Trung tâm Điều dưỡng PHCN Tâm thần Việt Trì: Đảm bảo công tác môi trường, nâng cao chất lượng chăm sóc đối tượng
Là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Điều dưỡng phục hồi chức năng tâm thần (PHCNTT) Việt Trì có chức năng, nhiệm vụ chính là tiếp nhận, quản lý, điều trị, nuôi dưỡng, PHCN cho người mắc bệnh tâm thần mãn tính theo chế độ, chính sách của Nhà nước và quy định của Bộ LĐ-TB&XH. Trung tâm có 3 phòng chức năng và 3 khoa lâm sàng với 57 cán bộ, viên chức quản lý, điều trị nội trú cho gần 250 bệnh nhân và điều trị ngoại trú cho trên 60 giường bệnh.
Bác sĩ Lương Ngọc Cương - Giám đốc Trung tâm cho biết: Khác với người bệnh thông thường, người bệnh tâm thần có những đặc điểm rất riêng biệt, họ thường có thái độ thờ ơ, lạnh nhạt và ít chú ý đến việc trả lời câu hỏi làm cho việc tiếp xúc trở nên khó khăn; dáng vẻ bề ngoài của người bệnh tâm thần kém gọn gàng, tác phong kỳ dị, khó hiểu, họ ít quan tâm và không mấy hứng thú với các hoạt động xã hội…
Hiểu được điều đó, cán bộ, viên chức của trung tâm không có thái độ kỳ thị, coi thường người bệnh mà ngược lại luôn quan tâm, động viên để họ hợp tác trong quá trình điều trị, vượt qua được những mặc cảm bệnh tật. Ở trung tâm có hai loại đối tượng, người bệnh thuộc diện bảo trợ xã hội Nhà nước đảm bảo kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng và những người bệnh điều trị luân phiên theo yêu cầu gia đình tự đóng góp kinh phí. Trung tâm đảm bảo mọi tiêu chuẩn, chế độ cho người bệnh thuộc diện bảo trợ xã hội. Người bệnh ở đây được trang cấp đầy đủ đồ dùng cá nhân... phục vụ cho sinh hoạt. Quần áo của bệnh nhân hàng ngày được thu gom, giặt giũ cẩn thận, phơi khô được cất ngăn nắp, gọn gàng.
Trung tâm xây dựng cảnh quan môi trường trong lành, nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng
Phòng ở của bệnh nhân có đầy đủ trang thiết bị phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tối đa 3 người/phòng. Bệnh nhân thường xuyên được chăm sóc sạch sẽ. Các khu sinh hoạt trong trung tâm đều có ti vi phục vụ nhu cầu thông tin, giải trí cho người bệnh. Vào các dịp lễ, tết, chi đoàn thanh niên của trung tâm còn tổ chức cho người bệnh tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao tạo được không khí vui vẻ. Ở trung tâm, mỗi người bệnh đều được theo dõi, chăm sóc sức khỏe kịp thời. Những người có biểu hiện vượng cơn thì được các y, bác sĩ trung tâm xử lý kịp thời, không để lên cơn kéo dài. Công tác phòng bệnh được chú trọng, trung tâm tổ chức phun thuốc phòng dịch và xét nghiệm công thức máu, chức năng gan định kỳ để phát hiện bệnh sớm, tránh việc lây chéo. Ngoài các thuốc chuyên khoa, bộ phận Dược của trung tâm còn tích cực tìm kiếm, bào chế được nhiều bài thuốc nam, hỗ trợ điều trị các bệnh về huyết áp, tiêu hóa, dị ứng… có hiệu quả.
Đối với chế độ dinh dưỡng, người bệnh được đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng theo thể trạng và bệnh lý. Thực đơn bữa ăn của người bệnh phong phú, các món được thay đổi hàng ngày. Những bệnh nhân yếu hoặc ăn kiêng có thực đơn riêng theo y lệnh của bác sĩ. Những ngày lễ, tết bệnh nhân được ăn thêm 15 nghìn đồng/ngày. Thực phẩm dùng cho người bệnh luôn tươi sống, có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh ATTP. Vì vậy, đa số người bệnh có sức khỏe tốt, có thể tham gia các loại hình phục hồi chức năng.
Với phương châm lấy người bệnh là trung tâm, dù trong công tác điều trị, chăm sóc hay phục hồi chức năng, trung tâm luôn đặt yếu tố an toàn về tính mạng và sức khỏe người bệnh lên hàng đầu, hạn chế tối đa những tai biến đáng tiếc có thể xảy ra. Thực hiện Đề án 1215 của Thủ tướng Chính phủ và được sự quan tâm đầu tư xây dựng của Bộ LĐ-TB&XH, từ năm 2013, Trung tâm thí điểm thực hiện và đẩy mạnh phát triển mô hình điều trị luân phiên theo yêu cầu. Việc triển khai thực hiện mô hình này không chỉ phù hợp với chủ trương xã hội hóa của Đảng, Nhà nước mà còn giải quyết những bức xúc cho gia đình các đối tượng, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; huy động được nguồn lực của xã hội trong việc chung tay trợ giúp những người mắc bệnh, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng người tâm thần tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Kết quả từ 2010 đến hết tháng 11/2018, đơn vị đã điều trị luân phiên cho trên 939 lượt, trong đó có 793 lượt đã ổn định trở về tái hòa nhập với gia đình, khám, tư vấn và điều trị ngoại trú cho 3.352 lượt bệnh nhân, trở thành một điểm đáng mừng trong công tác phục hồi chức năng và chăm sóc điều trị cho bệnh nhân. Người bệnh khi được nhận vào trung tâm đảm bảo chăm sóc toàn diện, gia đình không phải đi theo quản lý, phục vụ như ở các bệnh viện tâm thần khác. Nhờ làm tốt công tác điều trị, chăm sóc cho người bệnh nên trung tâm được gia đình người bệnh tin tưởng, số lượng bệnh nhân luân phiên ngày càng tăng. Đây là tín hiệu đáng mừng vì chính sách xã hội hóa, huy động sự chung tay góp sức của gia đình, cộng đồng trong việc điều trị, PHCN cho người bệnh tâm thần đã bước đầu được xã hội công nhận cho kết quả khả quan.
Nhằm giúp người bệnh có cuộc sống tốt, sớm ổn định, phục hồi những kỹ năng đã mất, có thể thích ứng với gia đình và cộng đồng, trung tâm đã thực hiện hỗ trợ người bệnh trên nhiều mặt về vật chất cũng như tinh thần. Trong điều kiện mức sinh hoạt hạn hẹp, trung tâm đã tổ chức cho người bệnh tăng gia cải thiện cuộc sống của chính họ. Nhiều năm nay, trung tâm đã tự cung cấp 100% rau xanh và khoảng 60% các loại thực phẩm tươi sống như: Thịt lợn, cá, thỏ… Cán bộ, viên chức của trung tâm luôn gần gũi, chuyện trò, an ủi, động viên người bệnh, giúp cho người bệnh nhận thức được bệnh tật của mình, tạo cho họ có được niềm tin với mọi người xung quanh vẫn được yêu thương, tôn trọng. Đây là một yếu tố quan trọng góp phần nâng đỡ người bệnh vượt qua mọi khủng hoảng, lo âu, tuân thủ phác đồ điều trị của các y, bác sĩ.
Song song với công tác chăm sóc đối tượng, Trung tâm cũng đặc biệt chú trọng công tác quản lý, bảo vệ môi trường, tạo không gian thoáng mát, xanh- sạch - đẹp trong đơn vị. Do số lượng đối tượng là người bệnh tâm thần không tự ý được trong sinh hoạt nên đơn vị chú trọng vệ sinh phòng ở, vệ sinh cá nhân; quy hoạch hệ thống thu gom và xử lý chất thải theo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống xử lý chất thải có công suất phù hợp với quy mô của cơ sở; Lựa chọn công nghệ xử lý chất thải phù hợp, bảo đảm chất thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Đối với chất thải rắn, chất thải y tế, được thu gom, lưu trữ, vận chuyển, xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại; Việc thu gom, lưu trữ, vận chuyển, xử lý chất thải y tế thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế.
Ngoài ra, Trung tâm có phương án thu gom, xử lý nước thải bảo đảm trước khi xả thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về nước thải; Quy hoạch xây dựng đường nội bộ, cây xanh, hành lang và cảnh quan môi trường phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm hoạt động của cơ sở.
Hồng Phượng
Từ khóa:
-
Người dân Hà Nội 'xé rào', đi ngược chiều trên đường Lê Quang Đạo
13-01-2025 13:46 21
-
Mang chim thú, cây lạ về nhà, coi chừng phạm pháp
13-01-2025 13:46 10
-
Chương trình Tết đồng bào 2025: Mang Tết sớm đến với đồng bào vùng cao huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng
13-01-2025 12:22 32
-
Quảng Nam: Năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đạt 58%
10-01-2025 19:53 48
-
BHXH TP.HCM không tổ chức làm việc ngoài giời vào sáng 11/1/2024
10-01-2025 19:53 38
-
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà Tết Ất Tỵ đối tượng chính sách khó khăn huyện Lý Nhân
10-01-2025 08:02 32