Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2015-2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự, xử lý hành chính 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại (hơn 19% trẻ em nam, gần 81% trẻ em nữ). Trong đó, xâm hại tình dục (XHTD) là 6.432 trẻ em, chiếm 73,85% tổng số trẻ em bị xâm hại. Ở nhiều địa phương, số vụ trẻ em bị XHTD chiếm trên 90% tổng số vụ trẻ em bị xâm hại. Số vụ việc xâm hại trẻ em đã bị phát hiện, xử lý nêu trong các báo cáo còn chưa phản ánh đầy đủ tình hình trẻ em bị xâm hại trên thực tế.
Tại một số địa phương, đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ chiếm tỉ lệ lớn và có xu hướng gia tăng. Đã xảy ra vụ việc bố đẻ xâm hại con ruột, bố dượng xâm hại con riêng của vợ, ông nội xâm hại cháu gái, có trường hợp XHTD dẫn đến trẻ mang thai, đẻ con; có trường hợp giết con có tính chất dã man...
Xâm hại trẻ em không chỉ xảy ra ở vùng nông thôn mà tại các tỉnh, thành phố lớn cũng đang có xu hướng gia tăng. Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 trong 10 địa phương có số trẻ em bị xâm hại nhiều nhất nước. Đáng lưu ý, 337 trẻ bị tử vong do bị xâm hại, 418 trẻ có thai do bị XHTD, 193 trẻ bị rối loạn tâm thần, 375 trẻ bị thương tật...
Đoàn giám sát nhận thấy xâm hại trẻ em dù bất kỳ hình thức nào cũng gây ra hậu quả xấu đối với trẻ em, nhiều hành vi xâm hại để lại hậu quả nặng nề, nghiêm trọng, lâu dài về thể chất, tinh thần đối với trẻ em và gia đình của các em. Từ 2015 đến tháng 6/2019 có 337 trẻ bị tử vong do bị xâm hại, 418 trẻ có thai do bị xâm hại tình dục, 193 trẻ bị rối loạn tâm thần, 375 trẻ bị thương tật, 180 trẻ phải bỏ học. Các trẻ em khác là nạn nhân bị xâm hại đều bị tổn hại về thể chất và tinh thần với các mức độ khác nhau.
Đoàn giám sát dự báo tình hình trẻ em bị xâm hại trong thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng nếu không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Qua giám sát, đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội tiếp tục hoàn thiện chính sách, các luật; tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng chống xâm hại trẻ em. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội giám sát thường xuyên đối với công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại trẻ em. Yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng và các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra; đề cao trách nhiệm và xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu ở nơi xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em mà không có các biện pháp chỉ đạo xử lý hiệu quả hoặc vi phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em.
Hôm qua, ngày 26/5/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Theo đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, bạo lực, XHTD, trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em. Xử lý nghiêm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khi có hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em, nhất là các hành vi xâm hại trẻ em, bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài các vụ việc vi phạm quyền trẻ em.
Trần Huyền
-
Huyện Lục Nam (Bắc Giang) hoàn thành hỗ trợ 38 nhà ở cho người có công
06-11-2024 10:25 08
-
Tác động của chính sách hỗ trợ ưu đãi giáo dục đối với học sinh nghèo ở Định Hóa
16-11-2024 17:15 30
-
Generali Việt Nam được vinh danh “Doanh nghiệp vì cộng đồng” lần thứ 5 liên tiếp
15-11-2024 22:32 18
-
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
15-11-2024 15:18 29
-
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
15-10-2024 11:13 41
-
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
15-11-2024 09:56 08