Xã hội
TP Cần Thơ triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững
02:07 PM 12/11/2019
(LĐXH)- Những năm qua, TP Cần Thơ luôn thực hiện tốt các giải pháp để thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại địa phương. Rất nhiều hoạt động phong phú, đa dạng và mang lại hiệu quả thiết thực đã được chính quyền thành phố, với ngành LĐTB&XH đóng vai trò nòng cốt, triển khai một cách đồng bộ.
Theo Sở LĐTB&XH TP Cần Thơ, đầu năm 2018, toàn thành phố còn 8.229 hộ nghèo (tỷ lệ 2,55%), 11.440 hộ cận nghèo (tỷ lệ 3,54%), phấn đấu cuối năm giảm còn 1,55% hộ nghèo (giảm 1%, tương đương 3.196 hộ). Kết quả giảm nghèo qua các năm cho thấy, các địa phương tích cực triển khai thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo; trong đó, chính sách đào tạo, chuyển đổi ngành nghề, giới thiệu việc làm tác động hiệu quả.
Thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững, ngày càng có nhiều hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội theo hướng đa chiều. Chính sách vay vốn ưu đãi đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; lồng ghép cho vay với tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả vốn tín dụng.
Chị Phạm Thị Tuyết Trinh (38 tuổi,ở tổ 9, khu vực Thới Hưng, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy – TP Cần Thơ) được vay vốn ưu đãi vươn lên thoát nghèo bằng việc mở rộng xưởng may
Thành phố chú trọng lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến công; tiếp tục phát triển hình thức dạy nghề lưu động đến ấp, khu vực, tạo điều kiện để người có khó khăn về tài chính, thể chất, gia cảnh được học nghề và tự tạo việc làm. Từ nguồn kinh phí Đề án Đào tạo nghề, khuyến khích các doanh nghiệp mở các lớp nghề hay cơ sở giáo dục nghề nghiệp mở tại doanh nghiệp; thí điểm mô hình doanh nghiệp tổ chức dạy nghề và nhận người nghèo, người khuyết tật vào làm việc…
Để đạt được kết quả này, Cần Thơ đã kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác xoá đói giảm nghèo. Cụ thể, hỗ trợ vốn vay ưu đãi ưu đãi cho 30.900 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; dạy nghềcho 284 người nghèo, cận nghèo; cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; cây dựng 1.000 căn nhà Đại đoàn kết hỗ trợ cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở…
Đặc biệt, để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai, thành phố đã thực hiện chính sách hỗ trợ giáo dục cho 20.000 học sinh, sinh viên nghèo số tiền 8.300 triệu đồng; hỗ trợ học phí cho 30 học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo đang theo học tại các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề với kinh phí 155,2 triệu đồng.
Bên cạnh đó, các cơ quan hữu trách cũng đã tiến hành tư vấn và trợ giúp pháp lý miễn phí cho 100% đối tượng có nhu cầu được hỗ trợ theo quy định.
Nhiều hộ dân ở TP Cần Thơ phát triển thành công mô hình trồng bưởi
Tuy nhiên, toàn thành phố còn một số hạn chế trong quá trình giảm nghèo. Hộ nghèo nông thôn trình độ học vấn thấp, thiếu tư liệu sản xuất, không nghề nghiệp ổn định, chủ yếu làm thuê theo thời vụ nên địa phương gặp khó trong hỗ trợ tiếp cận các chính sách trợ giúp. Mô hình giảm nghèo bền vững chậm nhân rộng nên một bộ phận người nghèo chưa tiếp cận được vốn vay ưu đãi để sản xuất, mua bán nhỏ. Tuy một số hộ nghèo quyết tâm vươn lên thoát nghèo nhưng thiếu lao động, nhiều trẻ em, người già hoặc có người bệnh tật nên việc hỗ trợ thoát nghèo còn khó khăn, thiếu bền vững... 
Theo lãnh đạo TP Cần Thơ, tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 giảm còn 2,06%, phấn đấu đến cuối năm nay giảm thêm 0,8% tỷ lệ hộ nghèo, tương ứng 2.376 hộ. Hiện thu nhập bình quân đầu người đạt 45,5 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3 lần so năm 2011.
Năm 2019, Cần Thơ đặt mục tiêu nâng dần tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản; nâng cao mức sống, thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo; phấn đấu đến cuối năm 2019 giảm 0,8% tỷ lệ hộ nghèo tương ứng 2.376 hộ, hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,75% so với hộ dân; giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số, tương ứng 193 hộ; hạ tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số xuống còn 4,15% so với hộ dân tộc thiểu số./.
PV
Từ khóa: