Lao động
Thái Nguyên: Chủ động phòng ngừa giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
10:46 AM 26/04/2022
Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) không chỉ giúp người lao động có môi trường làm việc an toàn, thân thiện mà còn tạo uy tín, nâng cao sức cạnh tranh, giúp người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Nhận thức rõ vấn đề đó, những năm qua, bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều giải pháp nhằm góp phần nâng cao chất lượng môi trường làm việc, hạn chế tai nạn lao động.
Nghiêm túc chấp hành các quy định về pháp luật ATVSLĐ nhằm hạn chế thấp nhất tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Tai nạn lao động là điều không ai mong muốn, bởi nó để lại những hậu quả trực tiếp với người lao động cũng như những hệ luỵ cho gia đình của họ; cùng với đó doanh nghiệp hay người sử dụng lao động cũng phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý tuỳ theo mức độ sự việc và hậu quả. Chính vì vậy mà các cấp, các ngành trong tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo và kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động và nhân dân hưởng ứng, thực hiện công tác ATVSLĐ. Hàng năm, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh Thái Nguyên đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến các ngành, địa phương, doanh nghiệp như: Tuyên truyền trực quan qua băng rôn, pano hay qua phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các buổi tuyên truyền, quảng bá về chính sách pháp luật lao động, ATVSLĐ tại các địa phương… Qua đó, tạo thuận lợi cho người sử dụng lao động được tiếp cận nhanh nhất với các văn bản, chính sách liên quan đến ATVSLĐ.
Ngoài ra, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh cũng thường xuyên duy trì hoạt động kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp. Qua công tác kiểm tra, kịp thời hướng dẫn các doanh nghiệp chấp hành đúng quy định của pháp luật, chỉ ra các vi phạm, thiếu sót trong công tác ATVSLĐ và phòng, chống cháy nổ để giúp cho các tổ chức, cá nhân rà soát, bổ sung, hoàn thiện các nội quy, quy trình, biện pháp kỹ thuật an toàn, góp phần nâng cao ý thức trong thực hiện công tác ATVSLĐ của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và người lao động.
Theo số liệu điều tra của 116 doanh nghiệp với tổng số lao động đang làm việc là 113.553 người, thì năm 2021 toàn tỉnh để xảy ra 102 vụ tai nạn lao động làm 104 người bị tai nạn, giảm 36 vụ và 35 người bị nạn so với năm 2020. Đồng thời, qua kiểm tra cũng cho thấy, nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động đã từng bước nâng cao. Không ít doanh nghiệp coi việc đầu tư trang thiết bị ATVSLĐ, bảo hộ lao động và người lao động chấp hành đầy đủ các quy định về an toàn lao động là hành động, việc làm có văn hóa. Cũng có nhiều doanh nghiệp buộc người lao động phải tuân thủ, chấp hành nghiêm túc các quy định về ATVSLĐ, nếu người lao động không tuân thủ sẽ không được vào vị trí làm việc, thậm chí bị cắt hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, dù đã có nhiều kết quả khả quan, song trên thực tế vẫn còn doanh nghiệp chủ quan, chưa coi trọng công tác an toàn lao động; không giám sát chặt chẽ công tác ATLĐ; không đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn người lao động chấp hành đúng quy định về ATVSLĐ; để người lao động vi phạm về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy phạm an toàn. Hiện tượng giấu sự cố mất ATLĐ khá phổ biến trong khối doanh nghiệp; giữa doanh nghiệp và người lao động bị tai nạn tự thỏa thuận, giấu nhẹm, gây khó khăn cho cơ quan chức năng.
Nhận thấy rõ những ưu điểm, hạn chế nói trên, để đẩy mạnh công tác đảm bảo ATVSLĐ, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh Thái Nguyên đã đề ra một số định hướng trong năm 2022 như: Tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ tỉnh Thái Nguyên năm 2022; khen thưởng cho các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong công tác ATVSLĐ năm 2021; xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra công tác ATVSLĐ trong Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022; xây dựng và tổ chức hội nghị đối thoại với người sử dụng lao động và người lao động về chế độ, chính sách pháp luật lao động và ATVSLĐ. Cùng với đó, chú trọng đến hoạt động tuyên truyền huấn luyện về ATVSLĐ cho đối tượng là người lao động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt là người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Hướng dẫn để UBND cấp xã thực hiện tốt việc thống kê, báo cáo tình hình tai nạn lao động trong khu vực không có hợp đồng lao động.
An toàn trong lao động được thực hiện tốt sẽ là một trong những yếu tố hàng đầu để doanh nghiệp thu hút lao động, tạo nên lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp và xây dựng hình ảnh đẹp của cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp theo định hướng đề ra, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh./.
Thu Hương
Từ khóa: