Xã hội
Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh: Mô hình hiệu quả trong việc phát triển nghề công tác xã hội
11:14 AM 28/04/2017
LĐXH – Từ khi triển khai “Đề án phát triển nghề công tác xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2010-2020” (Đề án 32), việc phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) ở Quảng Ninh đã có những chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực. Thành công đó, trước hết phải kể đến sự đóng góp của cán bộ, nhân viên Trung tâm công tác xã hội.
Cán bộ Trung tâm CTXH chăm sóc đối tượng
Là một trong những cơ sở CTXH được thành lập sớm nhất trong cả nước, sau một thời gian đi vào hoạt động, đến nay Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng mô hình phát triển nghề công tác xã hội và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có 194.655 người có nhu cầu sử dụng dịch vụ công tác xã hội, gồm đối tượng bảo trợ xã hội 28.120; người cao tuổi: 15.653; người khuyết tật: 8.967; người mắc bệnh tâm thần: 3.501; 4.259 người hưởng trợ cấp chất độc hóa học và con đẻ của họ; 3.432 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 41.805 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và 78.000 người thuộc hộ nghèo và cận nghèo; 2.996 người nghiện ma tuý; 7.813 người nhiễm HIV/AIDS; 62 người mại dâm có hồ sơ quản lý; 47 người là nạn nhân bị buôn bán.... Trong khi đó, các cơ sở bảo trợ, công tác xã hội mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của đối tượng, số còn lại ở gia đình và cộng đồng rất cần sự trợ giúp...
Hiện nay, với 27 cán bộ, viên chức và người lao động (biên chế là 17 người, 10 lao động hợp đồng khoán công việc) nhưng Trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ, triển khai nhiêu mô hình dịch vụ CTXH có hiệu quả và các hoạt động có ý nghĩa trong các lĩnh vực phát triển cộng đồng, nghiên cứu khoa học... Để nắm bắt và hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng đối tượng yếu thế trên địa bàn, UBND tỉnh đã quyết định bố trí mỗi thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh có 1 cộng tác viên CTXH. Tính đến nay, Quảng Ninh đã có 1.870 cộng tác viên CTXH với nhiệm vụ rõ ràng và được hưởng phụ cấp 0,2 mức lương tối thiểu/người/tháng. Đồng thời thực hiện thí điểm thành lập Văn phòng CTXH tại 4 huyện, 8 xã và 4 trường học với 59 cán bộ, nhân viên chuyên trách và kiêm nhiệm. UBND tỉnh cũng ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quy chế phối hợp, quy trình cung cấp dịch vụ CTXH của Trung tâm CTXH tỉnh.
Tặng quà cho các đối tượng tại Trung tâm CTXH tỉnh
Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2011 đến nay, Trung tâm Công tác xã hội đã tiếp nhận và giải đáp cho 3.800 trường hợp thôngqua tổng đài tư vấn miễn phí; tư vấn trực tiếp cho 81 trường hợp đến Trung tâm, tư vấn tại cộng đồng cho 1.512 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trên 1.000 bậc cha, mẹ, hơn 1.000 đối tượng yếu thế và gia đình... Đồng thời, tiến hành quản lý trường hợp đối với trên 650 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tổ chức nhiều mô hình có hiệu quả như: Mô hình Tâm lý trị liệu trẻ em rối nhiễu tâm trí thông qua phòng khám tâm lý trị liệu cho trẻ em, khám sàng lọc cho 3.000 trẻ và đang hỗ trợ điều trị cho 100 trẻ; Mô hình Thí điểm cá nhân và gia đình nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (theo Đề án 647), đến nay có 30 trẻ được nhận nuôi, thiết lập được 75 gia đình có kỹ năng, kiến thức chăm nuôi trẻ em và sẵn sàng nhận nuôi trẻ; Mô hình Trợ giúp trẻ em có hành vi vi phạm pháp luật trong và sau giáo dưỡng với 179 học sinh được tư vấn, tạo điều kiện hòa nhập cộng đồng; Mô hình Cà phê tư vấn đã tổ chức được 18 buổi sinh hoạt chuyên đề với trên 400 đối tượng tham gia, tư vấn trực tiếp cho 74 đối tượng có nhu cầu; Mô hình Công tác xã hội trong trường học và bệnh viện đã giúp nhiều em học sinh hạn chế những suy nghĩ, hành vi tiêu và hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện...
Tuy còn một số hạn chế về chất lượng dịch vụ, kỹ năng thực hành của đội ngũ làm CTXH, trong thời gian tới cán bộ, nhân viên của Trung tâm còn nhiều việc phải tiếp tục thực hiện nhưng thông qua kết quả hoạt động trên, nhận thức của cộng đồng về nghề CTXH đã được nâng cao hơn, một số dịch vụ CTXH đã cung cấp và giải quyết các nhu cầu của các đối tượng, đáp ứng được mong muốn và nguyện vọng của nhân dân. Trung tâm CTXH tỉnh Quảng Ninh trở thành một mô hình điểm trong cả nước, góp phần  hình thành và chuyên nghiệp hóa nghề CTXH, từng bước đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn./.
D.Ngọc
Từ khóa: