Từ tư tưởng Hồ Chí Minh suy nghĩ về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên hiện nay
(LĐXH)- Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, hơn ai hết Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rất rõ vị trí, vai trò của cán bộ, đảng viên và sức mạnh nền tảng của đạo đức cách mạng.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên
Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta. Trong các bài giảng tại lớp huấn luyện cán bộ đầu tiên chuẩn bị thành lập Đảng ở Quảng Châu được tập hợp trong tác phẩm Đường cách mệnh, thì vấn đề đầu tiên Người nói là về đạo đức, về tư cách của người cách mệnh.
Hồ Chí Minh khẳng định muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa. Tiêu chuẩn hàng đầu của con người xã hội chủ nghĩa là phải có đạo đức cách mạng, bởi như Người đánh giá mối quan hệ giữa đức và tài, có đức mà không có tài thì thành người vô dụng, nhưng có tài mà không có đức thì còn trở thành kẻ phá hoại, do đó, đức phải được đặt lên trước tiên. Trong chăm lo, xây dựng con người mới, theo Người trước tiên phải chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đạo đức cách mạng.
Mọi người Việt Nam đều phải quan tâm rèn luyện đạo đức cách mạng, trong đó Người đặc biệt chú ý đến thanh niên và đội ngũ cán bộ, đảng viên: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”; “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Không phải ngẫu nhiên mà một người ưa sự cô đúc, ngắn gọn như Hồ Chí Minh lại nhắc lại đến bốn từ “thật” trong một đoạn văn ngắn, thể hiện tầm quan trọng của những điều mà Người đã căn dặn. Thật là đối lập với sự giả dối. Thật sự là đối lập với sự qua loa, nửa vời, không đến nơi đến chốn.
Người đặc biệt chú ý đến việc xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên vì tầm quan trọng của đạo đức cách mạng đối với thực hiện các nhiệm vụ cách mạng: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Đạo đức cách mạng là sức mạnh để lôi cuốn nhân dân làm theo những gì cán bộ, đảng viên muốn tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện. Có đạo đức cách mạng thì cán bộ, đảng viên mới thực sự toàn tâm, toàn ý phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, thực hiện tốt sứ mệnh cao cả của Đảng ta là giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người”.
Không chỉ khẳng định tầm quan trọng của đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên, mà Hồ Chí Minh còn chỉ rõ nội dung của đạo đức cách mạng là gì. Người khẳng định: “Đạo đức cách mạng của người đảng viên là bất kỳ khó khăn đến mức nào cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, làm gương mẫu cho quần chúng. Mọi đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng; phải ngăn ngừa và kiên quyết chống lại chủ nghĩa cá nhân.
Trong Di chúc, Hồ Chí Minh đưa ra nội hàm chính của đạo đức cách mạng cách mạng đối với cán bộ, đảng viên là đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Thực trạng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên
Thực hiện Di chúc và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn chú ý chăm lo công tác giáo dục - đào tạo cán bộ, đặc biệt là về mặt phẩm chất đạo đức. Từ đó, đạo đức cách mạng của đa phần cán bộ, đảng viên được xây dựng, rèn luyện và giữ gìn. Đa số cán bộ, đảng viên vẫn giữ được phẩm chất đạo đức, tư cách người cán bộ cách mạng, không ngại khó, ngại khổ, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác, đấu tranh chống lối sống thực dụng, cách sống trái với đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Nhiều cán bộ, đảng viên phát huy tính gương mẫu, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, tích cực rèn luyện, học tập, nâng cao trình độ, năng lực, nêu cao ý thức kỷ luật, tự giác chấp hành qui định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, kiên trì tìm tòi những biện pháp, cách làm mới có hiệu quả trong công việc. Nhiều cán bộ, đảng viên có lối sống lành mạnh, khiêm tốn, trong sạch, gần gũi với quần chúng, quan tâm đến lợi ích của quần chúng. Những thành công của sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam hơn 30 năm qua một phần do chúng ta đã xây dựng và rèn luyện được một đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ bản giữ được đạo đức cách mạng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức, hành động trái với đạo đức cách mạng. Tại Hội nghị Trung ương 9 khóa X, Đảng ta đã nhấn mạnh: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu chưa được ngăn chặn, đẩy lùi”.
Gần đây, tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, đứng trước yêu cầu của thực tiễn và tầm quan trọng của vấn đề xây dựng đạo đức cách mạng, Đảng ta đã ra Nghị quyết riêng về ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Điều này cho thấy có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay không giữ được đạo đức cách mạng đã làm ảnh hưởng xấu đến năng lực, sức chiến đấu của Đảng, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ.
Biểu hiện thiếu đạo đức cách mạng của một bộ phận cán bộ, đảng viên thể hiện ở sự giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, thờ ơ, vô trách nhiệm đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước. Họ ngại khó, ngại khổ, trốn tránh những công việc khó khăn nhưng không có nhiều lợi ích, trốn tránh công tác ở vùng sâu, vùng xa, không đặt lợi ích của tập thể, đất nước lên trên lợi ích cá nhân. Thậm chí một số cán bộ, đảng viên bị tiền tài và danh vọng cá nhân chi phối tư duy và hành động của họ. Cái gì có lợi cho họ thì họ hăng hái, tích cực triển khai thực hiện, nhưng cái gì có lợi cho tập thể, cho xã hội mà không đem lại lợi ích trực tiếp cho họ thì họ chần chừ, đùn đẩy trách nhiệm, không tích cực thực hiện.
Họ đem lợi ích cá nhân vào trong công việc, dùng mọi thủ đoạn để tranh quyền lợi và địa vị, quyền lực chính trị, dùng quyền lực và quyền hạn của mình tìm những khe hở của chính sách, pháp luật để tìm cách vô hiệu hóa pháp luật, làm giàu bất chính. Hiện tượng lợi dụng chức vụ, địa vị công tác mưu lợi ích riêng không chỉ là hiện tượng cá biệt mà đã mang tính phổ biến, thậm chí móc nối với nhau rất tinh vi và có tính chất tập thể cấu kết với nhau từ trên xuống dưới, che chắn cho nhau để thực hiện lợi ích nhóm. Chính vì vậy, số vụ tham nhũng có qui mô ngày càng lớn, tham nhũng từ những dự án hàng nghìn tỷ đồng của cán bộ, đảng viên nắm giữ nhiều của cải, tài sản của quốc gia đến cả những hành động tham nhũng vặt, bòn rút từ nhân dân...
Để thực hiện tốt hơn lời dạy của Bác Hồ về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên
Những hạn chế, tiêu cực về mặt đạo đức của cán bộ, đảng viên trong thời gian qua một mặt do tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, mặt khác do một số cán bộ, đảng viên thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, phẩm chất đã để cho những cám dỗ vật chất, những “viên đạn bọc đường” làm cho hủ hóa, mất phẩm chất đạo đức cách mạng. Bên cạnh đó, “công tác giáo dục chính trị, tư tưởng còn nhiều hạn chế, thiếu sót... Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống còn chung chung, kém hiệu quả”, cộng với công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra từ phía các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước và nhân dân còn nhiều hạn chế, bị buông lỏng khiến cho sự suy thoái đạo đức cách mạng của một bộ phận cán bộ, đảng viên không được ngăn chặn hiệu quả.
Chính vì vậy, để thực hiện tốt hơn tư tưởng và lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên hiện nay, chúng ta cần nâng cao chất lượng giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy Đảng cần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả, tính thiết thực trong thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới cả về nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên về mặt đạo đức, tư tưởng, lối sống, tránh hình thức, làm cho qua chuyện.
Cùng với đó, cần tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát gắn với cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực; tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của các cấp, các ngành, các đoàn thể và nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng đối với cán bộ, đảng viên.
Cần có hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời với những cán bộ gương mẫu, đi đầu trong thực hiện đạo đức cách mạng.
Để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên về mặt đạo đức cách mạng thì phải coi trọng đạo đức cách mạng. Mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức tùy công việc, lĩnh vực hoạt động cần cụ thể hóa tiêu chí về đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị mình.
Trong công tác cán bộ, từ đánh giá, kiểm tra, qui hoạch, bổ nhiệm, bố trí sử dụng cán bộ đều phải đặc biệt coi việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là tiêu chí quan trọng hàng đầu. Đồng thời, trong biểu dương, khen thưởng cán bộ, đảng viên cần chú ý khen thưởng những cán bộ, đảng viên không chỉ có năng lực, tài năng mà còn phải gương mẫu trong đạo đức cách mạng./.
Thảo Lan
Từ khóa:
-
Ngày phở của Đoàn thanh niên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với đối tượng yếu thế tại Bắc Giang
23-11-2024 12:13 38
-
Gặp gỡ nhóm người treo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh nhà thờ Đức Bà ở Paris năm 1969
19-11-2024 14:09 02
-
Chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024”: Tôn vinh các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
16-11-2024 12:05 10
-
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Giáo dục truyền thống cho các thế hệ hiện tại và tương lai về ngành
07-11-2024 10:41 00
-
Khơi dậy lý tưởng cách mạng của lực lượng cán bộ trẻ hướng tới phát triển tổ chức Đảng vững mạnh
25-10-2024 10:04 18
-
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật
05-11-2024 14:56 51