Lao động
Tiếp tục hoàn thiện, phát triển đồng bộ thị trường lao động năm 2020
04:47 PM 16/01/2020
Năm 2019, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, có những mặt tiến bộ hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2018; đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, ưu tiên mà Bộ đã đề ra trong Chương trình công tác năm 2019, trong đó nổi bật là việc phát triển thị trường lao động nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.
Nhiều kết quả nổi bật
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2019, Bộ đã thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động; tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo xu hướng và nhu cầu thị trường lao động; điều tra nhu cầu lao động trong các loại hình doanh nghiệp, khai thác dữ liệu từ các cuộc điều tra về lao động việc làm, điều tra dân số và nhà ở, điều tra mức sống dân cư,  điều tra doanh nghiệp vừa và nhỏ; định kỳ xuất bản các báo cáo xu hướng lao động, xã hội; xu hướng việc làm, các bản tin cập nhật về thị trường lao động; ghi chép cung – cầu lao động (thông tin của khoảng 21 triệu hộ gia đình với 47 triệu NLĐ; thông tin của 316.800 doanh nghiệp đang hoạt động và 5.100 hợp tác xã phi nông nghiệp) để giúp các cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở để hoạch định chính sách, các cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch đào tạo và tuyển sinh phù hợp, người sử dụng lao động và NLĐ nắm bắt được nguồn cung, cầu lao động hiện có trên thị trường và xu hướng tuyển dụng lao động, góp phần đẩy mạnh việc kết nối cung - cầu lao động. Bên cạnh đó, Bộ cũng thực hiện đồng bộ Dự án phát triển thị trường lao động và việc làm cùng các chính sách, chương trình, đề án về giải quyết việc làm. Tăng cường hỗ trợ giải quyết việc làm cho NLĐ thông qua Quỹ quốc gia về việc làm.
Năm 2019 các Trung tâm DVVL đã  các trung tâm DVVL đã tổ chức được 1.223 phiên giao dịch việc làm 
Hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL) tiếp tục được đầu tư nhằm tăng cường kết nối cung – cầu lao động, rút ngắn thời gian tìm việc làm của NLĐ, thời gian tuyển dụng của người sử dụng lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nông thôn. Trong năm, các trung tâm DVVL đã tổ chức được 1.223 phiên giao dịch việc làm với số doanh nghiệp tham gia trung bình trong một phiên từ 25-30 đơn vị, số NLĐ tham gia trong một phiên giao dịch khoảng 300-400 lao động. Số lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm tại Trung tâm là 2.988.030 lượt người, số lao động nhận được việc làm do Trung tâm giới thiệu và cung ứng là 1.001.785 lượt người (chiếm 33,53% số người được tư vấn, giới thiệu việc làm). Hệ thống trung tâm DVVL được xã hội hóa, phát triển mạng lưới các doanh nghiệp cung ứng DVVL (ngoài hệ thống Trung tâm DVVL công lập, cả nước hiện có 232 doanh nghiệp hoạt động DVVL).
Bên cạnh đó, Bộ cũng tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp duy trì và phát triển các thị trường ngoài nước; mở nhiều thị trường mới, tiềm năng; thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Hoạt động đưa NLĐ Việt Nam sang làm việc tại các thị trường trọng điểm (Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Malaysia) tiếp tục được tăng cường quản lý, chấn chỉnh để ổn định và phát triển bền vững. Chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp làm tốt công tác tạo nguồn, đào tạo tay nghề, kỷ luật lao động, ngoại ngữ; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của các doanh nghiệp; quản lý, bảo vệ quyền lợi của khoảng 540 ngàn NLĐ đang làm việc ở nước ngoài; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động NLĐ về nước đúng hạn hợp đồng.
Năm 2019, tạo việc làm trong nước đạt 1,508 triệu  người, đạt 101,9% kế hoạch
Cũng theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, so với cùng kỳ năm trước, năm 2019 số người có việc làm tăng lên; cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm mạnh; tỷ lệ thiếu việc làm giảm dần; thu nhập của NLĐ làm công hưởng lương có xu hướng tăng. Hầu hết các tỉnh, thành phố đều đạt và vượt kế hoạch tạo việc làm đã đề ra; trong đó các tỉnh, thành phố thuộc các vùng kinh tế trọng điểm vẫn tiếp tục phát huy lợi thế, thu hút đầu tư phát triển kinh tế, tạo được nhiều việc làm cho người lao động. Tính chung trong năm 2019 cả nước đã tạo việc làm cho 1,650 triệu người, đạt 103,2% kế hoạch, bằng 100,1% so với thực hiện năm 2018, trong đó: Tạo việc làm trong nước là 1,508 triệu  người, đạt 101,9% kế hoạch (riêng Quỹ quốc gia về việc làm góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 90.000 lao động); đưa 142 nghìn NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 119% kế hoạch (hoàn thành trước một năm và vượt mức kế hoạch 5 năm). Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị còn 3,12%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 24%.
Một số hạn chế và giải pháp phát triển thị trường lao động thời gian tới
Bên cạnh những kết quả nêu trên, việc phát triển thị trường lao động cũng còn có những hạn chế, đó là: Sức ép về việc làm còn lớn, nhất là việc làm theo hướng bền vững và việc làm cho thanh niên, lao động nông thôn; việc dự báo, kết nối cung – cầu lao động còn hạn chế; thông tin thị trường lao động thiếu và bị chia cắt; tổ chức DVVL hoạt động chưa thống nhất, tính chuyên nghiệp chưa cao; thiếu hệ thống các chính sách giải quyết việc làm hiệu quả cho các nhóm đối tượng đặc thù. Chế độ báo cáo về tuyển dụng, quản lý lao động chưa nghiêm túc do một số doanh nghiệp, địa phương còn xem nhẹ vấn đề lao động.
Thêm vào đó, ý thức tuân thủ pháp luật lao động - việc làm của một số người sử dụng lao động và NLĐ còn chưa cao, ảnh hưởng việc thực thi pháp luật. Vẫn còn tình trạng lao động làm việc ở nước ngoài bỏ hợp đồng, trốn ở lại, gây ảnh hưởng đến hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có tăng nhưng tốc độ tăng còn chậm; tình trạng nợ đọng, chậm đóng, trục lợi chính sách bảo hiểm xã hội vẫn tiếp diễn làm ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ. Nguy cơ thừa lao động với trình độ, kỹ năng thấp nhưng lại thiếu nhân lực trình độ cao cho cuộc cách mạng 4.0 đang tiếp tục hiện hữu.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, trong năm 2020, Bộ LĐTBXH đặt ra mục tiêu tiếp tục hoàn thiện, phát triển đồng bộ thị trường lao động, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, giảm tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị dưới 4%, giải quyết việc làm cho 1,61 triệu người (trong đó tạo việc làm trong nước cho 1,48 triệu người; đưa 130 nghìn NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng).
Nhằm đạt được các mục tiêu này, Bộ sẽ tiếp tục tập trung cho một trong 03 khâu đột phá là phát triển thị trường lao động với các giải pháp đồng bộ sau:
Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách cho sự hoạt động và phát triển thị trường lao động bảo đảm tính đồng bộ, bền vững đi đôi với tăng cường, nâng cao vai trò của nhà nước trong việc quản lý, điều tiết cung - cầu lao động, thúc đẩy chuyển dịch, phân bổ hợp lý lao động; tạo thuận lợi trong việc tuyển dụng và sử dụng lao động của doanh nghiệp. Chú trọng công tác dự báo, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cung - cầu nhân lực trong cả nước gắn với thị trường lao động quốc tế và khu vực ASEAN. Theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biết lao động trên thị trường; thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu cung – cầu lao động; xây dựng, phát hành Bản tin thị trường lao động Việt Nam theo Quý; điều tra nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2019, 2020 để thu thập thông tin về tình hình sử dụng lao động và nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp nhằm đánh giá thực trạng tuyển dụng và sử dụng lao động; đánh giá việc gắn kết giữa đào tạo nghề nghiệp và tình hình sử dụng lao động; đánh giá mức độ đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp đối với NLĐ; cung cấp thông tin làm cơ sở phục vụ dự báo ngắn hạn về nhu cầu sử dụng lao động.
Hai là, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của hệ thống cơ sở cung ứng DVVL; nâng cao hiệu quả tổ chức sàn giao dịch, hội chợ việc làm (kết nối online...). Tổ chức khảo sát, đánh giá việc làm khu vực phi chính thức, việc làm cho người cao tuổi, đánh giá và dự báo tác động của công nghệ đối với nhu cầu sử dụng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, quản lý lao động. Xây dựng đề án triển khai thực hiện giao dịch điện tử trong khai trình lao động đối với doanh nghiệp, đơn vị; tạo lập và liên thông cơ sở dữ liệu về quản lý lao động với cơ sở dữ liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Thực hiện các chính sách, giải pháp giải quyết việc làm cho NLĐ gắn với nâng cao chất lượng việc làm; triển khai thực hiện hiệu quả chính sách việc làm công, chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp. Tăng cường hoạt động vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm.
Ba là, tiếp tục ổn định và phát triển, mở rộng thị trường lao động ngoài nước; chú trọng các thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của NLĐ Việt Nam. Ký kết các thỏa thuận mới và đẩy mạnh thực hiện các thỏa thuận đã ký với các nước tiếp nhận lao động. Thực hiện các chính sách, dự án hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, nhất là lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Làm tốt công tác đào tạo nguồn lao động. Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo nghề cho lao động, đáp ứng yêu cầu của nước tiếp nhận lao động. Đẩy mạnh thông tin, truyền thông về hoạt động lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; quản lý hiệu quả, chặt chẽ công tác đưa lao động Việt nam đi làm việc ở nước ngoài...
 Đức Tùng
Từ khóa: