Xã hội
TP.HCM: Các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập đang nuôi dưỡng, chăm sóc 3.176 đối tượng
08:45 AM 22/06/2024
(LĐXH) - Ngày 19/6, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM tổ chức Hội nghị giao ban 6 tháng đầu năm các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 trên địa bàn TP.HCM.

Ông Nguyễn Tăng Minh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH phát biểu tại hội nghị.

Đến dự có các ông Nguyễn Tăng Minh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH; Thượng tá Bùi Quang Tài, Phó Trưởng phòng PC06, Công an TP.HCM cùng đại diện Ban Tôn Giáo, Sở Nội vụ thành phố; đại diện Bảo hiểm xã hội TP.HCM,.. và hơn 120 đại biểu là lãnh đạo các phòng, ban thuộc Sở; lãnh đạo các tổ chức, hội là cơ quan chủ quản cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập và phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện, thành phố Thủ Đức,..

Theo ban tổ chức, hiện TP.HCM đang quản lý 63 cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập, trong đó có 22 cơ sở do UBND thành phố quản lý và 41 cơ sở do UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức quản lý. Hiện các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 3.176 đối tượng (người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em khuyết tật, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em và phụ nữ mang thai ngoài ý muốn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt...).

Quang cảnh hội nghị.

Các đối tượng tại các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập được đảm bảo về đời sống vật chất, tinh thần, học văn hóa, học nghề… với mức sinh hoạt phí từ 1.920.000 đồng người/tháng trở lên, đối với trẻ em dưới 4 tuổi từ 2.400.000 đồng người/tháng trở lên đảm bảo hơn tiêu chuẩn được Nhà nước quy định.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở LĐ-TB&XH thành phố đã chỉ đạo, triển khai nhiều văn bản đến các cơ sở như về công tác cấp mã định danh cá nhân cho diện nhân khẩu đặc biệt, thẩm quyền ban hành quy chế tổ chức, hoạt động và giải thể, tổ chức hoạt động kỷ niệm “Ngày Công tác xã hội Việt Nam” lần thứ 8 năm 2024 trên địa bàn TP.HCM, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực nuôi con nuôi, thực hiện phiếu tự kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về trợ giúp xã hội tại các cơ sở trợ giúp xã hội….và nhiều công tác quan trọng khác.

Các đại biểu phát biểu tại hội nghị

Đặc biệt, từ tháng 4/2023 đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác 1878 của thành phố trong việc chỉ đạo, triển khai, rà soát, thu thập dữ liệu dân cư, cấp định danh cá nhân (ĐDCN) và Căn cước công dân (CCCD) cho các đối tượng diện nhân khẩu đặc biệt tại các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập. Tính đến ngày 10/6/2024 có 1.352/1.467 đối tượng có ĐDCN/CCCD và 113/1.467 đối tượng chưa có ĐDCN/CCCD.

Tại hội nghị, ban tổ chức đã nhận được  25 ý kiến xoay quanh các nội dung: về mức hưởng và cấp riêng bảo hiểm y tế (BHYT) riêng cho các đối tượng khuyết tật nặng, đặc biệt đang cư trú trong các cơ sở; tổ chức các buổi định hướng nghề chăm sóc người cao tuổi cho sinh viên, người lao động; thủ tục đăng ký thường trú và mã định danh cá nhân cho trẻ gặp nhiều khó khăn trong quá trình đăng ký trên Cổng thông tin dữ liệu Quốc gia…

Các đại biểu phát biểu tại hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Tăng Minh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố, gửi lời cảm ơn sâu sắc, chân tình đến các các sơ, các thầy, các tổ chức, cá nhân đã và đang trực tiếp thực hiện công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng là trẻ em, người cao tuổi, các đối tượng yếu thế cần sự trợ giúp của xã hội, đã không ngại khó khăn, vất vả để xây dựng TP.HCM văn minh – hiện đại - nghĩa tình và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Đồng thời ông Nguyễn Tăng Minh đề nghị, các cơ sở chủ động nghiên cứu các quy định hiện hành để đảm bảo công tác tiếp nhận đối tượng mới đúng quy định, đúng thẩm quyền.

Nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ sở báo cáo trực tiếp cơ quan quản lý nhà nước: Đối với các cơ sở tiếp nhận đối tượng trước khi được thành lập và cấp phép hoạt động các cơ sở khẩn trương rà soát, có báo cáo và lập danh sách có xác nhận của cơ quan chủ quản gửi về Phòng LĐ-TB&XH đối với cơ sở cấp quận, huyện và gửi về Sở LĐ-TB&XH thành phố đối với các cơ sở cấp thành phố quản lý,..

Riêng công tác cấp mã định danh cá nhân và CCCD, các cơ sở cần phối hợp chặt chẽ với công an địa phương, Ban chỉ đạo Đề án 6 phường, xã, thị trấn, trong quá trình thực hiện có khó khăn vướng mắc kịp thời báo cáo ngay về Sở LĐ-TB&XH để phối hợp có phương án giải quyết,... Cùng với đó, các cơ sở cũng cần phải quan tâm và chủ động, khẩn trương phối hợp với lực lượng chức năng nhằm đảm bảo thực hiện đảm bảo các quy định như phương án phòng cháy và chữa cháy, trang thiết bị, diễn tập phòng cháy và chữa cháy và thoát hiểm khi xảy ra sự cố; trong tháng 9 Sở sẽ tổ chức tập huấn cho các cơ sở về công tác tiếp nhận, quản lý hồ sơ…những vấn đề liên quan đến đối tượng.

 

Trương Đăng