Xã hội
Tình người nơi ấy...
08:04 PM 08/12/2016
(LĐXH) Coi thể coi công việc chăm sóc, nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần là một trong những “nghề nguy hiểm”. Song, vượt qua bao khó khăn, vất vả, hàng nghìn y, bác, sỹ, cán bộ nhân viên tại các cơ sở đang đảm nhiệm công việc chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần vẫn đang ngày đêm thầm lặng làm việc, thầm lặng hy sinh, miệt mài, tận tụy trong nỗ lực cải thiện sức khỏe về thể chất và tâm thần cho hàng chục nghìn người không may mắn.
Những bệnh nhân “đặc biệt”
Khi sinh ra ai cũng mong muốn mình có được một thân thể khỏe mạnh, một trí óc minh mẫn, nhưng đáng tiếc một số người lại không có được điều tưởng chừng đơn giản đó. Theo thống kê, hiện nay tại Việt Nam có khoảng gần 9 triệu người bị rối nhiễu tâm trí, trong đó số người bị tâm thần nặng khoảng 200 nghìn người. Nhiều trường hợp người tâm thần đánh trọng thương, thậm chí gây ra những vụ án nghiêm trọng giết chết người thân, hàng xóm, đốt phá nhà cửa... gây sợ hãi, hoang mang cho gia đình và cộng đồng. Cả nước có 45 cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí, trong đó có 26 cơ sở chăm sóc chuyên biệt, 19 cơ sở tổng hợp.
Trong khuôn khổ cuộc Hội thảo "Báo chí và truyền thông về phát triển nghề công tác xã hội" do Tạp chí Lao động Xã hội phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động – TBXH) tổ chức vào cuối tháng 11/2016 tại Hải Phòng, chúng tôi đã  đến thăm Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Hải Phòng cũng như được trò chuyện với các anh, chị đang công tác các cơ sở nuôi dưỡng người tâm thần tại một số địa phương khác để rồi càng hiểu thêm những gian nan trong công việc đầy tính nhân văn cũng như tấm lòng, tình cảm của các anh chị với những con người, những số phận rất cần được cảm thông.
Bác sỹ Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng tâm thần người có công và xã hội Hải Dương chia sẻ: So với bệnh nhân mắc các bệnh khác thì người bị bệnh tâm thần nặng có lẽ là những người thiệt thòi nhất bởi họ không làm chủ được bản thân, hành động, sinh hoạt hầu như vô thức, không phân biệt được các sự vật, sự việc cũng như không còn khả năng ý thức về năng lực, hành vi của bản thân. Bệnh nhân tâm thần phân liệt thường giảm hoặc mất vị giác, cảm giác, do vậy thường hay nhặt đồ bẩn ăn, uống. Các bệnh nhân bị các bệnh khác đều lo lắng, có ý thức cao về sức khỏe, tình trạng bệnh tật của mình và tích cực phối hợp với bác sỹ, nhân viên y tế để chữa trị nhưng bệnh nhân tâm thần thường bất hợp tác trong điều trị, chăm sóc, không diễn tả được tình trạng sức khỏe của mình làm ảnh hưởng xấu đến hiệu quả điều trị.  
Do hiểu biết về sức khỏe tâm thần còn hạn chế nên người tâm thần thường bị kỳ thị, phân biệt, coi thường, xa lánh. Gia đình người bệnh tâm thần phải chữa trị, chăm sóc dài ngày dẫn đến chán nản, khánh kiệt về kinh tế nên buông xuôi, nhốt xích hay bỏ mặc người tâm thần đi lang thang. Nhiều người bỏ nhà ra đi lang thang không biết đường về, không còn nhớ gì về quê hương, gia đình, người thân của mình. Chị Trần Thị Hiền, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng người tâm thần Hải Phòng xúc động kể về hoàn cảnh một số bệnh nhân ở trung tâm: “Chị Phạm Thị H được tiếp nhận vào trung tâm năm 2003. Chị tốt nghiệp Trung cấp sư phạm và đã công tác được 4 năm thì mắc bệnh tâm thần, đã được gia đình chữa trị tại các bệnh viện chuyên khoa tâm thần nhiều lần nhưng không khỏi và được đưa vào trung tâm đến nay đã 13 năm. Bố đẻ chị mất lúc chị còn trong bụng mẹ và mẹ chị qua đời vì bệnh ung thư cách đây 5 năm, có lẽ chị H phải ở trung tâm đến hết đời. Bệnh nhân Nguyễn Thị H từ nhỏ đến lớn phát  triển về thể và tâm thần bình thường, chị lấy chồng và sinh con gái nhưng không may cháu bị não úng thuỷ. Quá đau buồn, suy nghĩ nhiều nên khi con được được 8 tháng chị H bắt đầu phát bệnh. Đến nay chị đã ở trung tâm được 11 năm. Bệnh nhân Nguyễn Thị Thảo (tên do Trung tâm đặt) bỏ nhà đi lang thang, được tiếp nhận vào Trung tâm đến nay đã 26 năm, nhưng hiện tại vẫn không nhớ được  quê quán, gia đình và thậm chí cả bản thân mình là ai. Ông Khâm (tên do Trung tâm đặt) là bệnh nhân tâm thần lang thang khoảng gần 70 tuổi được tiếp nhận vào Trung tâm cách đây gần 2 năm bị câm, không biết chữ. Mỗi khi nhân viên trung tâm hỏi về quê quán, gia đình, người thân của ông, ông chỉ lắc đầu và giàn giụa nước mắt. Nhìn ông lão thương lắm, đã nhiều lần cán bộ khai thác cố gắng tìm quê hương, gia đình cho ông nhưng không biết được thông tin gì!”
Phát thuốc cho người bệnh.
Tận tâm với người bệnh
Đối tượng phục vụ chủ yếu của các cơ sở nuôi dưỡng người tâm thần là những người bị tâm thần phân liệt mãn tính, đã chữa trị nhiều lần, nhiều nơi không khỏi nên đa số gắn bó cả cuộc đời tại trung tâm. Nhiều gia đình bỏ mặc bệnh nhân ở trung tâm, không một lần thăm hỏi, động viên. Một số người bệnh đã thuyên giảm nhưng phần lớn gia đình không đón về tái hòa nhập cộng đồng nên họ coi trung tâm là gia đình, các cán bộ, nhân viên trung tâm là người thân, những bệnh nhân khác là bạn của mình.
Đặc điểm của bệnh tâm thần mãn tính là chữa không khỏi, thường xuyên có những cơn kích động tái phát, bệnh nhân phải uống thuốc duy trì hàng ngày đến hết đời, nhưng thuốc an thần kinh thường có biến chứng và tác dụng phụ như: táo bón, khô miệng, chảy dãi, chân tay run và các biểu hiện khác như mẩn ngứa, dị ứng, đi lại loạng choạng gây khó chịu do vậy bệnh nhân hay chống đối, từ chối uống thuốc. Khi tiêm thuốc cho bệnh nhân chống đối kích động phải có đông người giữ bệnh nhân (thường ít nhất phải có 3 nhân viên nam).  Bệnh nhân tâm thần được nuôi dưỡng tại các trung tâm có nhiều thể bệnh khác nhau, có người nói nhiều, hay đi lại, có bệnh nhân kích động, la hét, đập phá, làm ồn ào phòng bệnh, đôi khi tấn công lại người chăm sóc; có người không chịu ăn uống, không tự chủ trong sinh hoạt và vệ sinh cá nhân, có bệnh nhân trầm cảm có nguy cơ tự sát cao, do vậy việc chăm sóc, nuôi dưỡng người bệnh gặp không ít khó khăn, nguy hiểm. Mọi hoạt động, sinh hoạt của người bệnh, từng bữa ăn, giấc ngủ đều phải có sự theo dõi chặt chẽ và sự trợ giúp của y, bác sỹ, nhân viên trung tâm. Việc chăm sóc toàn diện được thực hiện cả  24/24 giờ mà không có bất kỳ sự trợ giúp nào của gia đình. Nhân viên y tế phải chú trọng theo dõi bệnh lý hàng ngày, có phác đồ điều trị hợp lý cho từng người bệnh. Thông qua hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng hàng ngày, các cán bộ, nhân viên trung tâm còn thường xuyên trò chuyện, nắm bắt tâm tư, tình cảm, giải tỏa những vấn đề khúc mắc của bệnh nhân.  
Theo bác sỹ Trần Thị Hiền, những cán bộ, nhân viên trực tiếp chăm sóc, điều trị cho người bệnh đều không tránh khỏi bị bệnh nhân đánh, hắt cơm, canh... vào mặt. Y tá Lã Thị Thời đã 2 lần bị người bệnh tấn công với những “lý do” rất đơn giản. Một lần khi chị Thời cho bệnh nhân khu nặng- kích động uống thuốc, có bệnh nhân rất hay giấu thuốc trong miệng nên chị nhắc bệnh nhân há miệng ra để kiểm tra xem đã nuốt thuốc chưa thì lập tức bệnh nhân đấm vào mặt chị gây bầm tím. Lần khác khi chia xôi cho bệnh nhân ăn sáng ở khu Phục hồi chức năng, có bệnh nhân đòi chia phần nhiều hơn, chị giải thích phần còn lại là tiêu chuẩn của người bệnh khác, lập tức chị lại phải chịu một cú đấm trời giáng, mặt sưng vù, bầm tím mấy ngày. Tuy bị đánh đau nhưng y tá Thời vẫn không một câu kêu ca, phàn làn, vẫn tiếp tục tận tâm chăm sóc người bệnh, bởi với chị: “Đã xác định làm việc ở đây thì phải biết chấp nhận những khác thường của người bệnh! Người mắc bệnh tâm thần là những người yếu thế trong xã hội, bản thân họ phải chịu rất nhiều thiệt thòi, đừng xa lánh, xua đuổi, kỳ thị, đánh đập họ. Hãy thông cảm, chia sẻ, trợ giúp người bệnh. ”.
Không chỉ y tá Thời, tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Hải Phòng còn bao cán bộ, nhân viên giàu lòng nhân ái, thương yêu, hết lòng với người bệnh như y sỹ Phạm Thị Lý, bác sỹ Nguyễn Đăng Dũng, bác sỹ Hồ Quang Tùng, y tá Đỗ Thị Huyền, y tá Lã Thị Thời, y tá Phạm Thị Thương... Trao đổi với chúng tôi, các cán bộ, nhân viên  trung tâm điều dưỡng, phục hồi chức năng cho người tâm thần đều tâm sự thời gian đầu mới làm việc tại đây họ đều chung cảm giác hoang mang, lo lắng, hồi hộp và từng nhiều lần có ý định chuyển nơi làm việc khi chứng kiến những cơn kích thần, nghiêm trọng hơn là những trường hợp tự sát của người bệnh, nhưng theo thời gian, khi đã quen với công việc họ đều không còn ý định rời xa, nguyện gắn bó lâu dài với nơi này.  
Được chăm sóc tận tình, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân tâm thần
được cải thiện rõ rệt.
Được chăm sóc tận tình, tình trạng sức khỏe của nhiều người bệnh được cải thiện rõ rệt. Số bệnh nhân có đợt diễn biến tái phát, kích động giảm, thời gian ổn định kéo dài, số bệnh nhân hồi phục (tiếp xúc và sinh hoạt bình thường, ý thức được bệnh của mình, tự giác dùng thuốc, thực hiện tốt các liệu pháp điều trị) và có thể lực tốt tăng lên rõ rệt. Đơn cử ông Vũ Đình N được tiếp nhận vào Trung tâm trong tình trạng lẩn thẩn, mọi sinh hoạt, vệ sinh cá nhân không tự chủ, sau khoảng 1 năm được chăm sóc, nuôi dưỡng đến thời điểm hiện tại tâm thần ông đã ổn định, vệ sinh, sinh hoạt tự chủ, chủ động thay, giặt quần áo. Hay như bệnh nhân Ngô Quốc Q là đối tượng tâm thần lang thang, được tiếp nhận vào trung tâm năm 2005, lúc đầu  không tự chủ được hành vi của mình (uống và dội nước tiểu lên người). Nhiều lần cán bộ trung tâm hỏi về quê quán, người thân của ông nhưng đều không có kết quả. Có lần ông Q ốm nặng tưởng chừng không qua khỏi, thì đúng thời điểm đó ông đã nhớ ra và cho cán bộ, nhân viên trung tâm biết thông tin về quê quán và gia đình  của mình.
 Cũng theo bác sỹ Trần Thị Hiền, khối lượng công việc lớn, khó khăn, vất vả là thế nhưng chỉ tiêu, biên chế của Trung tâm hiện nay còn thiếu khoảng gần 30 người so với công việc phải thực tế đang thực hiện và chỉ tiêu, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. (Với 323 bệnh nhân cần khoảng 100 cán bộ, nhân viên phục vụ, nhưng hiện tại trung tâm chỉ có 63 chỉ tiêu biên chế). Do thiếu nhân lực nên cán bộ, nhân viên trung tâm phải làm việc với cường độ cao. Tổ nấu ăn có 9 người mà phải phục vụ 3 bữa ăn một ngày cho 323 bệnh nhân. Mỗi người phải trực (làm việc liên tục 24 giờ) từ 8 - 12 buổi/tháng nên những cán bộ, nhân viên là nữ có con nhỏ rất vất vả. Khi bệnh nhân phải chuyển sang cơ sở khác điều trị, nếu không có gia đình bệnh nhân hỗ trợ trung tâm phải bố trí cán bộ, nhân viên đi theo chăm sóc, phục vụ ngày đêm, với những đợt điều trị kéo dài thì khó khăn, vất vả còn nhân lên gấp bội.
Đảm nhiệm một công việc đặc thù như vậy nhưng tiền lương, thu nhập của các cán bộ, nhân viên các trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần còn rất khiêm tốn. Chế độ phụ cấp trực ngày thường là 25.000 đồng/đêm; vào ngày thứ 7, chủ nhật mới được 32.500 đồng/đêm. Trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần thuộc hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội nhưng các trung tâm vẫn đang phải vận dụng chế độ trực theo ngành Y tế. Dù đã thuộc diện được hưởng phụ cấp ưu đãi đăc thù 70%, cộng thêm cả phụ cấp độc hại, phụ cấp trách nhiệm, một cán bộ đã công tác hơn 5 năm sau khi trừ tiền đóng bảo hiểm xã hội cũng chỉ có thu nhập khoảng hơn 4 triệu đồng. Để cán bộ, nhân viên các trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng người tâm thần yên tâm gắn bó với công việc nhiều ý nghĩa của mình, góp phần giải quyết những bức xúc cho các gia đình đối tượng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội rất cần được sự quan tâm, động viên của Nhà nước, chính quyền các địa phương và cộng đồng, trước mắt là các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành và đưa vào thực hiện các chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với các cán bộ, viên chức công tác xã hội, người lao động đang làm việc tại các trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần./.
Thảo Lan
Từ khóa: