Lao động
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà: Cơ hội hợp tác về lao động chất lượng cao với Bang Bremen (CHLB Đức) rất lớn
06:11 AM 24/08/2022
(LĐXH)- “Tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Bang Bremen (CHLB Đức) về lao động chất lượng cao của Bremen là rất lớn, nhất là trong lĩnh vực xe hơi và tự động hóa, vận tải biển, logistics cũng như các ngành điều dưỡng, kỹ thuật viên lĩnh vực điện gió, chuyên gia IT…” – Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, nhấn mạnh.
Chiều ngày 23/8, tại trụ sở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đã có buổi tiếp bà Kristina Vogt, Bộ trưởng Kinh tế, Lao động và Châu Âu Bang Bremen (Cộng hòa Liên bang Đức).
Cùng dự có lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Cục Việc làm, Vụ Hợp tác quốc tế, Trung tâm Lao động ngoài nước; phái đoàn kinh tế Bộ Kinh tế, Lao động và Châu Âu Bang Bremen.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chào mừng bà Kristina Vogt, Bộ trưởng Kinh tế, Lao động và Châu Âu Bang Bremen tới thăm và làm việc
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đánh giá cao tiềm năng hợp tác giữa hai bên. Thứ trưởng cho biết, Bremen có thương cảng container lớn thứ tư ở Châu Âu (lớn thứ hai nước Đức). Trong đó, kinh tế hàng hải của Bremen là ngành quan trọng nhất của Đức. Vì vậy, có thể nói nhu cầu về lao động chất lượng cao của Bremen là rất lớn, nhất là trong lĩnh vực xe hơi và tự động hóa, vận tải biển, logistics cũng như các ngành điều dưỡng, kỹ thuật viên lĩnh vực điện gió, chuyên gia IT…
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, trao đổi: Từ năm 2012 đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Cơ quan Lao động Liên bang Đức đã triển khai hợp tác tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động Việt Nam đi học tập, làm việc trong ngành điều dưỡng chăm sóc người già, người bệnh và điều dưỡng đa khoa. Kết quả, đã có khoảng 1.600 lao động Việt Nam xuất cảnh đi học tập, làm việc tại CHLB Đức. Người lao động nhập cư làm việc ổn định với mức thu nhập cao và được hưởng các chế độ phúc lợi như công dân Đức.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết hợp tác về lao động chất lượng cao với Bang Bremen là rất lớn
Ngoài việc triển khai hợp tác tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động Việt Nam đi học tập và làm việc trong ngành điều dưỡng tại CHLB Đức. Thời gian qua, Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Vụ hợp tác quốc tế, Trung tâm Lao động ngoài nước đã tiến hành đàm phán với Cơ quan lao động Liên bang Đức về Thỏa thuận hợp tác lao động triển khai Dự án “Hand in Hand for International Talents” và Bản ghi nhớ hợp tác di cư lao động có kỹ năng và trao đổi kiến thức để tổ chức triển khai đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Đức.
Về nội dung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, thông tin thêm: Tại Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” diễn ra ngày 20/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu chủ trương của Chính phủ Việt Nam là không tiếc tiền với việc đầu tư đào tạo, trong đó có đào tạo nghề nghiệp. Có thể nói, đây là cơ hội tốt cho việc hợp tác lao động giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam với Bang Bremen, CHLB Đức.
Bộ trưởng Kristina Vogt mong muốn Bộ Kinh tế, Lao động và Châu Âu Bang Bremen và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam sớm ký kết các thỏa thuận hợp tác 
Thời gian tới, hai bên tăng cường hợp tác về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giữa các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và cơ sở đào tạo của Việt Nam và Bang Bremen. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, kỹ năng nghề cho học sinh, sinh viên, tiến tới công nhận trình độ kỹ năng nghề của lao động Việt Nam theo tiêu chuẩn của CHLB Đức, đặc biệt đối với các ngành, nghề là thế mạnh của Bang Bremen như công nghệ ôtô, Kinh tế hàng hải. Ngoài ra, hỗ trợ học sinh, sinh viên học tập theo chương trình chuyển giao của Đức, sang thực tập và làm việc tại Bang Bremen sau khi tốt nghiệp, ưu tiên học sinh, sinh viên học các nghề công nghệ ô tô và Kinh tế hàng hải. Bên cạnh đó, ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa Bang Bremen và các cơ sở GDNN của Việt Nam đối với ngành, nghề là thế mạnh và ưu tiên phát triển của Bang Bremen” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, đề nghị.
Các chuyên gia kinh tế của Bang Bremen trao đổi về những tiềm năng hợp tác với Việt Nam
Về phần minh, Bà Kristina Vogt, Bộ trưởng Kinh tế, Lao động và Châu Âu Bang Bremen, chia sẻ: Tiểu bang Bremen là trung tâm công nghiệp hàng đầu của nước Đức và Châu Âu với các ngành công nghiệp xe hơi và tự động hóa, vận tải biển, logistics và khai thác kinh tế biển, công nghiệp hàng không vũ trụ, điện gió, năng lượng tái tạo, chế biến thực phẩm thủy hải sản, đông lạnh và đồ uống, số hóa và công nghiệp 4.0, giáo dục và nghiên cứu phát triển… Trong đó, kinh tế hàng hải của Bremen là ngành quan trọng nhất của Đức. Bremen là thương cảng container lớn thứ tư ở Châu Âu với hơn 40.000 người làm việc cho 1.300 công ty. Hàng năm, thương cảng này vận chuyển đến 1,5 triệu tấn hàng hóa và hàng tuần có khoảng 38 tuyến từ Bremerhaven đến các điểm đến trên toàn thế giới.
Bộ trưởng Kinh tế, Lao động và Châu Âu Bang Bremen, cho biết: Hiện nay, tình trạng già hóa dân số, thiếu hụt lực lượng lao động có tay nghề tại Đức nói chung và tại Bremen nói riêng là một vấn đề cấp thiết. Do đó, CHLB Đức đã thông qua dự luật nhập cư mới, nới lỏng các quy định về nhập cư nhằm thu hút lao động lành nghề nước ngoài, kể cả người không phải công dân Liên minh châu Âu (EU) để bổ sung cho lực lượng lao động đang bị già hóa nhằm giảm thiểu tình trạng thiếu hụt lao động dẫn đến hạn chế sự tăng trưởng của nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu nhân lực của chủ sử dụng lao động Đức.
Phó Cục trưởng Cục Việc làm Nguyễn Thị Quyên chia sẻ thêm về lĩnh vực việc làm tại Việt Nam
Bộ trưởng Kristina, trao đổi: Tiểu bang Bremen đã có kế hoạch xây dựng chương trình tuyển chọn lao động Việt Nam sang làm việc tại Bremen, tập trung cho các ngành như công nghiệp xe hơi, logistics, điều dưỡng, kỹ thuật viên lĩnh vực điện gió, chuyên gia IT… Chính vì vậy, phái đoàn đã có kế hoạch tới thăm Việt Nam từ trước khi xảy ra đại dịch COVID-19 với 2 mục đích. Một là, tiểu bang Bremen đã thành lập Trung tâm hỗ trợ kinh tế tại thành phố Hồ Chí Minh với mục tiêu đưa các doanh nghiệp Đức tới Việt Nam cũng như tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Đức. Hai là, các tiểu bang ở khu vực Đông Đức đã có chiến lược hợp tác đào tạo dạy nghề cũng như là nâng cao tay nghề cho công nhân Việt Nam. Tiểu bang Bremen cũng muốn tiếp nối với chiến lược của khu vực để vừa tìm kiếm người lao động tay nghề cao ở Việt Nam sang làm việc tại Đức, vừa cung ứng nguồn lao động tay cao Việt Nam cho các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam.
Bộ trưởng Kristina Vogt cùng Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà và các đại biểu chụp ảnh chung
Bộ trưởng Kristina Vogt mong muốn trong thời gian tới, Bộ Kinh tế, Lao động và Châu Âu Bang Bremen và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam tiếp tục làm việc, trao đổi để ký kết các thỏa thuận hợp tác, qua đó xúc tiến các chương trình đào tạo nguồn lao động chất lượng cao; kết nối Thị trường lao động của Bremen và Việt Nam; tìm kiếm các cơ hội hợp tác giàu tiềm năng khác giữa Việt Nam và Bremen…

Chí Tâm

 

Từ khóa: