Thời sự
Tôn vinh những Gương sáng thầm lặng vì cộng đồng
08:07 PM 28/11/2020
(LĐXH) - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tổng kết 10 năm thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội, chiều ngày 28/11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức Lễ tuyên dương "Những gương sáng thầm lặng vì cộng đồng".
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung
phát biểu khai mạc Lễ tôn vinh
Mục tiêu là nhằm Biểu dương, tôn vinh những cá nhân điển hình, tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực công tác xã hội, làm công tác chăm lo cho đối tượng yếu thế; những tấm gương sáng người tốt - việc tốt, các cá nhân có sáng kiến vì cộng đồng; những người có tấm lòng thiện nguyện, chung tay góp sức chăm lo hỗ trợ, giúp đỡ cho người có công với cách mạng, người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em..., góp phần ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm an sinh xã hội cho tất cả mọi người.
Tham dự Lễ tuyên dương có Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Đồng chí Nông Đức Mạnh, Nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng; Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch TW MTTQVN; Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước CHXNCN Việt Nam, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương, Chủ tịch Hội đồng bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam; Đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ban, ngành khác và 400 tấm gương tiêu biểu thầm lặng vì cộng đồng.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại buổi Lễ
Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định thời gian qua, công tác an sinh xã hội luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song tỷ lệ đảm bảo ngân sách thực hiện các chính sác xã hội tăng dần hàng năm; năm 2019 tổng chi của ngân sách nhà nước cho an sinh xã hội là 35 ngàn tỷ đồng.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 và triển khai thực hiện Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020, công tác an sinh xã hội và các chính sách xã hội của đất nước ta đã đạt nhiều kết quả tích cực, hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu thiên niên kỷ, cải thiện chỉ số phát triển con người Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao phúc lợi xã hội, đời sống nhân dân về tinh thần và vật chất. Chính sách trợ giúp xã hội đã bao phủ khoảng trên 23,2 triệu người, chiếm 25% dân số.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội
trao tặng Danh hiệu danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới 
cho Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam
Bộ trưởng cũng cho biết: Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn lực còn hạn chế, sự chung tay đóng góp của cộng đồng xã hội để hỗ trợ những người có hoàn cảnh còn khó khăn là hết sức cần thiết và quan trọng. Thực hiện lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, với truyền thống yêu thương đùm bọc, đoàn kết gắn bó của cả dân tộc, các hoạt động từ thiện đã trở thành một phong trào sâu rộng trong xã hội, tinh thần “lá lành đùm lá rách” đã có sức hiệu triệu, thu hút nhiều tổ chức, cá nhân có tấm lòng thiện nguyện chung tay, góp sức về cả vật chất lẫn tinh thần nhằm hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế và người dân gặp hoàn cảnh khó khăn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho
ông Lê Văn Kiểm - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Hội Cựu chiến binh Việt Nam và
bà Trần Cẩm Nhung - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và kinh doanh Golf  Long Thành
Tại lễ tuyên dương, trong 400 đại biểu tiêu biểu tham dự, có 197 đại biểu là nữ, 08 đại biểu từ 70 tuổi trở lên, 04 đại biểu là người dân tộc thiểu số, 50 đại biểu là người khuyết tật, 20 đại biểu là các cá nhân, doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp cho cộng đồng, xã hội, 100 đại biểu là những nhân viên phục vụ trong lĩnh vực an sinh xã hội, chăm sóc các đối tượng tại các trung tâm, cơ sở điều trị và người yếu thế, 300 đại biểu là những người dân, không giữ chức vụ lãnh đạo, đang sinh sống và làm việc trên mọi miền đất nước. Đó là những người thầy giáo, cô giáo dành cả cuộc đời đem con chữ cho những trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, trẻ em lang thang, cơ nhỡ. Họ là những người đã tự nguyện hiến tặng tất cả tài sản, đất đai, nhà cửa để nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hàng trăm người già có hoàn cảnh neo đơn, không nơi nương tựa; những người khuyết tật, người bị di chứng chất độc da cam. Họ là những nhân viên y tế đã sát cánh mấy chục năm bên những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, nằm liệt giường, không tự lực trong sinh hoạt, những người bị bệnh phong. Họ là những người dân đang thầm lặng với hàng trăm chuyến xe cứu thương miễn phí trong đêm tối để chuyên chở người bị tai nạn, người bệnh khó khăn cần cứu giúp. Họ là những người đã hiến máu hàng chục lần cho các bệnh nhân đang nằm chờ trong các bệnh viện, những giọt máu cho đi của họ để đem lại niềm tin, hi vọng sống cho người bệnh và hạnh phúc cho gia đình. Họ là những người quản trang đang ngày đêm lặng lẽ trông coi hương khói, quét dọn, chăm sóc những nghĩa trang liệt sĩ. Họ là những người hiệp sĩ chống đinh tặc, hiệp sĩ săn bắt cướp, đã hy sinh cả bản thân mình để cứu người, cứu tài sản của nhân dân khi thiên tai,lũ, bão… Đây thực sự là những bông hoa trong vườn hoa rực rỡ sắc màu, những bông hoa vì cộng đồng, vì xã hội.

“Lễ tuyên dương lần này là sự hội tụ của hàng trăm “câu chuyện cổ tích” trong đời thường. Chăm lo cho các đối tượng yếu thế, những người còn nhiều khó khăn trong cuộc sống vừa là đạo lý, vừa là bổn phận, trách nhiệm và tình cảm của mỗi người Việt Nam. Những tấm gương giữa đời thường, những việc làm tốt cho xã hội, cho cộng đồng sẽ cần tiếp tục được nhân lên nhiều hơn nữa, hướng tới một xã hội tốt đẹp, giàu giá trị đạo đức, phát triển phồn thịnh”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Trung Chắt xúc động nhận quà tặng từ các cháu đã được ông nuôi dưỡng 
và hiện nay đã trưởng thành, tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học.
Cũng tại chương trình, nhiều câu chuyện xúc động về những tấm gương thầm lặng vì cộng đồng đã được chia sẻ qua các phóng sự như: Tấm gương Bác sĩ Nguyễn Thị Xuân hơn 30 năm phục vụ bệnh nhân phong, khuyết tật tại Bắc Ninh. Bà hiến toàn bộ số tiền lương để cải tạo, xây dựng trại phong, cùng với địa phương và nhà hảo tâm xây 201 căn nhà, giúp 131 hộ dân phát triển kinh tế, mua 173 chiếc xe đạp cho học sinh. Tấm gương ông Ngô Văn Dư - Người đàn ông 97 lần hiến máu tình nguyện, hỗ trợ những bệnh nhân khó khăn; Ông Hồ Xuân Thành - Cựu chiến binh gần 40 năm chăm sóc nghĩa trang, chăm lo mộ phần cho các anh hùng liệt sĩ. Hay như Thầy giáo Đặng Văn Cương - Thầy giáo của cậu bé Đinh Văn Kre mắc bệnh Người lùn đầu chim tại Quảng Ngãi; Những  câu chuyện về những việc làm trong đại dịch COVID-19, trong đợt bão lũ miền Trung vừa qua..
.
Ông Nguyễn Trung Chắt - người thành lập 3 mái ấm Hy Vọng và nuôi dưỡng 292 em nhỏ
có hoàn cảnh khó khăn giao lưu với khán giả
Đồng thời, các đại biểu cũng được giao lưu với tấm gương ông Nguyễn Trung Chắt – Người thành lập Mái ấm Hy vọng tại Lạng Sơn. Năm 2003, Mái ấm Hy vọng đầu tiên được ông thành lập, đến nay đã có 3 mái nhà, từng nuôi dưỡng 292 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, hiện còn 110 em vẫn đang được nuôi dưỡng và đi học từ nhà trẻ đến đại học. Nhiều em đã trưởng thành, có cuộc sống riêng. “Điều mà tôi muốn gửi gắm ở các con trong mái nhà Hy vọng là tính kỷ luật, những thói quen tốt để tự phát triển, ngay cả thói quen biết ơn và biết làm việc tốt. Tôi đã cố gắng nuôi các con đủ ăn, đủ mặc. Hôm nay, tôi thực sự bất ngờ, cảm động vì thấy các con mặc áo dài. Tôi rất tiếc vì chưa từng may được cho các con những tấm áo dài trắng đẹp như vậy..." - ông Chắt xúc động.
400 tấm gương thầm lặng đại diện cho hàng triệu trái tim nhân ái hết lòng vì cộng đồng
tham dự Lễ tôn vinh
Trong chương trình buổi lễ, Ban tổ chức đã tuyên dương các tập thể và cá nhân được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới với những cống hiến xuất sắc trong lĩnh vực công tác xã hội suốt thời gian qua, như: Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam, với vai trò cầu nối giữa nhà tài trợ - những tấm lòng vàng đến với trẻ em Việt Nam có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn. Sau gần 30 năm thành lập, Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp đã huy động được gần 7.200 tỷ đồng, hỗ trợ cho trên 33 triệu lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên toàn quốc. Trong đó, riêng Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam với phương châm hoạt động “Tận tâm – Minh bạch – Kịp thời – Cùng tham gia”, đã vận động được gần 1.348 tỷ đồng cùng hàng trăm ngàn tấn hàng hóa hiện vật để hỗ trợ cho trên 7,2 triệu lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Về cá nhân là cặp vợ chồng ông Lê Văn Kiểm - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Hội Cựu chiến binh Việt Nam, bà Trần Cẩm Nhung - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và kinh doanh Golf  Long Thành. Tính đến nay, hai ông bà cùng gia đình đã đóng góp gần 1.500 tỷ đồng vào các hoạt động thiện nguyện ở trong và ngoài nước. Năm 2019, hai ông bà là người Việt Nam duy nhất đã vinh dự được Tạp chí Forbes ghi danh vào danh sách “30 Anh hùng từ thiện” trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Các đại biểu tham dự buổi Lễ
Tại chương trình, Vụ trưởng Vụ thi đua khen thưởng Văn phòng Chủ tịch nước Lương Hồng Quang đã công bố quyết định tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và vợ chồng ông Lê Văn Kiểm và bà Trần Cẩm Nhung vì đã có thành tích xuất sắc trong lao động, sáng tạo từ năm 2009 đến năm 2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Cũng tại chương trình, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh bày tỏ sự xúc động khi tham dự chương trình, đồng thời bày tỏ sự tri ân 400 tấm gương thầm lặng đại diện cho hàng triệu trái tim nhân ái hết lòng vì cộng đồng.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh: Dân tộc Việt Nam có tinh thần yêu nước thương nòi, một miếng khi đói bằng một gói khi no. Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng ngày hôm nay đã góp phần tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp tương thân tương ái của người Việt Nam. Đồng thời, Phó Chủ tịch nước yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội cần tiếp tục quan tâm làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho người nghèo, người yếu thế, đối tượng bảo trợ xã hội. Tiếp tục hoàn thiện các chính sách pháp luật về bảo đảm an sinh xã hội, trong đó quan tâm ưu tiên bảo đảm tất cả các gia đình chính sách đều có cuộc sống bằng và khá hơn mức sống trung bình của người dân địa phương; Có giải pháp thiết thực và hiệu quả nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có hoàn cảnh khó khăn trên cơ sở kết hợp 3 nguồn: Nhà nước, cộng đồng và cá nhân đối tượng khó khăn, giúp họ tự vươn lên hòa nhập cộng đồng./. 
Nhóm PV
Từ khóa: