Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các nội dung công tác chủ yếu trong lĩnh vực việc làm
(LĐXH)- Chiều ngày 5/1/2023, tại Hà Nội, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh tham dự và chủ trì Hội nghị.
Báo cáo kết quả tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2022, Phó Cục trưởng Cục Việc làm Nguyễn Thị Quyên cho biết, thị trường lao động Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022 vẫn bị tác động tiêu cực của đại dịch Covid 19 nhưng mức độ đã giảm đi rất nhiều. Chuyển dịch cơ cấu lao động diễn ra theo hướng tích cực. Chất lượng việc làm được cải thiện. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng. Tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm được cải thiện.
Năm 2022, vượt lên nhiều khó khăn, thách thức, toàn thể lãnh đạo, cán bộ, công chức của Cục Việc làm đã đoàn kết, nỗ lực triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các nội dung công tác chủ yếu trong lĩnh vực việc làm.
Việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cơ bản đã đáp ứng yêu cầu về chất lượng và thời gian theo quy định.
Ngay khi có văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của Bộ, Cục đã có sự chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban ngành Trung ương và địa phương trong việc tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động. Về cơ bản, Cục đã tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ của Chính phủ, của Bộ giao.
Trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước đối với việc thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước, Cục đã chú ý triển khai thực hiện, bám sát các Nghị quyết, Nghị định, Quyết định của Chính phủ, Chỉ thị Thủ tướng Chính phủ và sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ bằng cách ban hành kịp thời, đúng quy trình các công văn hướng dẫn.
Cục đã có sự chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành Trung ương và địa phương trong việc tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện pháp luật lao động, quản lý điều hành lĩnh vực việc làm.
Về hỗ trợ phát triển thị trường lao động khi triển khai Quyết định số 08, ngày 28/3/2022 của Thủ tướng, Cục đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện; thiết kế và theo dõi hệ thống báo cáo cập nhật hàng ngày; giải đáp các khó khăn, vướng mắc của địa phương trong triển khai thực hiện; trực đường dây hotline của Bộ.
Phó Cục trưởng Cục Việc làm Nguyễn Thị Quyên trình bày
Báo cáo kết quả công tác năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023
Bên cạnh đó, Cục cũng tổ chức các đoàn làm việc với địa phương; phối hợp với Văn phòng Bộ tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với các địa phương để đôn đốc và tổng kết việc thực hiện Quyết định số 08.
Cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị trong Bộ tổ chức hội nghị của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại và bền vững, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hồi tháng 8/2022.
Về lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp, Cục thường xuyên theo dõi, nắm bắt, xử lý vướng mắc, báo cáo tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp tại các địa phương; tổ chức, phối hợp tổ chức thông tin, tuyên truyền rộng rãi các chế độ, chính sách về bảo hiểm thất nghiệp.
Về lĩnh vực quản lý lao động, theo báo cáo của Cục Việc làm, tính đến tháng 12/2022, cả nước có 119.656 lao động nước ngoài đang làm việc. Trong đó, số lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động là 9.220 người (chiếm 7,7%). Số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động là 110.436 (chiếm 92,3%), trong đó đã cấp mới giấy phép lao động cho 80.568 người và gia hạn cho 14.050 lao động.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Báo cáo, tình hình thị trường lao động có nhiều biến động, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến thị trường lao động cả nước: doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, phá sản, giải thể dẫn đến một lượng lớn người lao động phải nghỉ việc, mất việc làm.
Việc kết nối cung – cầu lao động còn hạn chế: tổ chức dịch vụ việc làm hoạt động chưa thống nhất, tính chuyên nghiệp chưa cao; thông tin thị trường lao động thiếu và bị chia cắt.
Nhìn tổng thể, thị trường lao động Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động và phát triển không đồng đều; cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn nhỏ; cầu lao động của nền kinh tế cũng chưa đủ ‘hiện đại’, chưa có đủ việc làm bền vững để đáp ứng nhu cầu việc làm phù hợp với nguyện vọng của người lao động.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Việc kết nối cung – cầu lao động còn hạn chế, vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu cục bộ ở một số địa phương, khu vực, ngành nghề; tổ chức dịch vụ việc làm hoạt động chưa thống nhất, tính chuyên nghiệp chưa cao; hệ thống thông tin thị trường lao động chưa hoàn thiện, chưa thật sự có sự kết nối về thông tin trên phạm vi giữa các ngành, vùng, trên cả nước; cơ sở dữ liệu về thị trường lao động chưa được cập nhật thường xuyên, có độ trễ lớn.
Chất lượng việc làm thấp, lao động tự làm, lao động gia đình không hưởng lương với đặc trưng là việc làm không bền vững và dễ bị tổn thương, vẫn là nhóm lao động lớn của của nền kinh tế, tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức lớn. Một số vùng có tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực phi chính thức cao là Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên. Các ngành kinh tế có tỷ lệ lao động phi chính thức cao là: Nông, lâm nghiệp và thủy sản (91%); Xây dựng (92%), Dịch vụ lưu trú và ăn uống (84,7%), Hoạt động làm thuê trong các hộ gia đình (99,6%). Các địa phương gặp nhiều khó khăn trong trong quá trình triển khai thu thập thông tin về người lao động.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh biểu dương, đánh giá cao các kết quả mà Cục Việc làm đã đạt được trong năm 2022. Thứ trưởng mong muốn Cục tiếp tục phát huy thành quả hoạt động trong năm vừa qua cho năm 2023.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh: Nhiều thời điểm khó khăn, thực tiễn đòi hỏi các giải pháp cấp bách, lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Cục Việc làm đã đoàn kết, cùng nhau vượt qua các thử thách để tham mưu cho Bộ, tham mưu Chính phủ các quyết sách lớn cho hàng triệu lao động. Nhiều nội dung tham mưu khó, cấp bách, như hỗ trợ người lao động gặp khó khăn được Đảng, Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao.
Về nhiệm vụ năm 2023, Thứ trưởng Lê Văn Thanh yêu cầu Cục Việc làm chủ động, bám sát thực tiễn trong công tác tham mưu cho Bộ, đảm bảo tính kịp thời và đầy đủ để Bộ có những quyết sách đi vào cuộc sống nhanh nhất, hỗ trợ phát triển thị trường lao động hiệu quả nhất. Đặc biệt, Cục cần tập trung hơn nữa trong việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật Việc làm sửa đổi, đảm bảo đúng tiến độ được giao.
Cùng với đó, Cục cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế để đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống thông tin phân tích dự báo thị trường lao động. Đây là một điểm yếu lớn cần được củng cố để đảm bảo nắm bắt được tình hình thị trường tốt hơn, có những tham mưu kịp thời hơn.
Đồng thời, Cục cần quan tâm hơn nữa tới việc phát triển, gắn kết hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành để hình thành mạng lưới thông tin, hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động và điều phối hoạt động của thị trường một cách thiết thực, hiệu quả.
Cục cũng cần mạnh mẽ, quyết liệt, chủ động, sáng tạo hơn nữa và phối hợp chặt chẽ, bám sát với các cơ quan liên quan trong công tác tham mưu xây dựng xây dựng thể chế, đặc biệt là trong việc phản ứng chính sách...
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Văn Thanh, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình khẳng định, năm 2023 Cục sẽ sáng tạo, quyết liệt hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ. Đồng thời, Cục trưởng Vũ Trọng Bình mong muốn lãnh đạo Bộ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong Bộ hỗ trợ Cục làm tốt hơn nữa các nhiệm vụ được giao.
Cũng tại Hội nghị này, Cục Việc làm đã vinh dự được nhận Giấy khen do Cục An ninh Chính trị nội bộ - Bộ Công An trao tặng vì có thành tích xuất sắc trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc./.
Thảo Lan
Từ khóa:
Hội nghị tổng kết công tác năm 2022
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48