Xã hội
Thanh Hóa: Chung tay chăm lo cho người khuyết tật và trẻ mồ côi
03:08 PM 27/04/2017
Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ người khuyết tật (NKT) cả về vật chất lẫn tinh thần, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.
Hiện toàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 240.000 NKT và 21.000 trẻ mồ côi (TMC). Để trợ giúp NKT ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã vận động toàn dân chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với NKT và TMC. Nổi bật là các phong trào nhận nuôi dưỡng, đỡ đầu NKT; xây dựng quỹ bảo trợ, quỹ xóa đói, giảm nghèo; hỗ trợ làm nhà, tặng xe lăn, xe lắc, xe bại não; phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng; chương trình khuyến học, khuyến tài... Đặc biệt là từ khi có Pháp lệnh về người tàn tật thì mục tiêu giáo dục và tạo việc làm cho NKT được xác định là nhiệm vụ quan trọng cần sự chung tay của toàn xã hội.
Người khuyết tật học nghề tranh gạo tại cơ sở
sản xuất tranh Cao Văn Tuân, thị trấn Quảng Xương.
Theo số liệu thống kê của Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi (BTNTT&TMC) từ năm 2013 đến nay, tỉnh Hội đã phối hợp với các cơ sở, DN trên địa bàn tỉnh tổ chức dạy nghề và tư vấn việc làm cho khoảng 1.700 NKT, trong đó có khoảng trên 500 NKT được tạo việc làm sau học nghề... “Dạy nghề cho NKT đã khó, tạo việc làm cho NKT còn khó hơn. Các em cố gắng làm ra sản phẩm để chứng minh rằng NKT chứ không khuyết tài”, đó là tâm sự của chị Nguyễn Thị Thắm, Chủ nhiệm HTX thủ công nghiệp Tân Thọ (Nông Cống). Đối với NKT, tuy bước đầu tham gia lao động thực sự để tự nuôi sống bản thân có gặp khó khăn, nhưng họ cảm thấy tự hào vì mình có việc làm để không phụ thuộc vào gia đình, xã hội. Việc tổ chức đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho NKT hiện nay thật sự cần thiết nhằm tạo điều kiện cho họ có việc làm ổn định để nâng cao mức sống.
Song song với chương trình hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm là dự án hỗ trợ sinh kế giảm nghèo cho NKT với các hoạt động như: trao bò vàng sinh kế, lợn giống sinh sản, xây công trình vệ sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho NKT... Nhờ đó, NKT có thêm động lực, chủ động vươn lên, hòa nhập cộng đồng. Sau hơn 6 năm triển khai dự án, đã có trên 700 hộ được hỗ trợ xây dựng công trình; hỗ trợ sinh kế... với số tiền trên 2 tỷ đồng. Đến nay đã có 92% hộ gia đình là NKT tham gia mô hình sinh kế đã thoát nghèo.
Trong những năm qua, Hội BTNTT&TMC tỉnh đã tích cực vận động các tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài nước đóng góp xây dựng quỹ hội với số tiền trên 25,5 tỷ đồng (bằng tiền và hiện vật quy ra tiền). Từ nguồn quỹ, Hội BTNTT&TMC đã phối hợp với các nhà hảo tâm, các DN tổ chức phẫu thuật thay thủy tinh thể cho gần 2.000 ca, phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng cho 982 người; phẫu thuật tim 50 ca; cấp xe lăn, xe lắc, xe bại não miễn phí cho gần 5.000 NKT; tặng 1.500 xe đạp; trao 1.500 suất học bổng; xây mới, sửa chữa, nâng cấp 120 nhà tình thương... Bên cạnh đó, để giúp NKT hòa nhập cộng đồng, hàng năm Hội BTNTT&TMC tỉnh tổ chức hội thao, văn nghệ, biểu dương gương NKT&TMC tiêu biểu trong học tập, lao động, sản xuất giỏi.
Để NKT&TMC có được nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm cũng như các hoạt động hỗ trợ khác thì bên cạnh các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước rất cần sự giúp đỡ thường xuyên của các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài tỉnh để họ có được cơ hội làm việc và nâng cao trình độ văn hóa cũng như chuyên môn, có thu nhập ổn định. Đối với NKT, cũng cần phải tự trang bị kiến thức, kỹ năng chuyên môn và rèn luyện, phấn đấu vượt lên số phận, khẳng định mình là những người có ích cho xã hội.
Trần Hằng
Từ khóa: