Lao động
Thừa Thiên Huế: Cần tăng cường thông tin dự báo thị trường lao động
02:33 PM 11/10/2019
Những khó khăn trong tuyển sinh và đầu ra việc làm cả về phía người học lẫn đơn vị đào tạo đang cho thấy thiếu những thông tin, phân tích về dự báo thị trường lao động.
Thiếu thông tin
Kỳ tuyển sinh vừa qua, nhiều thí sinh tỏ ra lúng túng khi chọn ngành, nghề. Một số trường hợp phải thay đổi nguyện vọng vào giai đoạn cuối do chưa yên tâm về đầu ra việc làm ngành nghề mình yêu thích. Tuấn Vũ, tân sinh viên của một trường ĐH thuộc ĐH Huế, bày tỏ: “Thông tin quảng bá tuyển sinh của các trường quá nhiều nên thí sinh phân vân khi tiếp nhận. Dù tham khảo được kết quả khảo sát tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp tại các trường nhưng vẫn lo lắng sau 4 - 5 năm học ĐH, thị trường lao động sẽ có biến động. Chúng em rất cần những thông tin cụ thể về dự báo thị trường lao động trong những năm tiếp theo của các ngành”.
Mong muốn về dự báo thị trường lao động không phải của riêng người học mà còn của các cơ sở đào tạo. Theo đại diện các trường, khi mở các ngành đào tạo đều có khảo sát nhu cầu thị trường lao động, song lại dựa trên những phương thức riêng nên con số mang tính tương đối. Thị trường lao động các ngành thay đổi theo từng giai đoạn, trong khi việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm dựa trên năng lực đào tạo của từng đơn vị, nếu có những dự báo thị trường lao động cụ thể, tính chính xác cao hơn sẽ mang lại hiệu quả trong tuyển sinh.
Sinh viên Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế tìm hiểu nhu cầu việc làm ngành chăn nuôi thú y
PGS.TS. Trần Thanh Đức, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế cho rằng, dự báo thị trường lao động là vấn đề vĩ mô mà các trường hay cả ĐH Huế và các đơn vị khác đều khó thực hiện. Lý do là đầu vào sinh viên đến từ nhiều tỉnh, thành và đầu ra cũng làm việc trên cả nước, trong khi đó, các đơn vị đang dựa vào mối quan hệ hợp tác, ký kết đặt hàng đào tạo, tuyển dụng với các cơ quan, doanh nghiệp để tính toán đầu ra việc làm cho sinh viên nên chỉ mang tính chất tương đối. Muốn có hiệu quả, cần có những kết quả khảo sát ở toàn quốc và phân tích cụ thể cho các ngành nghề.
Thực tế, cơ quan chức năng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động, được các địa phương dùng để hoạch định chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng các chính sách đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phục vụ công tác quản lý lao động,... song, việc khai thác sử dụng dữ liệu trên cũng còn hạn chế, do số liệu không đầy đủ, độ tin cậy số liệu chưa cao do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.
Thiếu các thông tin, phân tích cụ thể về dự báo thị trường lao động cũng phần nào nảy sinh nhiều vấn đề, trong đó có một số ngành sinh viên ra trường khó xin được việc nhưng cũng có những ngành đang “khát” nguồn nhân lực, song vẫn thiếu người học.
Cần giải pháp
Dự báo thị trường lao động có vai trò và tác động lớn đến công tác đào tạo, tuyển sinh, vấn đề việc làm của sinh viên và nhiều đối tượng khác, vì thế ở tầm vĩ mô, rất cần các bộ, ngành có những giải pháp để dự báo thị trường lao động tốt hơn. Đặc biệt, trước những tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 thì thời gian tới cần đẩy mạnh công tác dự báo thị trường lao động về các vấn đề như: Quy mô, chất lượng của lực lượng lao động, xu hướng việc làm, việc làm phi chính thức; chuyển dịch lao động trên thị trường, tỷ lệ thất nghiệp; năng suất lao động; đối tượng và xu hướng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; việc làm thanh niên… Điều này sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý có những điều chỉnh về chính sách, các giải pháp can thiệp vào thị trường lao động một cách hợp lý và hiệu quả, đồng thời cũng là cơ sở để các trường ĐH và thí sinh dựa vào đó để tuyển sinh hay lựa chọn ngành học.
Với ĐH Huế và các trường, cần có những giải pháp tức thời để đáp ứng bối cảnh hiện tại và phục vụ nhu cầu của thí sinh cũng như người học, trong đó cần tăng cường phối hợp nhiều hơn với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đồng thời có những ký kết hợp tác về việc làm trong thời gian dài, nhất là những hợp tác đào tạo theo đơn đặt hàng, qua đó có thêm cơ sở thông tin phục vụ công tác tuyển sinh và thông tin đến thí sinh.
PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế cho biết, ĐH Huế đang hợp tác, chủ động đến các doanh nghiệp, tập đoàn lớn tìm hiểu nhu cầu nhân lực về số lượng, những đòi hỏi, yêu cầu tuyển dụng để đưa ra những chiến lược hợp lý. Thời gian tới, ĐH Huế tiếp tục dựa vào cơ cấu phát triển kinh tế xã hội để điều tiết ngành nghề, nhất là bám vào quy hoạch phát triển của địa phương để có sự gắn kết, ưu tiên phát triển nhân lực những ngành địa phương có thế mạnh và nhu cầu. ĐH Huế và các trường cũng sẽ có những điều tra nhu cầu nguồn nhân lực để có những cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc quy hoạch ngành nghề và đưa ra các chỉ tiêu tuyển sinh hợp lý.
PV
 
Từ khóa: