Cùng dự với Thủ tướng còn có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng lãnh đạo các bộ ngành. Về phía TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP; Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP cùng lãnh đạo các sở ngành TPHCM….
Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận nỗ lực của lãnh đạo TPHCM “đã tập trung nhiều công sức để xây dựng thể chế, có nhiều cố gắng trong chỉ đạo”. 6 tháng đầu năm 2020, TPHCM chỉ tăng trưởng 1,02%, do ngành dịch vụ chiếm 60% GRDP của thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Mức tăng trưởng thấp này ảnh hưởng đến cả nước bởi từ trước đến nay, tốc độ tăng trưởng của TPHCM luôn cao hơn 1,3 - 1,5 lần cả nước. Thủ tướng yêu cầu TPHCM trưng ra một số dự án bị ách tắc, chậm, trì trệ, chưa giải quyết được. Trong đó, tập trung vào các dự án nội địa, dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có liên quan cần tháo gỡ khó khăn.
Việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là đầu tư công, theo Thủ tướng, là để làm sao TPHCM vượt lên, đạt mức tăng trưởng cao hơn trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành sẽ cùng thành phố xử lý các vấn đề đặt ra đối với đầu tư nhà nước và đầu tư tư nhân, kể cả đầu tư ODA. “Làm sao để TPHCM đạt mức tăng trưởng cao hơn, giải quyết việc làm tốt hơn, nộp ngân sách tốt nhất với trách nhiệm của một thành phố chiếm 23% GDP toàn quốc”, Thủ tướng yêu cầu.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong báo cáo với Thủ tướng và đoàn công tác. Theo đó, năm 2020 TPHCM đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công với tổng số vốn là 41.691 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách thành phố là 33.940 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương là 7.751 tỷ đồng. Đến ngày 15-7-2020, đã giải ngân 18.836 tỷ đồng, đạt 45,18% kế hoạch vốn đã giao, cao hơn về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ giải ngân so với cùng kỳ. Nếu tính theo khối lượng hoàn thành đang thực hiện các thủ tục thanh quyết toán (1.470 tỷ đồng) thì tỷ lệ giải ngân đạt 48,7% kế hoạch vốn đã giao.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định, với vai trò là một đô thị đặc biệt, TPHCM xác định phải nỗ lực nhiều hơn, quyết tâm nhiều hơn, bởi lẽ nếu TPHCM giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công thấp sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế của thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Thành phố sẽ tập trung chỉ đạo thường xuyên công tác giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đến tháng 10-2020, giải ngân đạt 80% kế hoạch vốn; cả năm 2020 đạt trên 95%.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét, giải quyết một số vướng mắc, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đóng góp cho quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế của thành phố thời kỳ sau dịch Covid-19. Theo đó, đối với dự án tuyến metro số 1, TPHCM kiến nghị Chính phủ giao Bộ KH-ĐT xem xét bố trí bổ sung vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương trong hạn mức kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 còn lại của dự án chưa được bố trí là 3.676,695 tỷ đồng (kế hoạch vốn trung hạn của dự án là 7.500 tỷ đồng, lũy kế giải ngân kế hoạch trung hạn 2016-2020 là 3.823,305 tỷ đồng) để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, dự kiến hoàn thành công trình vào năm 2021. Đối với dự án xây dựng tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), liên quan thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng, TPHCM kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh cơ cấu các khoản mục chi phí của dự án để tiếp tục thực hiện các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng độc lập đảm bảo không tăng tổng mức đầu tư của dự án. Dự kiến thực hiện giải ngân cho các dự án đền bù giải phóng mặt bằng phục vụ cho dự án tuyến metro số 2 trong năm 2020 sẽ đạt khoảng 3.000 tỷ đồng, góp phần làm tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.
Kết luận buổi làm việc với TP. Hồ Chí Minh, trên cơ sở các kiến nghị của Thành phố về 12 dự án, vấn đề, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, do vị thế và vai trò của TP. Hồ Chí Minh đối với cả nước, Thành phố không được chậm trễ, các cấp các ngành của Thành phố không được trì trệ; các Sở - ngành, quận - huyện phải nâng cao tính năng động, sáng tạo, tập trung sức lực, huy động hệ thống chính trị vào cuộc để đạt kết quả cụ thể trong giải quyết các vấn đề khó khăn như giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công…
Thủ tướng yêu cầu TP. Hồ Chí Minh tập trung giải quyết các kết luận của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ về Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng như các dự án khác và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Những dự án người dân còn kêu ca, đơn thư nhiều cần giải quyết nhanh các vướng mắc, không để trì trệ. Riêng hai huyện Bình Tân và Bình Chánh cần có quy hoạch phát triển hạ tầng, điều chỉnh quy hoạch phù hợp, xây dựng nhà ở để giải quyết nhu cầu bức bách của người dân.
Thủ tướng khẳng định, với bất cứ nước nào thì bất động sản và phát triển đô thị cũng là xu hướng rất quan trọng. Từ lần làm việc với Thành phố vào đầu năm 2020, Thủ tướng đã chỉ đạo Thành phố cần chú ý phát triển mạnh mẽ hơn về kinh tế đô thị, nhất là các huyện, nơi có nhu cầu phát triển rất lớn. Về Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, Thường vụ đã rất tâm huyết, Chính phủ phải họp 2 lần để xem xét các yếu tố về môi trường nhằm giải quyết vấn đề này, không thể để nó mãi là bãi hoang hóa.
Bên cạnh biểu dương quyết tâm của Thành phố trong việc giải ngân 100% vốn đầu tư công đã đề ra cho năm 2020 cũng như công tác giao ban, kiểm tra, khen thưởng, kịp thời điều chuyển vốn; Thủ tướng cho rằng, chỉ còn 25 tuần nữa là kết thúc năm nay nhưng còn nhiều vấn đề lo lắng, nhiều công trình giao thông, dự án đầu tư còn chậm tiến độ… Cần nhận diện rõ vấn đề này để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển.
Theo Thủ tướng, muốn tăng trưởng thì cần đầu tư, bao gồm đầu tư Nhà nước và tư nhân. Vì vậy, cần giải phóng mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Để thúc đẩy đầu tư tư nhân thì có 02 yêu cầu được đặt ra là không để thất thoát tài sản Nhà nước và không để tình trạng tham nhũng, tiêu cực xảy ra. Nếu không giữ doanh nghiệp, không phát triển hệ thống doanh nghiệp thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội, kéo theo đó là việc làm của người lao động. Đặc biệt là đối với các thành phố lớn có tỷ lệ cơ cấu ngành dịch vụ lớn trong cơ cấu GDP như TP. Hồ Chí Minh.
Trong phương hướng phát triển 06 tháng cuối năm của Thành phố, Thủ tướng lưu ý:
Thứ nhất, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, bởi TP. Hồ Chí Minh là trung tâm tiêu dùng của cả nước; kích cầu tiêu dùng của Thành phố sẽ giúp kích cầu cho cả nước. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương và các Bộ - ngành, cơ quan chức năng liên quan của Thành phố có biện pháp mạnh mẽ để hàng hóa đến tận phường – xã, khu công nghiệp, công nhân
Thứ hai, Thành phố phải hướng mạnh mẽ vào lĩnh vực dịch vụ, nhất là dịch vụ bất động sản, tài chính ngân hàng, chứng khoán, du lịch vì dịch vụ chiếm trên 60% GDP của Thành phố.
Thứ ba, thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm cùng với đảm bảo an ninh trật tự cho kinh tế ban đêm. Theo tính toán, cứ 4 tiếng đồng hồ thêm về kinh tế ban đêm sẽ đóng góp từ 5-8% GDP cho Thành phố.
Ngoài ra, Thủ tướng cho rằng thúc đẩy đầu tư công và đầu tư tư nhân là một kênh tăng trưởng rất lớn và đòi hỏi xử lý độ sâu về tài chính để thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh mẽ. Đồng thời hoan nghênh việc chú trọng phát triển kinh tế số, thương mại điện tử.
Lưu ý một số công việc quan trọng sắp tới của Thành phố, Thủ tướng khẳng định, điều quan trọng cần phải tập trung là chỉ đạo điều hành quyết liệt để tháo gỡ những điểm khó. Từ thực tiễn của địa phương, Thành phố cần nghiên cứu để kiến nghị Chính phủ những vướng mắc khung pháp lý theo từng nhóm vấn đề cụ thể. Nhưng trước hết, Thành phố cần phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm; tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, tập trung nguồn lực kịp thời xử lý những bất cập phát sinh.
Cho rằng thời gian qua Thành phố đã dồn sức, quyết tâm xây dựng thể chế để chỉ đạo, định hướng phát triển, đặc biệt là phòng, chống đại dịch Covid-19 hiệu quả, thành công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tin tưởng TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phát huy tinh thần ấy để đưa tốc độ tăng trưởng của Thành phố cao hơn vào những tháng cuối năm.
Vân Anh
-
Chiến thắng Bình Giã- mốc son lịch sử
16-11-2024 05:44 51
-
Các nhà lãnh đạo trẻ khát vọng xây dựng một ASEAN kết nối và sáng tạo hơn
16-11-2024 05:44 41
-
Thông báo kết quả kiểm tra đối với Ban Cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
14-11-2024 18:10 25
-
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cần tập trung vào Đề án phát triển nhân lực chất lượng cao
04-11-2024 20:35 46
-
Phát huy vai trò công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng (Bài 2)
16-10-2024 15:40 32
-
Việt Nam tiếp tục mở rộng hợp tác lao động với các nước khu vực Châu Á
03-11-2024 17:08 10