Thái Nguyên đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về an toàn vệ sinh lao động
(LĐXH)- Nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã thuờng xuyên đẩy mạnh tuyên truyền những quy định của pháp luật về ATVSLĐ, chính sách và chế độ bảo hộ lao động.
Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng và thực hiện hiệu quả hệ thống quản lý ATVSLĐ, triển khai huấn luyện ATVSLĐ đến các cơ sở sản xuất kinh doanh, các làng nghề tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao về mất an toàn, dễ dẫn đến tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng cho người lao động, xử lý những tình huống trong quá trình sản xuất… Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của mỗi doanh nghiệp, người lao động và góp phần xây dựng môi trường làm việc an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của do tai nạn lao động gây ra.
Bên cạnh việc đầu tư phát triển, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp ở Thái Nguyên ngày càng chú trọng hơn đến đảm bảo ATVSLĐ và coi đây là nhiệm vụ quan trọng. Đồng thời, chủ động thực hiện các hoạt động tự kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tai nạn lao động, thực hiện huấn luyện an toàn lao động cho người lao động, trang bị phương tiện cá nhân, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng, đảm bảo các loại máy móc tại doanh nghiệp được sử dụng, vận hành theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Qua đó đã hạn chế được các tai nạn, sự cố đặc biệt nghiêm trọng, cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe người lao động, tần suất tai nạn lao động năm sau giảm so với năm trước.
Ông Nguyễn Đức Tiến, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải trao đổi: Không chỉ tổ chức tập huấn về công tác ATVSLĐ, hằng năm, các cơ quan chức năng trong tỉnh còn phối hợp tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người sử dụng lao động, cán bộ quản lý, người làm công tác ATVSLĐ và toàn thể người lao động của Công ty. Nhờ đó, người lao động ngày càng có ý thức tự giác chấp hành các quy định về ATVSLĐ, mang đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân như khẩu trang, găng tay, mũ, quần áo bảo hộ… để bảo vệ sức khỏe chính mình.
Là doanh nghiệp FDI có trụ sở hoạt động tại huyện Phú Bình, Công ty TNHH KSD Vina sản xuất các linh kiện phụ trợ cho điện thoại, với số lượng hơn 1.000 công nhân. Hiện, công ty đã thực hiện các quy trình kỹ thuật và an toàn lao động theo các quy chuẩn bắt buộc của pháp luật Việt Nam và quy định phòng cháy, chữa cháy; có đầy đủ hồ sơ về hợp đồng lao động, hồ sơ sức khỏe và các báo cáo quan trắc môi trường. Trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ năm 2021, Công ty đã giảm mức đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, đồng thời hỗ trợ lương cho những lao động phải thực hiện cách ly.
Bên cạnh đó, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các đơn vị, doanh nghiệp và toàn thể người lao động, công tác ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Toàn tỉnh có trên 80% đơn vị, doanh nghiệp có bộ máy làm công tác ATVSLĐ.
Đặc biệt, các địa phương, đơn vị mà nòng cốt là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thái Nguyên cũng đã phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành, đo kiểm tra môi trường lao động tại doanh nghiệp, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động và mở các lớp huấn luyện… để nâng cao ý thức về ATVSLĐ. Qua kiểm tra, hầu hết các cơ sở sản xuất kinh doanh đều chấp hành tương đối tốt các quy định của pháp luật về ATVSLĐ như: thành lập Hội đồng bảo hộ lao động, xây dựng kế hoạch ATVSLĐ hàng năm; thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên từ tổ sản xuất; ban hành quyết định phân cấp trách nhiệm về công tác ATVSLĐ cho các chức danh theo quy định.
Trong đó, nhiều đơn vị, doanh nghiệp còn thực hiện nghiêm chỉnh việc trang cấp các phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động làm việc trong điều kiện có các yếu tố nguy hiểm độc hại, lập sổ theo dõi cấp phương tiện bảo hộ cá nhân; đầu tư, lắp đặt hệ thống chống nóng cho xưởng sản xuất, niêm yết nội quy vận hành an toàn lao động; thực hiện đo kiểm môi trường lao động, che chắn thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, thực hiện tốt việc khám sức khoẻ định kỳ và có chế độ phụ cấp cho lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại; tiến hành kiểm định, đăng ký các máy thiết bị; tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, huấn luyện các biện pháp làm việc đảm bảo an toàn nhằm ngăn chặn tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp xảy ra đối với người lao động.
Để hướng tới một môi trường làm việc đảm bảo an toàn, hiệu quả và để người dân yên tâm lao động sản xuất, góp phần hạn chế tối đa các trường hợp tai nạn xảy ra, thời gian tới các ngành chức năng ở Thái Nguyên sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền về ATVSLĐ. Đồng thời, chú trọng xây dựng môi trường làm việc an toàn, tránh rủi ro trong lao động, đây là giải pháp an toàn và hiệu quả để người lao động đồng hành cùng với doanh nghiệp đem lại sự ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững.
Lê Việt
Từ khóa:
-
Cơ hội việc làm cho người khuyết tật
22-11-2024 18:20 44
-
Cà Mau: Thực hiện hiệu quả công tác chi trả trợ cấp thất nghiệp
12-11-2024 16:08 19
-
Tập đoàn MetLife ghi tên trong Top 25 Nơi làm việc tốt nhất Thế giới năm 2024
22-11-2024 14:08 51
-
1.337 cơ hội việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan
08-11-2024 17:15 06
-
Hội chợ việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan thành phố Hà Nội năm 2024
08-11-2024 12:50 35
-
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa lao động Việt Nam sang Canada làm việc theo kế hoạch bài bản
08-11-2024 10:45 47