Đảm bảo thực hiện quyền trẻ em luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Việt Nam là quốc gia thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Quyền Trẻ em. Công ước có 54 điều bao gồm tất cả các khía cạnh của cuộc sống của trẻ và đặt ra các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa mà tất cả trẻ em ở khắp mọi nơi đều được hưởng. Công ước cũng giải thích cách người lớn và chính phủ phải làm việc cùng nhau để đảm bảo tất cả trẻ em đều có thể được hưởng tất cả các quyền của mình. Có 4 điều đặc biệt được coi là những nguyên tắc chung và đóng vai trò cơ bản trong việc hiện thực hiện tất cả các quyền trong Công ước dành cho tất cả trẻ em: Không phân biệt đối xử; Lợi ích tốt nhất của trẻ; Quyền tồn tại và phát triển cuộc sống; Quyền được lắng nghe.
Tại Công ước 138 và Công ước 182 quy định tuổi lao động tối thiểu không được dưới 15 tuổi. Trẻ em dưới 18 tuổi không được phép làm những công việc nguy hiểm. Trẻ em từ 13 đến 15 tuổi có thể làm việc mà không ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển và việc học hành. Cấm sử dụng trẻ em dưới 18 tuổi vào các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất. Việt Nam nội luật hóa các cam kết trong Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Công đoàn và các quy định khác có liên quan đến Công ước 138 và Công ước 182. Theo đó, tuổi lao động tối thiểu không được dưới 15. Trẻ em dưới 18 tuổi không được phép làm những công việc nguy hiểm. Trẻ em từ 13 đến 15 tuổi có thể làm việc mà không ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển và việc học hành. Cấm sử dụng trẻ em dưới 18 tuổi vào các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất.
Việt Nam cũng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ tham gia phòng ngừa lao động trẻ em thông qua việc ban hành hệ thống luật pháp và chính sách liên quan như Bộ Luật lao động năm 2012; Luật trẻ em năm 2016. Năm 2013, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành thông tư quy định danh mục các công việc và nơi làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cấm sử dụng lao động là người chưa thanh niên, một công cụ quan trọng trong công tác phòng ngừa lao động trẻ em. Năm 2016 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, để tiến tới hiện thực hóa việc loại bỏ lao động trẻ em, Chính phủ đã cam kết đạt được Mục tiêu phát triển bền vững 8.7 hướng tới một thế giới không còn lao động cưỡng bức, nô lệ thời hiện đại, buôn bán người và lao động trẻ em dưới mọi hình thức, chấm dứt mọi hình thức lao động trẻ em vào năm 2025 và xóa bỏ nạn buôn người và nô lệ hiện đại vào năm 2030.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, Việt Nam luôn chủ động nâng cao năng lực để tuân thủ các cam kết quốc tế về lao động, đặc biệt là các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, bằng việc tôn trọng, thúc đẩy và triển khai có hiệu quả các nguyên tắc liên quan đến các quyền lao động cơ bản về lao động, trong đó bao gồm loại bỏ một cách hiệu quả lao động trẻ em và cấm các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất. Cùng với việc hoàn thiện hệ thống luật chính sách quốc gia, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia các cam kết quốc tế, trong đó có các cam kết quốc tế liên quan tới phòng chống lao động trẻ em.
Theo chuyên gia Lê Kim Dung, nguyên Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), xóa bỏ lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng không thành công sẽ dẫn đến việc bị trừng phạt kinh tế, làm cản trở sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và trực tiếp cản trở sự phát triển của trẻ em, nguồn nhân lực tương lai của xã hội. Do đó, khi Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu hơn vào kinh tế toàn cầu, việc tuyên truyền và nâng cao nhận thức cũng như năng lực về tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế liên quan đến lao động trẻ em và chia sẻ tài liệu tham khảo có giá trị đối với Chính phủ và địa phương, người lao động và người sử dụng lao động về bản chất của lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng và cách phòng ngừa là rất cần thiết.
Trước thực tế đó, để xóa bỏ lao động trẻ em, theo các chuyên gia, cần tăng cường vai trò giám sát của chính quyền địa phương đối với tình hình lao động trẻ em: Nắm tình hình kinh tế, việc làm và đời sống của các hộ gia đình trên địa bàn; Tình hình đi học/bỏ học của con em các hộ gia đình; Tình hình biến động dân cư và di cư lao động. Đồng thời, có các chính sách, chương trình hỗ trợ người dân, đặc biệt là các đối tượng khó khăn, người nghèo.
Bên cạnh đó, tăng cường vai trò của người sử dụng lao động: Doanh nghiệp cần phải hiểu rõ rằng sử dụng lao động trẻ em là phi đạo đức và bất hợp pháp. Đồng thời, phối hợp với hiệp hội doanh nghiệp, với các cơ quan của Chính phủ để nắm bắt thông tin kịp thời, đặc biệt là về chính sách, quy định luật pháp, tận dụng các chương trình hỗ trợ của chính phủ. Tuân thủ luật pháp lao động và các tiêu chuẩn lao động quốc tế, trong đó có các tiêu chuẩn về lao động trẻ em. Cùng với đó, thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp.
Người dân cần tăng cường nhận thức về quyền trẻ em, phân biệt giữa trẻ em làm việc và lao động trẻ em. Họ cần hiểu lao động trẻ em là sự đánh đổi lợi ích trước mắt cho mục tiêu lâu dài.
Với ý nghĩa đó, Việt Nam đang xây dựng cẩm nang về thực hiện các cam kết quốc tế về lao động trẻ em. Tài liệu tham khảo bao gồm Tập 1: Cuốn cẩm nang về thực hiện các cam kết quốc tế về lao động trẻ em và Tập 2: Một số kinh nghiệm của Việt Nam và quốc tế về xóa bỏ lao động trẻ em.
Nguyễn Đăng Doanh
-
Thành phố Hồ Chí Minh số lao động rút BHXH một lần giảm mạnh
11-01-2025 10:49 00
-
Huyện Phú Bình: Tích cực, chủ động thực hiện chính sách ưu đãi người có công
10-01-2025 19:53 53
-
Quảng Nam: Năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đạt 58%
10-01-2025 19:53 48
-
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
09-01-2025 15:37 31
-
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
09-01-2025 12:18 09
-
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
09-01-2025 12:13 45