TP Huế: Vẫn còn nhiều hộ không thể thoát nghèo
Trong kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, thành phố Huế đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,59% (2015) xuống còn dưới 1,5% vào năm 2020; bình quân giảm 0,2 - 0,3%/năm; riêng các phường có tỷ lệ hộ nghèo cao giảm từ 0,2 - 0,4%/năm; phấn đấu đến năm 2020 không còn đơn vị phường có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 3,5%.
Mảnh đất Thừa Thiên - Huế, cố đô thời Nguyễn, sau bao nhiêu biến thiên, thăng trầm vẫn không có nhiều thay đổi. Từ thành thị tới nông thôn, đằng sau hạ tầng cơ sở hiện đại vẫn còn nhiều mảnh đời bất hạnh, cuộc sống của người dân vẫn muôn vàn khó khăn. Cái nghèo vẫn hiện diện, cái đói vẫn rình rập.
Đến TP Huế, giữa nhịp sống thường nhật êm ả, chúng tôi được chứng kiến những phận đời buồn đến não lòng. Những ngôi nhà xập xệ từ nhiều năm nay nằm cạnh bờ thành cổ vẫn thế dù đã mọc lên nhiều ngôi nhà khang trang, những cụm công nghiệp… cạnh những tuyến đường lớn.
Tây Lộc là một phường khá của TP Huế, tỷ lệ hộ nghèo dưới 2%, tức là thấp hơn mức nghèo của TP, thu nhập bình quân của người dân 30 triệu đồng/người/năm. Và, theo cán bộ phường Tây Lộc, sở dĩ phường vẫn còn khá nhiều hộ nghèo (69 hộ) là do những hộ này không thể thoát nghèo được.
Họ là những hộ nghèo có “thâm niên”, nghèo “bền vững” không cần phải bàn cãi. Hộ Hà Thị Đắng, Hà Thị Chiện, Lê Thị Éo tại tổ 26, khu vực 1, phường Tây Lộc nằm trong số đó.
Phận đời bà Đắng, bà Chiện, chị Éo, đắng cay khổ cực nhiều, hệt tên khai sinh của họ. Bà Đắng, bà Chiện là chị em ruột, sinh đôi năm 1938 trong một “gia đình” có 5 người con. Cứ theo lời bà Chiện, mẹ của các bà cũng không biết đích xác cha của những đứa trẻ mình lần lượt đứt ruột đẻ ra là ai.
Con gái bà Chiện sinh năm 1976, tức là năm 38 tuổi, bà Chiện mới sinh con. Theo trí nhớ của bà Chiện thì “chồng” bà người ở thôn Thủy Lộc, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế. Nói là chồng nhưng họ không có hôn thú, đứa con của họ năm nay đã ngoài 40 tuổi nhưng không có giấy khai sinh, không có chứng minh nhân dân.
Bà Đắng ở vậy không lấy chồng, vì thế, ba mảnh đời bất hạnh ghép lại thành một gia đình, cùng ở trong một túp lều dựng tạm giữa lòng thành phố từ hàng chục năm trước.
Cả nhà bà Đắng, cả “chồng” bà Chiện đều có điểm chung là thần kinh không bình thường. Khi bà Chiện sinh Éo thì chồng bà cũng bỏ về nhà ở quê nhờ vả vào sự chăm sóc của người thân.
Bà Đắng, bà Chiện làm nghề đan thuê kiếm ngày lưng bữa cơm nhưng nghề đan lát mai một dần, sức cùng lực kiệt, cả nhà bà vẫn phải ở dưới cái lều được dựng bằng bốn cọc tre, trên hở, dưới mềm. Con gái bà Chiện, lúc nhỏ được bà con chòm xóm cưu mang, lớn lên thì lang thang khắp thành phố xin ăn, có khi đi cả ngày cũng chưa chịu về nhà.
Trong gia đình bà Đắng, thân ai nấy lo, không ai đủ khả năng chăm sóc người khác.
Một cán bộ phường Tây Lộc nói: “Hộ bà Đắng, nghèo và nghèo bền vững là bình thường, không nghèo mới lạ. Lúc mưa nắng trở trời có thể nương tựa hàng xóm láng giềng nhưng tình huống xấu nhất xảy ra với họ cũng chỉ còn trông chờ vào các nguồn hỗ trợ thôi”.
Năm 2011, từ nguồn hỗ trợ, TP Huế và phường Tây Lộc xây cất cho bà Đắng, bà Chiện, chị Éo ngôi nhà trên mảnh đất 19m2 mẹ ba bà để lại. Nói là nhà nhưng kỳ thực chỉ là 4 bức tường, được cái vững chãi, có chỗ chui ra, chui vào an toàn khi mưa gió. Cả ngôi nhà, 3 con người có độc chiếc giường đơn, tài sản của họ ngoài chiếc bàn bằng gỗ ép đã gãy ọp chỉ có thêm vài cuộn quần áo cũ kỹ nhét ở xó nhà.
Rời nhà 3 người đàn bà điên, đi về phía đường Tôn Thất Thiệp cách đó không xa, chúng tôi đến nhà ông Đào Hỏi tại tổ 17, phường Tây Lộc. Vợ con ông, người đi bán vé số, người đi làm thuê làm mướn. Đã vài tháng nay, kể từ khi chiếc xe lăn bị hỏng, không có tiền sửa xe lại càng không có tiền sắm mới, ông Hỏi không thể lết ra khỏi nhà.
Nói là cái xái thì hơi quá nhưng nơi mà 6 nhân khẩu tá túc nằm tút sâu trong con hẻm, lối vào rộng chưa đến vài mét đất. Mái tôn được lợp chỉ cao hơn đầu người lớn chừng 1 mét, chủ yếu được gá vào tường thành cổ, những phía còn lại được xây tạm bợ bằng gạch táp lô, không được gia trát, lâu ngày đã bong trong tróc gần hết.
Cả căn nhà, 6 nhân khẩu nhưng cũng chỉ có 1 chiếc giường đôi nằm gần sát mái tôn. Ông bảo, mấy đứa con ưu tiên ông bà, quanh năm chúng trải chiếu ngủ dưới nền nhà, mùa rét lạnh thấu xương còn mùa nắng thì nóng đến phát điên. Mùa nắng vừa rồi, vợ con ông phải lắp ống, tưới nước lên mái nhưng tiền nước cũng đắt đỏ, thành thử gia đình ông vẫn phải chịu khổ dưới cái nắng nóng như thiêu như đốt.
Ông Hỏi bị teo cơ từ nhỏ ngồi trên xe lăn đi bán vé số. Vợ và con dâu ông cũng đi bán vé số nhưng mỗi ngày, cả 3 người chưa kiếm nổi 1 trăm nghìn đồng, cũng chỉ đủ cơm cháo nuôi nhau đắp đổi qua ngày. Con trai ông, niềm hi vọng của cả gia đình lại bị bệnh đường hô hấp, lao động tự do, ai thuê gì làm nấy, chỉ kiếm đủ dăm bảy chục ngàn, chưa đủ nuôi cái thân bệnh tật.
“Năm 2009, từ các nguồn hỗ trợ của TP Huế và phường Tây Lộc, gia đình tôi làm lại được phần mái của ngôi nhà nằm trong phần đất quần thể di tích cố đô Huế nhưng nay cũng không còn kín trên, bền dưới nữa.
Hiện tại, tôi được hưởng trợ cấp xã hội 630 nghìn đồng/tháng; vợ được hưởng 270 nghìn đồng/tháng tiền chăm sóc cho đối tượng được bảo trợ. Nhưng chừng đó cùng với số tiền kiếm được hàng ngày chỉ đủ để gia đình tôi không đứt bữa còn thoát nghèo là điều không thể” – người đàn ông già nua trước tuổi nhìn về phía xa than thở.
Một cán bộ phường Tây Lộc cho biết, phường có 5 eo bầu (phần đất thuộc quần thể di tích cố đô Huế). Trên phần đất này hiện có gần 100 hộ dân sinh sống từ rất lâu đời, quá trình sinh sống có chuyển nhượng đất đai bằng giấy tờ viết tay. Là đất di tích, không được cấp GCN QSDĐ, không được cơi nới nhà cửa nên nhìn bề ngoài, nơi ở của các hộ dân còn lụp xụp. Trong số này có 3 hộ nghèo, nghèo đến mức không thể thoát nghèo.
Theo kết quả điều tra cuối năm 2016, Tây Lộc có 69 hộ nghèo, đa phần là già cả neo đơn, không có đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định, gần như họ không có khả năng thoát nghèo. Hàng năm, từ các nguồn hỗ trợ, UBND phường Tây Lộc đặt tiêu chí sửa chữa nhà cửa cho 5 - 7 hộ nghèo nhưng cũng chỉ ở mức cải thiện phần nào nhà ở còn cuộc sống của họ hết sức khó khăn do không có tư liệu sản xuất, thiếu vốn và cũng không đủ khả năng để kinh doanh sinh lợi.
Từ năm 2008 - 2012, một số hộ dân cửu vạn, làm nhà tạm bợ tại một số vị trí đất thuộc khu vực bảo tồn di tích thành cổ và các hộ dân vạn chài lênh đênh trên sông Hương, sông Bạch Đằng… đã được về tái định cư tại 2 phường Phú Hậu và Hương Sơ. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, cuộc sống của họ cũng đang gặp muôn vàn khó khăn do không có trong tay tư liệu sản xuất, thiếu vốn; một số vẫn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại...
Văn Dũng
Từ khóa:
-
Hà Nội thí điểm điều chỉnh giao thông tại nút Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi: Hiệu quả bước đầu
24-01-2025 08:00 50
-
Chợ hoa mỗi năm chỉ họp một lần: Đông khách ngắm, vắng người mua
23-01-2025 16:42 59
-
Cảnh giác chiêu lừa giả danh nhân viên đăng kiểm
23-01-2025 14:35 19
-
Hà Nội: Nút giao Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến bớt 'ngộp thở'
22-01-2025 11:40 44
-
Hà Nội: Tàu điện trên cao cũng chen chúc
22-01-2025 09:30 59
-
Hà Nội: Tiểu thương thức trắng đêm, cây Tết vẫn ế ẩm
21-01-2025 14:53 58
English Review
Economic recovery is losing steam, new ILO report says
English Review | 22-01-2025 09:10 31