Theo số liệu thống kê, Hà Nội hiện có hơn 1,84 triệu trẻ em với 12.419 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 19.577 trẻ em sống trong gia đình nghèo, 15.857 trẻ em thuộc nhóm dân tộc thiểu số. Công tác trẻ em trên địa bàn thủ đô trong thời gian qua đã được sự quan tâm chỉ đạo và đồng thuận trong tổ chức thực hiện của các cấp, ngành cũng như cả cộng đồng. Nhờ vậy, các chỉ tiêu cơ bản về trẻ em đã được đảm bảo tốt. Theo đó, 100% trẻ em trong hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ mua thẻ BHYT; 99,2% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm dần theo các năm và hiện còn 12,8%. Chương trình tiêm chủng mở rộng hàng năm duy trì đầy đủ 8 loại vắc xin phòng bệnh cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt trên 99%. Tỷ lệ phổ cập mầm non cho trẻ cho trẻ 5 tuổi đạt 100%. Tỷ lệ học sinh được công nhận hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99%. Có 91,3% trẻ em được khai sinh đúng thời hạn. 100% xã, phường có điểm vui chơi cho trẻ em. Năm 2018, toàn thành phố có 545/584 xã, phường, thị trấn được công nhận xã, phường phù hợp với trẻ em.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Ngô Văn Qúy khẳng định: “Thành phố đã thực hiện tốt các chính sách và quan tâm chăm sóc có hiệu quả các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn thành phố. 100% trẻ em thuộc đối tượng bảo trợ được hưởng đầy đủ, đúng, kịp thời các chế độ chính sách theo quy định. 99,4% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, trợ giúp bằng nhiều chính sách khác nhau”. Song theo ông Ngô Văn Quý, đến thời điểm này, công tác trẻ em trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn thách thức như: Các dịch vụ xã hội dành cho trẻ em còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng; các điểm vui chơi chưa đáp ứng được nhu cầu vui chơi của trẻ em; số lượng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích còn cao; tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo lực chưa giảm và có dấu hiệu phức tạp. Trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số có nơi chưa có điều kiện phát triển so với mặt bằng của thành phố.
Để đảm bảo thực hiện tốt hơn quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, thay mặt UBND thành phố, ông Ngô Văn Quý phát động và kêu gọi người dân Thủ đô hưởng ứng chủ đề: “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số”.
Cũng nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đã trao hỗ trợ của Qũy Bảo trợ trẻ em Việt Nam cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố. 04 trường học đã được tặng bộ thiết bị vui chơi. Dịp này, nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn cũng đã được trao tặng những phần quà có ý nghĩa động viên, khích lệ các em nỗ lực vươn lên trong học tập, trong cuộc sống.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý tặng thiết bị vui chơi cho các trường học
Được biết, trong tháng cao điểm trẻ em, ngoài các hoạt động truyền thông, giáo dục và vận động xã hội, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe, thăm hỏi, tặng quà, học bổng cho trẻ em. Về hoạt động kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh cho trẻ em, thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác bàn giao, tiếp nhận và quản lý trẻ em về sinh hoạt hè tại địa phương. Tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè, văn hóa, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao, du lịch, tham quan, giao lưu với nội dung bổ ích, hình thức phù hợp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em. Bên cạnh đó, tổ chức Diễn đàn trẻ em các cấp với chủ đề: “Trẻ em với các vấn đề về trẻ em”. Thành phố cũng tăng cường xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế hỗ trợ cho công tác trẻ em, hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng tại trường học cho trẻ em sống trong gia đình nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số; xây dựng hoặc nâng cấp các công trình trường, lớp học, nhà bán trú, trang thiết bị vui chơi giải trí cho trẻ em tại cộng đồng.
Tăng cường công tác rà soát quản lý trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em sống trong gia đình nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số để có giải pháp ngăn ngừa, trợ giúp kịp thời. Huy động sự tham gia của các cơ quan báo chí, cá nhân, đặc biệt là đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên các thôn, tổ dân phố để phát hiện các hành vi xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em. Đồng thời, tập trung giải quyết và can thiệp, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả trẻ em bị bạo lực, xâm hại, lạm dụng trên địa bàn. Biểu dương, động viên các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia và có nhiều thành tích nổi bật trong Tháng hành động vì trẻ em. Đồng thời nhắc nhở, chấn chỉnh các đơn vị, địa phương chưa nghiêm túc triển khai, thực hiện Tháng hành động vì trẻ em rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện những năm tiếp theo./.
Đăng Doanh
-
Hà Nội: Chợ đồ cũ Vạn Phúc sầm uất, tiểu thương vẫn gặp khó
12-01-2025 13:33 05
-
Hà Nội: Tiếp tục phối hợp triển khai có hiệu quả công tác uỷ thác cho vay tín dụng chính sách xã hội
12-01-2025 13:32 51
-
Thành phố Hồ Chí Minh số lao động rút BHXH một lần giảm mạnh
11-01-2025 10:49 00
-
Ninh Thuận: Đa dạng các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo
09-01-2025 15:38 18
-
Chiếc Jaecoo J7 PHEV Nguyễn Xuân Son được tặng có gì đặc biệt?
09-01-2025 15:37 47
-
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
09-01-2025 15:37 31