Kinh tế
Tổng Công ty Xi măng Việt Nam: Thực hiện đồng bộ các giải pháp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp
07:58 AM 19/06/2019
(LĐXH) Theo Tổng giám đốc Tổng công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) Bùi Hồng Minh, từ đầu năm 2019 đến nay, VICEM đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm kết quả sản xuất kinh doanh của VICEM đạt được rất ấn tượng.
Sáu tháng đầu năm 2019, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) đạt lợi nhuận trước thuế gần 1.700 tỷ đồng, bằng 162,3% so với cùng kỳ, nộp ngân sách 1.300 tỷ đồng, bằng 127,5% so với cùng kỳ, thu nhập bình quân người lao động đạt 13 triệu đồng/người/tháng…
Cụ thể sản xuất clinker đạt hơn 10,3 triệu tấn, bằng 102,5% so với cùng kỳ, sản xuất xi măng đạt gần 13 triệu tấn, bằng 112% so với cùng kỳ. Sản phẩm tiêu thụ chính đạt gần 15 triệu tấn, bằng 105% so với cùng kỳ. Trong đó: Xi măng đạt hơn 13,1 triệu tấn, bằng 11,4% so với cùng kỳ, clinker đạt hơn 1,87 triệu tấn, bằng 75% so với cùng kỳ. Doanh thu của VICEM tăng trưởng rất tốt, đạt gần 17.640 tỷ đồng, bằng 104,3% so với cùng kỳ.
6 tháng đầu năm 2019, sản phẩm tiêu thụ chính của VICEM
đạt gần 15 triệu tấn, bằng 105% so với cùng kỳ năm trước.
Điểm đáng chú ý nhất của kết quả sản xuất 6 tháng đầu năm của VICEM là sản lượng xi măng tiêu thụ tăng cao, chiếm đến 36% thị phần cả nước, chi phí cố định cũng như chi phí sản xuất giảm nên mặc dù giá điện và than tăng cao nhưng lợi nhuận trước thuế của VICEM vẫn đạt mức cực kỳ ấn tượng gần 1.700 tỷ đồng, bằng 162,3% so với cùng kỳ, nộp ngân sách 1.300 tỷ đồng, bằng 127,5% so với cùng kỳ, thu nhập bình quân người lao động đạt 13 triệu đồng/người/tháng… Các doanh nghiệp mới chuyển về VICEM theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Xây dựng là Xi măng Hạ Long và Xi măng Sông Thao lỗ lũy kế đã giảm, từng bước vượt qua khó khăn còn Xi măng Hải Phòng đã chấm dứt lỗ.
Cũng trong 6 tháng đầu năm VICEM đã hoàn thành 2 đề án đề xuất chiến lược phát triển ngành Xi măng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, đề án tái cấu trúc VICEM giai đoạn 2019 – 2025 cũng như hoàn thành cơ bản việc kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp phục vụ cho tiến trình cổ phần hóa VICEM theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Xây dựng.
Đồng thời VICEM cũng thực hiện giải trình với Bộ Xây dựng, Chính phủ về việc đề xuất Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối tại VICEM từ hơn 51 đến 65% vốn điều lệ để VICEM vẫn là trụ cột, định hướng phát triển ngành Xi măng Việt Nam, thực hiện vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần giữ ổn định an ninh quốc phòng.
Tổng giám đốc Bùi Hồng Minh cho biết thêm từ nay đến cuối năm 2019 VICEM phấn đấu tăng năng suất lao động từ 7 đến 10%.
Để hoàn thành mục tiêu này, VICEM tiếp tục triển khai đồng loạt nhiều giải pháp. Trong đó VICEM sẽ triển khai Đề án tái cơ cấu VICEM giai đoạn 2019 – 2025 từ VICEM đến các đơn vị thành viên sau khi được Bộ Xây dựng phê duyệt, phù hợp với chiến lược phát triển ngành Xi măng Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục triển khai định hướng chiến lược tái cấu trúc toàn diện VICEM để xây dựng VICEM trở thành một Tổng công ty có tiềm lực kinh tế mạnh, có trình độ công nghệ tiên tiến, mô hình quản trị hiện đại, có qui mô đủ lớn, có khả năng cạnh tranh quốc tế, đủ sức lan tỏa, dẫn dắt ngành Xi măng phát triển theo đúng các mục tiêu chiến lược phát triển ngành Xi măng được Chính phủ phê duyệt. Trong đó tập trung vào các ngành nghề chủ chốt, tối ưu hóa sản xuất hiện tại để tăng thêm năng lực sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo khả năng cạnh tranh.
Tiếp tục phát huy các thương hiệu mạnh, giảm hoặc bỏ các thương hiệu yếu, tối ưu hóa logistec, tiếp tục cân đối, phân bổ năng lực sản xuất và thị trường để điều chuyển clinker, xi măng từ miền Bắc đi miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Tiếp tục triển khai các nội dung về công tác cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Xây dựng. Hoàn thành Đề án công nghệ thông tin và ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 trong các dây chuyền sản xuất của VICEM, trên các lĩnh vực: Quản lý, lưu thông và phân phối, qui trình sản xuất. Tăng cường kiểm tra thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động để đảm bảo sản xuất ổn định, an toàn cho người và thiết bị...
Được biết, hiện tại, quy mô ngành sản xuất xi măng Việt Nam đứng thứ 3 thế giới chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ. Gần đây nhất năm 2018 sản lượng toàn ngành đạt 96 triệu tấn. Trong đó, tiêu thụ trong nước là 60 triệu tấn, xuất khẩu hơn 30 triệu tấn.../.
Thảo Lan
 
Từ khóa: