Xã hội
Thành phố Cần Thơ tập trung cho giảm nghèo bền vững
09:15 AM 15/09/2018
(LĐXH) - Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Cần Thơ, đầu năm 2018, toàn thành phố còn 8.229 hộ nghèo (tỷ lệ 2,55%), 11.440 hộ cận nghèo (tỷ lệ 3,54%), phấn đấu cuối năm nay giảm còn 1,55% hộ nghèo, tương đương 3.196 hộ.
Những năm qua và nhất là từ năm 2017 đến nay, TP. Cần Thơ đã triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững, ngày càng có nhiều hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội theo hướng đa chiều. Chính sách vay vốn ưu đãi đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, việc lồng ghép cho vay với tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật đã nâng cao hiệu quả vốn tín dụng. Thành phố cũng chú trọng lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến công; tiếp tục phát triển hình thức dạy nghề lưu động đến ấp, khu vực, tạo điều kiện để người có khó khăn về tài chính, thể chất, gia cảnh được học nghề và tự tạo việc làm. Từ nguồn kinh phí Đề án Đào tạo nghề, khuyến khích các doanh nghiệp mở các lớp nghề hay cơ sở giáo dục nghề nghiệp mở tại doanh nghiệp; thí điểm mô hình doanh nghiệp tổ chức dạy nghề và nhận người nghèo, người khuyết tật vào làm việc…
Cũng từ năm 2017 đến nay, các địa phương trên địa bàn TP. Cần Thơ đã tích cực triển khai thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo, trong đó, chính sách đào tạo, chuyển đổi ngành nghề, giới thiệu việc làm tác động hiệu quả. Qua đây, đã góp phần nâng dần tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản. Có được kết quả trên là do các quận, huyện trong Thành phố tập trung triển khai đồng bộ, kịp thời các chính sách, dự án giảm nghèo. Trong đó, chú trọng chính sách trợ giúp về vốn vay, dạy nghề, việc làm…, tạo điều kiện để hộ nghèo, cận nghèo từng bước cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, thoát nghèo bền vững.
Điển hình như tại huyện Cờ Đỏ, từ năm 2017 đến nay đã có 2.630 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay hơn 46 tỷ đồng để sản xuất, mua bán nhỏ. Đồng thời, huyện còn quan tâm phối hợp mở 37 lớp nghề sơ cấp cho 1.244 lao động, trong đó lồng ghép vận động người nghèo, cận nghèo học các nghề dễ tìm việc làm, thu nhập ổn định.
Ông Võ Minh Chính - Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Cờ Đỏ cho biết, huyện đã đưa các nghề như hiện đan lục bình, đan dây nhựa…, vào chương trình dạy nghề cho người lao động tại địa phương, từ đó thu hút nhiều lao động theo học và có việc làm, góp phần giảm nghèo hiệu quả. Ngoài ra, huyện Cờ Đỏ cũng tập trung xây dựng 13 mô hình giảm nghèo, gồm 116 hộ nghèo, cận nghèo, với kinh phí gần 3 tỷ đồng, 14 mô hình sinh kế, gồm 598 hộ nghèo, cận nghèo… phấn đấu từ nay đến cuối năm, Cờ Đỏ phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,8%, tương đương với 553 hộ.
Hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo ở TP.Cần Thơ. (Nguồn: Báo Cần Thơ).
Còn tại huyện Thới Lai, gần hai năm qua, đã có hơn 100 người nghèo, cận nghèo được học các nghề như: May gia dụng, may công nghiệp, đan đát, đan giỏ nhựa. Sau khi học nghề, người nghèo, cận nghèo vào làm việc tại các hợp tác xã, tổ hợp tác, với thu nhập bình quân 1,5 triệu đến 2,5 triệu đồng/tháng/người. Ngoài ra, huyện cũng phối hợp, thẩm định và kịp thời cho các đối tượng nói trên vay trên 72 tỷ đồng, giúp cho trên 4.200 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo có điều kiện tăng gia sản xuất, kinh doanh. Từ cơ sở trên, huyện Thới Lai phấn đấu 400 hộ thoát nghèo vào cuối năm 2018. 
Có thể thấy, TP. Cần Thơ đã xác định dạy nghề gắn với giải quyết việc làm là một trong các giải pháp giúp giảm nghèo hiệu quả. Chính vì vậy, các ngành chức năng và địa phương đã thường xuyên phối hợp tổ chức nhiều lớp nghề cho lao động, bao gồm người nghèo, cận nghèo tại các xã, phường, thị trấn, nỗ lực duy trì mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm đối với nghề may, đan dây nhựa. Ngoài ra, các địa phương còn quan tâm nhân rộng những mô hình làm ăn hiệu quả như chăn nuôi, mua bán nhỏ tại các khu dân cư trên địa bàn.
Bên cạnh đó, TP. Cần Thơ còn tổ chức quận xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, với số tiền hàng chục tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, các chính sách, dự án giảm nghèo đã được các sở, ban, ngành, đoàn thể của TP. Cần Thơ tập trung triển khai thực hiện như: Hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, dạy nghề, giới thiệu việc làm và tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện để hộ nghèo an cư lạc nghiệp, từng bước ổn định thu nhập, cải thiện mức sống. Các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể tích cực vận động trên 102 tỉ đồng hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn thông qua nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả. Chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ khám, chữa bệnh miễn phí. Mặt khác, công tác quản lý hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hằng tháng được các quận, huyện cập nhật dữ liệu vào phần mềm hệ thống MIS Posasoft, góp phần thực hiện hiệu quả, đồng bộ các chính sách trợ giúp.
Theo lãnh đạo Sở Lao đông, Thương binh và Xã hội TP.Cần Thơ, để thực hiện hiệu quả chính sách, dự án giảm nghèo, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố và chính quyền địa phương; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, quan tâm tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức người nghèo; có giải pháp ưu tiên tiếp cận các chính sách trợ giúp nâng cao thu nhập đối với những hộ cần cù lao động, chí thú làm ăn. Các quận, huyện nghiên cứu xây dựng các mô hình giảm nghèo thuộc thế mạnh địa phương, thu hút thêm hộ nghèo tham gia, tiếp cận các chính sách trợ giúp để thoát nghèo bền vững.
Hằng năm Thành phố luôn rà soát, thống kê công tác giảm nghèo tại địa phương, các phường, xã, từ đó có các phương pháp tiếp cận đo lường theo hướng đa chiều giúp xác định đối tượng nghèo chính xác, cụ thể, không bỏ sót, bảo đảm công bằng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội; đồng thời hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại của đối tượng thụ hưởng, giúp cơ quan chức năng chỉ đạo thực hiện chính sách an sinh xã hội phù hợp. Nhiều hộ thoát nghèo bền vững nhờ được tiếp cận các dịch vụ xã hội, trình độ dân trí nâng lên.
Để tiếp tục hoàn thành tốt các mục tiêu của đề án giảm nghèo bền vững, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền Cần Thơ tiếp tục xây dựng và ban hành kế hoạch về công tác giảm nghèo phù hợp với từng địa phương, đơn vị. Thành phố sẽ chú trọng công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ gia đình nghèo, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo giảm nghèo các xã, phường, thị trấn; nắm chắc tình hình của từng đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo để có hướng giúp đỡ, hỗ trợ cho phù hợp.
PV.
Từ khóa: