Xã hội
Thúc đẩy giao thông tiếp cận đối với người khuyết tật
10:25 PM 27/08/2018
(LĐXH) -Với mong muốn người khuyết tật (NKT) được tham gia nhiều hơn vào hệ thống giao thông đường sắt, ngày 24/8/2018, tại thị xã Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng, Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam phối hợp với Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) tổ chức Hội thảo thúc đẩy giao thông đường sắt tiếp cận với NKT.
Tham dự có TS. Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - TBXH), đại diện các bộ, ngành: Tư pháp, Giao thông vận tải, Thông tin - Truyền thông; các tổ chức của và vì NKT như: Liên hiệp hội về NKT Việt Nam, Hội Người mù Việt Nam, Hội NKT thành phố Hà Nội, Quảng Nam...
TS. Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu khai mạc Hội thảo
Bà Đinh Thị Thụy, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội nhấn mạnh ý nghĩa của hội thảo trong điều kiện hiện nay khi mà vấn đề giao thông ngày càng phức tạp không chỉ đối với người dân bình thường mà còn đối với cả NKT. Trong thời gian qua, hoạt động trợ giúp NKT đã đạt được nhiều kết quả thiết thực. Đối với nhiều nhóm dân cư, thì NKT là nhóm đối tượng được quy định đầy đủ nhất, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao vì có nhiều tiến bộ. Mạng lưới cung cấp dịch vụ trợ giúp phát triển mạnh mẽ. Các bộ, ngành đã phối hợp chặt chẽ trong việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm tiếp cận dựa trên quyền của NKT.
Đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội chia sẻ tại hội thảo
Đối với những nước phát triển, có hệ thống giao thông tiếp cận hoàn hảo, NKT có thể đi đến những nơi mình muốn. Ở Việt Nam, để NKT có thể tiếp cận được hệ thống giao thông thì còn nhiều khó khăn. Và để làm được điều này, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý về giao thông tiếp cận, trong đó có giao thông đường sắt.
Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Tô Đức cũng mong rằng, các đại biểu, chuyên gia tham gia hội thảo cần thảo luận, trao đổi, chia sẻ tìm ra những giải pháp trên cơ sở nhìn thẳng vào thực tế, hiện trạng. Cùng với các chuyên gia ngành đường sắt, thì các tổ chức của và vì NKT cần đưa ra những đề xuất, giải pháp để thúc đẩy NKT tham gia giao thông tiếp cận đường sắt.
Đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chia sẻ tại hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe đại diện các bộ, ngành chia sẻ về những nội dung xung quanh giao thông đường sắt đối với NKT như: Một số quy định liên quan đến NKT và quyền tiếp cận giao thông của NKT; Các quy định về giao thông tiếp cận và trợ giúp NKT tham gia giao thông; Báo cáo đánh giá thực trạng tiếp cận đường sắt đối với NKT; Hiện trạng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội và giải pháp kết nối phục vụ NKT...
Thời gian qua, ngành Đường sắt đã có nhiều nỗ lực để thu hút đông đảo nhân dân tham gia, đặc biệt là NKT. Bên cạnh đó, ngành đã giảm giá vé là 30% cao hơn quy định tại Nghị định 28 (25%) để tạo điều kiện cho NKT tham gia. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đưa ra một số đề nghị như: Viện Chiến lược phát triển giao thông vận tải nên xây dựng kế hoạch công việc cụ thể gửi về Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam. Tổng cục Đường sắt cần báo cáo Bộ Giao thông vận tải bố trí kinh phí xử lý phù hợp vấn đề cải tạo nhà vệ sinh, đường lên xuống nhằm tạo điều kiện cho tất cả mọi người, chứ không riêng gì NKT. Trong điều kiện ngân sách, kinh tế của Việt Nam hiện có, không nên áp theo khuôn mẫu của các quốc gia trong quá trình cải tạo, sửa chữa hệ thống đường sắt của Việt Nam.
Điển hình như, đối với Ga Hà Nội, hiện đã có nhiều thay đổi như: có đường dốc, cửa tự động mở, xe lăn ai có nhu cầu thì liên hệ với nhân viên, tiếp cận lên tàu đã đảm bảo nhà vệ sinh sạch sẽ. Nhận thức của đội ngũ cán bộ đã có nhiều tiến bộ trong việc thực hiện tiếp cận giao thông với NKT. Bên cạnh đó, việc mua vé qua mạng nhanh, tiện lợi, được thanh toán trong 24 h.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, đường dốc lên tàu quá cao, nhà vệ sinh trên tàu quá nhỏ, NKT đi xe lăn không tiếp cận được. Cần tinh giản các bước bán vé qua mạng hơn nữa, hạn chế những câu hỏi quá bảo mật không cần thiết. Ngoài ra, cần có các chương trình, dự án cải tạo công trình công cộng, đặc biệt là có toa tàu lưu động hỗ trợ NKT, cải tạo nhà vệ sinh, tập huấn cho đội ngũ cán bộ đảm bảo quyền và nghĩa vụ của NKT được thực thi. Không nên trông chờ vào ngân sách Nhà nước mà cần vận động và xã hội hóa trong việc thực hiện cải tạo, sửa chữa đường sắt; cải tạo dịch vụ đủ hấp dẫn để thu hút người dân, đặc biệt là NKT tham gia.
Đại diện Hội NKT thành phố Hà Nội chia sẻ ý kiến
Còn đối với Hội Người mù Việt Nam đề xuất, cần có chỉ dẫn bảng chữ nổi và âm thanh hỗ trợ người khiếm thị, có sự tham vấn ý kiến của NKT để đảm bảo các công trình công cộng phục vụ hiệu quả.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Đinh Thị Thụy, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam đề nghị, Tổng Công ty Đường sắt và các chi nhánh cần rà soát lại các nội dung luật đã quy định và các ý kiến đóng góp của các đại biểu, làm rõ những nội dung nào chi nhánh có thể làm được, nội dung nào không thể làm được thì đề xuất Nhà nước và Ủy ban Quốc gia về NKT để đưa vào Đề án giai đoạn 2021 -2030 cũng như sửa đổi luật. Đối với Bộ Giao thông vận tải xem xét, kiểm tra và thí điểm nghiên cứu, sản xuất, cấp cho các nhà ga hệ thống trợ giúp thang nâng hoặc xã hội hóa; nghiên cứu bố trí xe lăn đi trong toa tàu...
Hồng Phượng
 
 
 
Từ khóa: