Xã hội
TP. Hồ Chí Minh: Chi trả gói an sinh do dịch COVID-19 đạt trên 98%
07:53 AM 18/07/2020
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM, hiện trên địa bàn thành phố có 32.000 hộ nghèo và cận nghèo, trong đó, có khoảng 22.000 hộ cận nghèo và 10.000 hộ nghèo. Trong số này, có khoảng 9.000 hộ mất việc làm, mất nguồn hỗ trợ từ phía xã hội và cộng đồng, dịch vụ mua bán ế ẩm. Thành phố có 415.000 doanh nghiệp đang hoạt động với khoảng 3,2 triệu công nhân. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên có khoảng 75% doanh nghiệp bị thu hẹp sản xuất vì thiếu nguồn nguyên liệu hoặc mất thị trường xuất khẩu. Vì vậy, sẽ có khoảng 25%-30% tương ứng 600.000 công nhân bị mất việc.
Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch theo Nghị quyết số 02 của Hội đồng nhân dân thành phố, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội TP.Hồ Chí Minh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt, thận trọng và trách nhiệm, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, đúng đối tượng, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội trên địa bàn.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác Lao động, người có công và xã hội 6 tháng đầu năm 2020
Báo cáo tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2020, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh cho biết: Tính đến ngày 13/7/2020, toàn thành phố đã giải quyết cho 525.158/535.329 đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 (đạt 98,10%) của 4.206/4.565 đơn vị (đạt 92,13%) với tổng số tiền hơn 575,439 tỷ đồng, cụ thể: đã hỗ trợ xong cho 266.849/267.448 đối tượng người có công, người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, với số tiền là 316 tỷ đồng (đạt 99,78%). Đối với các nhóm còn lại, thành phố đã hỗ trợ cho các đối tượng là người lao động ngừng việc làm, hoãn việc làm (kể cả giáo viên mầm non) là 60.810/61.740 đối tượng (đạt 98,49%) với tổng số tiền trên 62,2 tỷ đồng.
Cùng với đó, chi trả cho người lao động tạm chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 936/1.103 lượt người với tổng số tiền 936 triệu đồng, đạt 84,86; Chi trả cho 174.763/182.122 đối tượng lao động tự do không có ký kết hợp đồng lao động với kinh phí 174,763 tỷ đồng, đạt 95,96%. Hỗ trợ 1.275/1.539 hộ kinh doanh với tổng số tiền 1,275 tỷ đồng. Đối với người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho công nhân, có 01 hồ sơ hợp lệ và đã được giải quyết xong với số tiền 44,2 triệu đồng (đạt 100%).
Người bán vé số ở TP.HCM nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ phòng chống dịch Covid-19
Để bảo đảm hoàn thành việc thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định 15 trên địa bàn thành phố theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong 6 tháng cuối năm 2020, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, trong thời gian tới, ngành LĐ-TBXH thành phố sẽ tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục tổ chức nhiều sàn giao dịch, ngày hội việc làm tạo điều kiện cho người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 3,7% gắn với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều kiện dịch bệnh.
Hai là, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Hạn chế, giảm tối đa tần suất, số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra liên quan đến hoạt động doanh nghiệp, trừ các trường hợp vi phạm.
Ba là, theo dõi tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động - việc làm trên địa bàn thành phố và xây dựng phương án xử lý tình huống doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 cho nhiều người lao động thôi việc trên địa bàn thành phố.
Bốn là, tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ người lao động bị ngừng việc, mất việc: rà soát, sàng lọc lao động để có kế hoạch hỗ trợ tư vấn pháp lý, đào tạo lại, giải quyết việc làm; nhanh chóng thực hiện các thủ tục giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho người lao động chưa có việc làm mới; hướng dẫn, hỗ trợ người lao động vay vốn để chuyển đổi công việc, học tập nâng cao tay nghề, tự tạo việc làm; đẩy mạnh tuyên truyền đến người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nếu chuyển đổi việc làm sang khu vực phi chính thức để đảm bảo các chế độ an sinh xã hội khi đến tuổi nghỉ hưu.
Năm là, tập trung cao độ triển khai để cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ các nhóm đối tượng còn lại. Đẩy mạnh triển khai công tác chi trả tiền hỗ trợ người lao động trong danh sách đã được rà soát, phê duyệt theo đúng quy định, nhất là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Cuối cùng, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tác động việc triển khai thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định 15 tại 24 quận-huyện.

Thục Quyên

Từ khóa: