Thái Nguyên: Chú trọng công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống tai nạn lao động
(LĐXH) Nhận thức rõ bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) không chỉ nhằm bảo vệ người lao động (NLĐ) mà còn được coi là giải pháp hiệu quả giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có sự quan tâm đầu tư công nghệ sản xuất, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có gần 4.000 doanh nghiệp, với hơn 200.000 lao động. Theo thống kê, trong 5 năm gần đây (2016-2020), số lượng các doanh nghiệp tăng nhanh, kéo theo đó là lực lượng lao động tăng hơn 1,6 lần, bình quân tăng 12,4%/năm. Tuy nhiên, một lực lượng lớn NLĐ chủ yếu chuyển dịch từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, đa phần chưa được đào tạo bài bản, chuyên môn nghề nghiệp thấp, chưa có tác phong công nghiệp. Bên cạnh đó, lao động trong các ngành công nghiệp khai khoáng, cơ khí, luyện kim, một trong những nhóm ngành từng là thế mạnh của tỉnh, có tính đặc thù, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn lao động.
Nhằm khắc phục những hạn chế này, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã thường xuyên ban hành văn bản hướng dẫn chuyên môn về công tác huấn luyện ATVSLĐ, kiểm định máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Đồng thời, phối hợp với doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho NLĐ và người sử dụng lao động. Hàng năm, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh tổ chức phát động “Tháng hành động về ATVSLĐ” thu hút hàng nghìn lượt người tham gia. Qua đó, tuyên truyền rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân, NLĐ về tầm quan trọng, lợi ích của việc đảm bảo ATVSLĐ; phát hành ấn phẩm sách, báo, tờ rơi về công tác ATVSLĐ; căng treo băng zôn, khẩu hiệu, triển khai các chiến dịch, phong trào thi đua về đảm bảo ATVSLĐ trong các nhà máy, xí nghiệp; thi tìm hiểu pháp luật về ATVSLĐ, tạo thuận lợi cho người sử dụng lao động được tiếp cận nhanh nhất với các văn bản chính sách liên quan đến ATVSLĐ.
Kết quả, trong 5 năm, có gần 515.000 lượt NLĐ đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được huấn luyện ATVSLĐ, hơn 35.000 lượt người sử dụng lao động, cán bộ làm công tác ATVSLĐ trong doanh nghiệp, cán bộ quản lý Nhà nước về lao động ở cấp huyện, xã, cán bộ y tế xã, phường, nhân viên y tế trong các doanh nghiệp, NLĐ được tuyên truyền, tập huấn kỹ năng về ATVSLĐ. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, NLĐ và toàn xã hội trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp trong tỉnh đã quan tâm đầu tư công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, cải thiện điều kiện làm việc, tăng năng suất lao động, bảo đảm an toàn trong sản xuất; từng bước xây dựng môi trường làm việc xanh – sạch – đẹp, an toàn, đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy...
Bên cạnh đó, nhằm cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho NLĐ, tỉnh luôn coi trọng, triển khai công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, sử dụng trang thiết bị bảo đảm ATVSLĐ. Từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt 3 đề tài thuộc lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, sử dụng trang thiết bị bảo đảm ATVSLĐ, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho NLĐ. Kết quả của các đề tài nghiên cứu này đã góp phần tích cực vào việc chăm sóc sức khỏe tới đội ngũ cán bộ y tế, bệnh nhân và NLĐ trong các nhà máy, xí nghiệp.
Qua giám sát của đơn vị chức năng, hiện nay, hầu hết doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều bố trí đội ngũ người làm công tác ATVSLĐ. Các chế độ, chính sách đối với NLĐ như: Trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân, khám sức khoẻ định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, bồi dưỡng độc hại, bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp... đã được quan tâm đúng mức. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ, với tổng kinh phí trung bình 320 tỷ đồng/năm, chủ yếu đầu tư cho các hoạt động liên quan đến biện pháp kỹ thuật an toàn, kỹ thuật vệ sinh, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, chăm sóc sức khỏe NLĐ...
Có thể nói, công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 103 vụ tai nạn lao động làm 105 người bị tai nạn lao động (giảm 41 vụ và 40 người bị nạn so với năm 2018). Tuy nhiên, năm 2020, số vụ tai nạn lao động tăng lên 138 vụ. Kết quả này cho thấy, công tác ATVSLĐ tại các doanh nghiệp chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả, một số doanh nghiệp vẫn thực hiện một cách hình thức hoặc chưa thực sự quan tâm đến công tác ATVSLĐ. Vì vậy, tăng cường công tác ATVSLĐ vẫn phải là việc làm cần được các cấp, ngành và doanh nghiệp quan tâm thực hiện thường xuyên.
Văn Chuẩn
Từ khóa:
-
Đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội
03-01-2025 12:03 18
-
Hà Nội thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển lao động
10-01-2025 11:07 44
-
Quận Cầu Giấy hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng cho công nhân lao động đón Tết Ất Tỵ 2025
07-01-2025 20:37 46
-
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
12-12-2024 15:34 57
-
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
30-12-2024 15:09 04
-
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
27-12-2024 14:32 31
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46