Thừa Thiên Huế: Kiểm tra, giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững huyện A Lưới
(LĐXH) - Sáng ngày 22/4, đoàn Giám sát của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội do Thứ trưởng Lê Văn Thanh dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận huyện A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia. Cùng tham dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo – Ông Phí Mạnh Thắng cùng Chủ tịch UBND huyện A Lưới và đại diện các Sở, ban, ngành Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, UBDT, LĐ-TB&XH...
Huyện A Lưới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào danh sách 74 huyện nghèo giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2022. Đây là một trong 22 huyện nghèo toàn quốc được ưu tiên đầu tư, hỗ trợ để thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2022.
Từ khi được Chính phủ phê duyệt vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2021-2025, A Lưới được lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ VN tỉnh Thừa Thiên Huế và các Sở, ban, ngành quan tâm, chỉ đạo, tập trung huy động nguồn lực của Trung ương, địa phương để đầu tư, triển khai thực hiện có hiệu quả trên các lĩnh vực về kinh tế - xã hội, đặc biệt là an sinh xã hội, việc làm, hỗ trợ nhà ở và các mô hình sinh kế cho người dân, giúp người dân tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện A Lưới
Trên cơ sở Kế hoạch phân bổ chỉ tiêu phấn đấu của Ban Chỉ đạo tỉnh, Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện đã ban hành Quyết định số 03-QĐ/BCĐ ngày 08/6/2022 về việc giao chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo cho các xã, thị trấn giai đoạn 2022-2025. Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều toàn huyện giảm còn dưới 12,01%. Với quan điểm: "Xác định rõ nguyên nhân nghèo và có phương án thoát nghèo theo địa chỉ cụ thể cho từng hộ nghèo”; căn cứ kế hoạch phân bổ chỉ tiêu của huyện, các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể đối với thôn, tổ dân phố, đăng ký danh sách hộ thoát nghèo có địa chỉ.
Kiểm tra công trình nhà văn hóa cộng đồng các dân tộc tại xã Phú Vinh
Từ chỉ tiêu được giao, phấn đấu giảm nghèo theo lộ trình đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ đầu năm 2022 là 49,98% (7.022 hộ nghèo), sẽ giảm xuống dưới 12,01%, tương đương với 1.784 hộ nghèo vào năm 2025; tỷ lệ bình quân giảm 9,49%/năm; riêng năm 2022 giảm 10,18%; cả giai đoạn 2022-2025 giảm 5.238 hộ, tỷ lệ giảm khoảng 37,96%. Cụ thể kế hoạch giảm nghèo từng năm như sau:
Năm 2022: giảm 1.430 hộ nghèo, xuống còn 5.592 hộ nghèo, tỷ lệ còn 39,80%;
Năm 2023: giảm 1.696 hộ nghèo, xuống còn 3.896 hộ nghèo, tỷ lệ còn 27,73%;
Năm 2024: giảm 1.662 hộ nghèo, xuống còn 2.234 hộ nghèo, tỷ lệ còn 15,90%;
Năm 2025: giảm 450 hộ nghèo, còn 1.784 hộ, tỷ lệ còn 12,01%.
Qua 02 năm từ 2022-2023, toàn huyện đã có 3.537 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ nghèo 25,58%, đưa A Lưới thoát khỏi huyện nghèo cuối năm 2023, hoàn thành kế hoạch trước 01 năm.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, tiến độ giải ngân các nguồn vốn trên địa bàn huyện vẫn còn thấp so với kế hoạch. Theo Chủ tịch UBND huyện A Lưới, nguyên nhân là do một số thành viên Ban chỉ đạo thực hiện các chương trình chưa có chỉ đạo quyết liệt, chưa chủ động đề xuất kịp thời những giải pháp để triển khai có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, thời gian qua, việc giải ngân vốn một số DA còn thấp, nhất là đối với DA hỗ trợ sinh kế. Nguyên nhân chủ yếu do việc ban hành định mức kinh tế kỹ thuật đối với các mô hình sinh kế cộng đồng cấp có thẩm quyền chưa kịp thời. Cuối năm 2023, tỉnh đã ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, do vậy, trong năm 2024 các địa phương thuận lợi tập trung, đẩy mạnh thực hiện các DA hỗ trợ. Thời gian này, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác giải ngân, phân bổ vốn, đảm bảo hoàn thành cơ bản trong năm 2024.
Thăm hỏi các gia đình được hỗ trợ sinh kế, nuôi bò để thoát nghèo
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Văn Thanh ghi nhận và đánh giá cao kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của huyện nghèo A Lưới. Thứ trưởng đánh giá, kết quả giảm nghèo của huyện năm 2022, 2023 rất ấn tượng, đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao; huyện đã tập trung chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai nguồn vốn được giao, ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn, quản lý Chương trình thuộc thẩm quyền; quyết liệt triển khai giải ngân và thực hiện lồng ghép có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn theo quy định. Nhờ nguồn kinh phí hỗ trợ của 3 chương trình, cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện đã có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên.
Kiểm tra đoạn đường giao thông nông thôn liên xã Quảng Nhâm
Trong chuỗi lịch trình công tác, sáng cùng ngày, đoàn Giám sát đã đi kiểm tra các công trình hạ tầng hỗ trợ thoát nghèo tại huyện A Lưới, như: Công trình khu nhà văn hóa cộng đồng của các dân tộc tại xã Phú Vinh; đường liên xã thị trấn A Lưới - Quảng Nhâm; công trình giao thông liên xã Quảng Nhâm - Sơn Thủy - A Ngo; kè chống sạt lở trên sông Tà Rình, đoạn Hồng Kim, Hồng Bắc; đồng thời thăm các mô hình hỗ trợ sinh kế và gia đình được hỗ trợ nhà ở trên địa bàn.
Hà Giang
Từ khóa:
-
GE Vernova Foundation công bố các khoản cứu trợ khắc phục hậu quả thiên tai trên toàn cầu
21-11-2024 17:39 15
-
Herbalife Việt Nam và VTV3 khép lại mùa thứ hai của Chương trình “Sinh Viên Thế Hệ Mới” thành công tốt đẹp.
21-11-2024 15:47 57
-
Sơn La: Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,1%
07-11-2024 11:57 49
-
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
18-11-2024 15:03 39
-
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật
23-09-2024 12:15 30
-
Kon Tum: Thực hiện tốt chính sách trợ giúp người khuyết tật
02-10-2024 12:06 10