẫn của các ngành chuyên môn cấp trên chỉ đạo các xã, phường thị trấn triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao thu nhập người dân nói chung và đảm bảo ổn định cuộc sống của các hộ nghèo, cận nghèo nói riêng.
Cùng với việc thực hiện các dự án, tiểu dự án Chương trình MTQG giảm nghèo, tỉnh Thái Bình cũng chú trọng các chính sách giảm nghèo thường xuyên. Trong đó, đối với chính sách hỗ trợ giáo dục đào tạo, toàn tỉnh đã thực hiện chính sách hỗ trợ miễn học phí cho 9.419 học sinh thuộc hộ nghèo, với kinh phí hơn 1.102 triệu đồng; giảm học phí cho 5.612 lượt học sinh thuộc hộ cận nghèo, với kinh phí hơn 311,6 triệu đồng; Hỗ trợ chi phí học tập cho 10.424 lượt học sinh nghèo với kinh phí hỗ trợ hơn 3.627,9 triệu đồng; Hỗ trợ tiền ăn trưa cho 3.676 lượt trẻ em từ 3-5 tuổi học mẫu giáo, với kinh phí trên 1.323 triệu đồng.
Về chính sách y tế, đã tổ chức cấp 12.568 thẻ BHYT cho người nghèo, kinh phí hỗ trợ 6.570 triệu đồng và 18.890 thẻ BHYT cho người cận nghèo với kinh phí hỗ 9.015 triệu đồng. Công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người cận nghèo đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng khám chữa bệnh cho các đối tượng từng bước được nâng lên; Tổ chức khám chữa bệnh cho người bệnh có thẻ BHYT tại các trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ tiền điện cho 12.219 lượt hộ nghèo, với tổng kinh phí hơn 4.398,8 triệu đồng. Đối với chính sách tín dụng ưu đãi, đã có 236 hộ nghèo được hỗ trợ với tổng kinh phí 7.624 triệu đồng; Có 326 hộ cận nghèo được hỗ trợ với tổng kinh phí 10.091 triệu đồng; 6.850 hộ thoát nghèo được vay vốn tín dụng với tổng kinh phí 175.232 triệu đồng.
Ủy ban Mặt trân Tổ quốc Việt Nam các cấp đã trích Quỹ "Vì người nghèo" triển khai thực hiện các nội dung trợ giúp người nghèo như xây mới và sửa chữa 77 "Nhà đại đoàn kết", trị giá 2.363,8 triệu đồng (trong đó hỗ trợ xây mới 58 nhà, trị giá 2.253 triệu đồng; hỗ trợ sữa chữa 19 nhà, trị giá trên trên 110.8 triệu đồng).
Nhìn chung, người nghèo đã tiếp cận thuận tiện hơn các chính sách trợ giúp của nhà nước, số hộ nghèo trong tỉnh giảm đáng kể, đời sống của người nghèo được từng bước cải thiện, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh được triển khai mạnh mẽ, đã thay đổi diện mạo của nông thôn Thái Bình, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Tuy nhiên, tỉnh cũng gặp một số khó khăn trong thực hiện chương trình giảm nghèo như: Công tác tuyên truyền về việc xác định thu nhập của hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình để hỗ trợ chính sách tại một số cơ sở còn hạn chế. Các dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất phải đảm bảo tối thiểu 50% người dân tham gia là đối tượng hỗ trợ của các Chương trình MTQG trong đó ưu tiên nguồn lực thực hiện dự án, mô hình có trên 70% người dân tham gia là đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nên rất khó khăn trong thực hiện dự án. Thái Bình cơ bản hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chủ yếu là người cao tuổi, hoặc người khuyết tật không có lao động, nếu xác định người học nghề “lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo” thì không có người tham gia. Nếu tập trung vào nhóm người lao động có thu nhập thấp, thì chưa có hướng dẫn xác định “người lao động có thu nhập thấp” cho nên khó khăn khi thực hiện dự án.
Nguyên nhân là do các văn bản của Trung ương có một số điểm chưa thống nhất, chưa đồng bộ, hướng dẫn chưa cụ thể và chưa phù hợp với thực tế quản lý đối tượng ở địa phương dẫn đến mỗi địa phương hiểu theo một cách khác nhau, khó áp dụng thực hiện. Có địa phương do ảnh hưởng của mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hoặc có tư tưởng hạn chế tăng số hộ nghèo (do nhận thức tăng thì dễ, nhưng giảm thì khó), nên chưa phát hiện và hướng dẫn hộ gia đình có nguy cơ nghèo có giấy đề nghị được rà soát, được hỗ trợ chính sách giảm nghèo. Công tác tuyên truyền ở một số địa phương về hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình chưa được chú trọng nên số lượng người hưởng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ có mức sống trung bình chưa cao.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái” của dân tộc ta đối với người nghèo. Khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo. Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo nguồn lực, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo bền vững; bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và tăng cường các nguồn lực đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước./.
Hồng Phượng
Từ khóa:
-
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
08-11-2024 11:21 35
-
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
14-11-2024 10:52 07
-
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công
13-11-2024 14:48 14
-
Thành đoàn Hải Phòng với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
02-10-2024 14:34 08
-
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
09-09-2024 10:51 12
-
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
07-09-2024 18:54 08