Lao động
Thị xã Ngã Năm đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
02:43 PM 11/06/2024
(LĐXH) - Xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Thời gian qua, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) luôn quan tâm và tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là chú trọng nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.


Thị xã Ngã Năm đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Theo Huỳnh Văn Lơ, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Ngã Năm cho biết:  trong năm 2023, toàn thị xã đã giải quyết việc làm cho hơn 3.500 lao động, tổ chức 32 lớp đào tạo nghề cho 846 học viên; kèm cặp, truyền nghề cho 709 lao động tại địa phương, nâng tổng số lao động qua đào tạo là 1.555 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66,02%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 57,22%, tỷ lệ lao động đang làm việc so với tổng số lao động trong độ tuổi đạt 72,03%.

Ngoài ra, địa phương còn phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Sóc Trăng tổ chức 39 phiên tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm với tổng số 4.548 người lao động tham dự, tổ chức đưa 270 người lao động đi tham quan, hướng nghiệp tại các doanh nghiệp có tuyển dụng lao động tại các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, thị xã Ngã Năm đã tổ chức được 18 lớp đào tạo nghề dưới 03 tháng cho tổng số 339 lao động; kèm cặp, truyền nghề cho 176 lao động tại địa phương; Giải quyết việc làm 1.666 lao động (trong đó, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 20 lao động tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan).

Bên cạnh đó, thị xã Ngã Năm cũng tăng cường rà soát, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, thống kê phân loại để có kế hoạch lựa chọn đào tạo những ngành nghề thiết thực với nhu cầu, thực tiễn của địa phương cho từng giai đoạn, như: trồng trọt, chăn nuôi, các ngành nghề thủ công mỹ nghệ, nghề truyền thống… Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đào tạo nghề theo đơn đặt hàng. Nhiều hợp tác xã chuyên sản xuất, gia công các mặt hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn thị xã như Hợp tác xã Hương Liên, Hợp tác xã MCF đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương. Ngoài công tác hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Ngã Năm còn tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận nhanh với chương trình tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển các mô hình kinh tế, đa dạng các loại hình thương mại dịch vụ, hợp tác xã.

Theo đánh giá của ông Huỳnh Văn Lơ, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội Thị xã Ngã Năm: Thông qua nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia về công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và giảm nghèo cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn 2021 – 2025, Thị xã Ngã Năm đã triển khai có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia này. Việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của các nội dung về giáo dục nghề nghiệp trong ba Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021 - 2023 đã đạt được một số kết quả, hiệu quả đáng ghi nhận, tuy nhiên về tiến độ thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ này mới chỉ đạt 60,5%, khả năng thực hiện đến năm 2025 sẽ đạt mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề đề ra.

Riêng 6 tháng đầu năm 2024, thị xã Ngã Năm đã tổ chức được 18 lớp đào tạo nghề dưới 03 tháng cho tổng số 339 lao động; kèm cặp, truyền nghề cho 176 lao động tại địa phương

Đánh giá về kết quả, hiệu quả tác động của công tác giáo dục nghề nghiệp trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, ông Huỳnh Văn Lơ cho biết: Nhờ triển khai tích cực, kịp thời chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là các chính sách về giáo dục nghề nghiệp, việc làm của các Tiểu dự án, Nội dung thành phần thuộc 03 Chương trình mục tiêu quốc gia triển khai thực hiện trong thời gian qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tạo điều kiện cho thị xã thực hiện đạt, vượt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo (bình quân giảm nghèo từ 2%/năm đến 3%/năm). Bên cạnh đó, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp từng bước phát triển cả về quy mô tuyển sinh, quy mô đào tạo, đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, cơ cấu ngành, nghề đào tạo, tổ chức và quản lý lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp,… phù hợp với xu hướng phát triển trong thời kỳ mới.

Nhìn chung, kết quả, hiệu quả tác động của công tác giáo dục nghề nghiệp trong thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực, nhận thức của xã hội, người dân và doanh nghiệp về giáo dục nghề nghiệp đã có những chuyển biến tích cực; số lượng người tham gia vào giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ người sau học nghề có việc làm ngày càng tăng so với giai đoạn trước năm 2020. Từ đó, góp phần cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách và pháp luật về giáo dục nghề nghiệp của Đảng và Nhà nước, đưa các chính sách về giáo dục nghề nghiệp trong 03 Chương trình mục tiêu quốc gia vào cuộc sống nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Huỳnh Văn Lơn cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạnh chế, nguyên nhân trong qua trình tổ chức thực hiện trong công tác đào tạo nghề thông qua 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 như: Trong quá trình thực hiện các tiểu dự án, dự án, nội dung thành phần về giáo dục nghề nghiệp trong 03 Chương trình mục tiêu quốc gia còn chồng chéo, khó thực hiện; cụ thể như nội dung hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng còn phát sinh vấn đề trường hợp cùng là người DTTS, nhưng trong vùng DTTS thì được hỗ trợ, ngoài vùng DTTS thì không được hỗ trợ. Mặt khác, cùng chính sách về giáo dục nghề nghiệp nhưng có 03 hệ thống văn bản hướng dẫn, quy định khác nhau từ 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, làm phát sinh thủ tục hành chính khi thực hiện là chưa phù hợp, chưa đúng với chủ trương cải cách thủ tục hành chính theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Ngoài ra, hiện nay chưa có cơ sở pháp lý xác định đối tượng là người lao động có thu nhập thấp.

Mô hình trồng trọt kết hợp với nuôi trồng góp phần giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững ở thị xã Ngã Năm được nhân rộng

Để triển khai công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và giảm nghèo hiệu quả theo các chương trình, dự án đề ra, trong thời gian tới Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, triển khai thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước về lĩnh vực công tác của ngành với mọi hình thức phù hợp đến người dân, doanh nghiệp, các đoàn thể. Đồng thời tăng cường công tác đào tạo nghề thông qua điều tra, rà soát, thống kê nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động có tay nghề của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo nghề công lập, tư nhân và đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh liên kết với cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề cho người lao động; thực hiện tốt công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động thông qua các phiên giao dịch việc làm, đảm bảo có sự tham gia của các công ty, doanh nghiệp có uy tín trong việc đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, Ông Huỳnh Văn Lơ - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Ngã Năm chia sẻ.

Ngoài ra, địa phương cũng kiến nghị Sở Lao động – Thương binh và xã hội tỉnh đề xuất Bộ, ngành Trung ương xem xét hợp nhất các tiểu dự án, dự án, nội dung thành phần về giáo dục nghề nghiệp, việc làm trong 03 Chương trình mục tiêu quốc gia thành một chính sách thống nhất thực hiện phục vụ cho cả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo tính thống nhất, công bằng trong thụ hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm và phù hợp, đúng với chủ trương của Nhà nước.

Vương Linh