Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh phát triển nghề Công tác xã hội
(LĐXH) - UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Kế hoạch số 260/KH-UBND thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030 nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển công tác xã hội tại các cấp, các ngành, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo từng giai đoạn; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng, hiện đại và góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Mục tiêu cụ thể, từ năm 2021 đến năm 2025 phấn đấu đạt 60% số cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trại giam, các cơ quan tư pháp, trường học, bệnh viện, xã, phường, thị trấn và đơn vị liên quan thực hiện phân công, bố trí nhân sự làm công tác xã hội, trong đó, có ít nhất 01 cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên công tác xã hội thuộc chức danh chuyên trách, không chuyên trách với mức phụ cấp hàng tháng tối thiểu bằng mức lương cơ bản do Chính phủ quy định. Ít nhất có 50% số cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn, các cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội, trại giam, hệ thống tư pháp, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội các cấp được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng công tác xã hội. Đạt tối thiểu 50% số cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và cơ sở khác trong quy hoạch có cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Tỷ lệ người có hoàn cảnh khó khăn được tư vấn, hỗ trợ công tác xã hội năm 2025 tăng 20% so với năm 2020. Phấn đấu 95% trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh được trợ giúp xã hội và được cung cấp dịch vụ công tác xã hội phù hợp từ nguồn lực.
Từ năm 2026 đến năm 2030, phấn đấu đạt 90% số cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trại giam, các cơ quan tư pháp, trường học, bệnh viện, xã, phường, thị trấn và đơn vị liên quan thực hiện phân công, bố trí nhân sự làm công tác xã hội, trong đó, có ít nhất từ 01 đến 02 cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên công tác xã hội thuộc chức danh chuyên trách, không chuyên trách với mức phụ cấp hàng tháng tối thiểu bằng mức lương cơ bản do Chính phủ quy định. Đạt tối thiểu 60% số cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và cơ sở khác trong quy hoạch có cung cấp dịch vụ công tác xã hội; Tỷ lệ người có hoàn cảnh khó khăn được tư vấn, hỗ trợ công tác xã hội và quản lý ca tăng tối thiểu 30% so với năm 2025. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho 80% số cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn, các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành có liên quan. Đảm bảo và duy trì 100% trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh được trợ giúp xã hội và được cung cấp dịch vụ công tác xã hội phù hợp từ nguồn lực.
Theo đó, Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ và giải pháp liên quan đến công tác: Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về công tác xã hội; Phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Bên cạnh đó, triển khai rà soát, sắp xếp phân công cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên làm công tác xã hội tại các trại giam, hệ thống tư pháp, các cơ sở giáo dục, bệnh viện và các cơ sở của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, trong đó ưu tiên các lĩnh vực trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, cai nghiện ma túy, hỗ trợ phạm nhân hoàn lương và giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc khác.
Ngoài ra, triển khai tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho 5.000 cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên làm công tác xã hội. Tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng chuyên sâu cho tối thiểu 300 cán bộ, viên chức, nhân viên về chăm sóc, phục hồi, trợ giúp đối tượng đặc thù, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và người chưa thành niên; công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp, nông thôn miền núi và một số lĩnh vực đặc thù khác. Nghiên cứu, đánh giá kết quả và đề xuất giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển công tác xã hội, đặc biệt là công tác xã hội trong các lĩnh vực bảo trợ xã hội, cai nghiện ma túy, y tế, giáo dục, tư pháp, lao động - thương binh và xã hội. Tuyên truyền, thông tin nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về công tác xã hội. Tăng cường hợp tác, trao đổi, nghiên cứu, khảo sát mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội của tỉnh bạn và các nước trong khu vực để thúc đẩy phát triển công tác xã hội.
Khánh Quyên
Từ khóa:
-
Tác động của chính sách hỗ trợ ưu đãi giáo dục đối với học sinh nghèo ở Định Hóa
16-11-2024 17:15 30
-
Generali Việt Nam được vinh danh “Doanh nghiệp vì cộng đồng” lần thứ 5 liên tiếp
15-11-2024 22:32 18
-
Thái Nguyên: Chú trọng quản lý các công trình ghi công liệt sĩ
15-11-2024 18:15 50
-
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
15-10-2024 11:13 41
-
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
15-11-2024 09:56 08
-
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
14-11-2024 15:18 23