Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đến năm 2024 Việt Nam có hơn 3,7 triệu công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp và khu sản xuất trên cả nước với khoảng 60% là lao động nữ, chủ yếu ở độ tuổi từ 25 đến 40.
Trong số đó, không ít người đã lựa chọn rời quê hương đến các thành phố lớn để làm việc trang trải cuộc sống. Họ mang theo hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn, với những dự định lớn lao dành cho bản thân và gia đình. Thế nhưng, hành trình mưu sinh nơi đất khách không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Những tháng cuối năm, khi mọi người bắt đầu háo hức chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết, thì đối với công nhân, đây lại là giai đoạn bận rộn và áp lực nhất.
Thời điểm cận Tết, nhiều người lao động vẫn miệt mài làm việc để tích lũy thêm thu nhập, bởi những đồng lương ít ỏi từ công việc thường ngày khó lòng đủ cho chi tiêu, chưa kể đến những khoản phát sinh vào dịp cuối năm. Họ làm việc không chỉ vì trách nhiệm nghề nghiệp mà còn là mong ước có một cái Tết đủ đầy hơn cho gia đình mình.
Tại các xưởng sản xuất, khối lượng công việc tăng lên đáng kể. Anh Khương Việt Tùng (25 tuổi, Nam Định) chia sẻ: “Cận Tết, khối lượng công việc trong xưởng nhiều hơn hẳn so với những tháng bình thường. Mọi người thường phải tăng ca đến tối muộn khoảng 20-21h mới được về”, giọng anh lẫn chút mệt mỏi nhưng vẫn ánh lên niềm hy vọng.
Dù những ngày cuối năm công việc bận rộn hơn bao giờ hết, chị Trần Thị Thu Quỳnh (25 tuổi, Hà Nam) vẫn không giấu được niềm háo hức khi nghĩ đến ngày được về quê đón Tết. “Đến gần Tết, chị thực sự háo hức. Mong nhất là được ngủ ‘nướng’ đến 10 giờ sáng, vì ngày thường phải dậy sớm đi làm. Chị cũng muốn gặp bạn bè, gia đình - cả năm làm việc xa nhà, mỗi tháng chỉ về quê được một lần, nên dịp Tết rất quý. Ai cũng mong được quây quần, chuyện trò, rồi ăn Tết bên nhau, chỉ nghĩ đến thôi cũng thấy vui", chị chia sẻ. Tại cụm công nghiệp Trường An (Hoài Đức), anh Mai Đức Thành (40 tuổi, Hòa Bình) cũng có chung niềm mong đợi với chị Quỳnh: “Dịp Tết, tôi chi khá nhiều cho những thứ cơ bản như sắm Tết, mua cây cảnh, hoa đào, giống như mọi nhà. Năm nay xưởng có ba ca làm việc, cuối năm ai cũng bận rộn, thậm chí chủ nhật có người vẫn đi làm. Tuy nhiên, xưởng đang phát triển tốt hơn, thu nhập của công nhân cũng tăng lên nên ai nấy đều có thêm động lực… Tết nào cũng vậy, tôi rất háo hức được trở về quê. Dự kiến tôi sẽ nghỉ vào 24 Âm lịch, tầm mùng sáu Tết thì lại quay lại”, anh Thành chia sẻ.
Trái ngược với niềm háo hức của chị Quỳnh và anh Thành, không ít người lại thấp thỏm lo toan khi Tết cận kề. Chị Nguyễn Thị Yến (34 tuổi, Vĩnh Phúc) tâm sự: “Với tình hình năm nay, Tết chắc chỉ ở mức cơ bản chứ không thể thoải mái như trước đây. Ngay cả thời kỳ dịch Covid cũng không khó như năm nay. Tiền thuê mặt bằng tăng, giá thành phẩm bán ra thì không tăng, chi phí sinh hoạt lại đội lên, nên tôi phải cân đối nhiều để lo cho Tết”. Những khó khăn về kinh tế khiến chị Yến phải thắt chặt chi tiêu, cố gắng tiết kiệm từng đồng để lo cho gia đình một cái Tết đủ đầy. Từ việc mua sắm đồ Tết đến chuẩn bị quà biếu ông bà, mọi thứ đều phải tính toán cẩn thận để tránh vượt ngân sách.
Không riêng gì chị Yến, nỗi lo toan về tài chính dịp cuối năm là câu chuyện chung của nhiều gia đình công nhân, lao động tự do. Trong khi thu nhập không tăng đáng kể, chi phí sinh hoạt, giá cả thị trường lại leo thang, khiến nhiều người phải chật vật cân đối giữa mong muốn sum vầy và áp lực kinh tế. Tết, với họ, là niềm vui đoàn tụ nhưng cũng là một bài toán khó cần lời giải.
Để có thể về quê ăn Tết, nhiều người lao động đã phải lên kế hoạch từ rất sớm, thậm chí là phải xin nghỉ phép trước đó nhiều tháng. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn được như vậy. Có những người phải chấp nhận ở lại làm việc, xa gia đình trong những ngày Tết, chỉ vì những lý do khách quan. Như trường hợp của anh Tuấn: “Tôi làm ở Hà Nội được 8 năm rồi. Có những năm phải đến sáng mùng 1 tôi mới về quê được, có năm thì đến sáng mùng 2, có những năm chiều tối 29 tôi về. Nói chung, tôi về quê ăn Tết khá muộn so với mọi người do khối lượng và đặc thù công việc phải ở lại tăng ca".
Chi phí cho vé xe về quê và quà cáp hay lì xì cũng là một khoản không nhỏ đối với người lao động xa quê hương. Anh Tuấn cho biết, vé xe một lần về quê rơi vào khoảng 300 đến 350 nghìn đồng, đi bằng xe ghép. Anh cùng con gái đều sống tại Hà Nội nên cứ mỗi dịp Tết đến, tiền xe lại nhân lên bởi anh thường đưa con về quê trước, còn anh tiếp tục ở lại làm việc sau đó mới về. Tiền lì xì hàng năm cũng tiêu tốn của anh trung bình từ 2 triệu đến 2,5 triệu đồng. Anh chia sẻ: “Đến tầm tuổi như tôi, hầu như không ai mong đến Tết cả. 90% sẽ không mong Tết, trừ những người có tiền”.
Trước những khó khăn gặp phải của người lao động, nhiều doanh nghiệp, nhà máy đã có chính sách hỗ trợ tiền về quê, thưởng Tết cho công nhân. Trong đó, “Chuyến tàu Công đoàn” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với các tổ chức và doanh nghiệp triển khai cũng là một chương trình tiêu biểu đầy tính nhân văn được tổ chức hàng năm. Hàng nghìn vé tàu miễn phí đã trao tặng cho những công nhân xa quê có hoàn cảnh khó khăn được về quê ăn Tết cùng gia đình. Đó không chỉ là chiếc vé tàu, mà còn là niềm yêu thương, sự sẻ chia và tinh thần đoàn kết của người dân Việt Nam. Để hành trình về quê không còn là nỗi lo với công nhân xa quê, cần có thêm nhiều hành động hỗ trợ thiết thực hơn nữa từ cộng đồng và doanh nghiệp. Vì Tết không chỉ là dịp lễ, mà còn là cơ hội để mọi người được về bên gia đình sau một năm dài vất vả.
Phương - Anh - Hương
-
Công nhân về quê ăn Tết: Nỗi lo kinh tế bên niềm vui đoàn tụ
25-01-2025 11:42 13
-
Chuyến xe Công Đoàn TP.HCM đưa gần 130 đoàn viên, lao động về quê đón Tết
23-01-2025 16:41 51
-
Những lưu ý để lái xe máy vượt trăm km về quê đón Tết an toàn
23-01-2025 11:19 32
-
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Thêm nhiều chính sách cho lao động kỹ năng đặc định làm việc tại tỉnh Mie (Nhật Bản)
15-01-2025 16:01 40
-
Năm 2025: Định hướng và giải pháp của Trung tâm Dịch vụ việc làm Vĩnh Long tong thực hiện nhiệm vụ về bảo hiểm thất nghiệp
14-01-2025 11:49 19
-
Vĩnh Long: Thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền hướng dẫn chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
13-01-2025 11:42 31