Wirecard, công ty fintech thuộc nhóm 30 công ty blue-chip của Đức, nộp đơn xin phá sản vì bê bối số liệu tài chính.
Wirecard: “Ngôi sao fintech” cũng bê bối số liệu doanh thu
Wirecard là nhà phát triển phần mềm và hệ thống thanh toán trực tuyến và bảo vệ gian lận được sử dụng trên Internet, xử lý giao dịch thanh toán.
Theo Bloomberg, Wirecard đã phình to nhanh chóng bằng cách mua lại ít nhất 18 công ty trong nhiều năm qua, đạt 2,4 tỉ đô la doanh thu trong năm 2018.
Cùng năm đó, Wirecard “ngạo nghễ” thay thế Commerzbank, lọt vào top 30 cổ phiếu blue-chip trên sàn chứng khoán của Đức, xếp chung “mâm” với nhiều gã khổng lồ như Volkswagen AG, Siemens AG, và Deutsche Bank AG.
Vậy mà, trong những ngày này, thị trường tài chính quốc tế lại đang "rung chuyển" với bê bối số liệu tài chính tại Wirecard.
Là đơn vị kiểm toán cho Wirecard trong suốt nhiều năm, Ernst & Young (EY) đã từ chối ký xác nhận báo cáo kiểm toán năm 2019 vì không thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán phù hợp đối với khoản tiền mặt 1,9 tỉ euro, tương đương với khoảng 2,2 tỉ đô la.
Quyết định này đã kéo theo một loạt các sự kiện chấn động sau đó, bắt đầu là việc chính Wirecard cũng phải thừa nhận không thể xác định được khối tiền mặt hàng tỉ đô la đang ở đâu.
Đến ngày 25-6, “ngôi sao” fintech của Đức đã nộp đơn phá sản, còn nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Markus Braun thì bị bắt trong nghi vấn thổi phồng con số để thu hút các nhà đầu tư.
Thống kê của Bloomberg cho thấy, giá trị cổ phiếu của Wirecard AG trên sàn chứng khoán nhanh chóng sụt giảm kể từ khi vụ bê bối bắt đầu vào ngày 17-6 vừa qua. Giá trị thị trường của Wirecard tính đến ngày 26-6 chỉ còn gần 174 triệu đô la, quá khiêm tốn so với con số định giá 28 tỉ đô la cách đây 2 năm.
Bê bối này còn mở đường cho những cuộc kiện tụng tiếp nối theo sau. EY cáo buộc khách hàng của mình đã thực hiện "một vụ gian lận tinh vi và phức tạp". Ngược lại, phía nhà đầu tư mới đây lại kiện EY đã thất bại trong việc cảnh báo sớm cho nhà đầu tư. Tờ Bloomberg nhận định rằng nhiều giám đốc điều hành, quan chức ngân hàng, kiểm toán viên và các nhà quản lý có thể bị buộc tội vì tác động rộng lớn của Wirecard.
Cho tới vụ việc Huy Nhật giả mạo thông tin lừa nhà đầu tư
Trước đó, vào ngày 17-4, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Công ty TNHH MTV Horizon Property Group (số 16 Thảo Điền, phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM) do ông Huy Nhật làm giám đốc.
Trong quá trình làm việc, ông Huy Nhật đã cử ông Nguyễn Lương Hoàng, Giám đốc Công ty Horizon Việt Nam, nhiều lần tổ chức các buổi giới thiệu dự án ở nước ngoài, thuyết minh các chỉ số lợi nhuận của một bất động sản nghỉ dưỡng, cung cấp các báo cáo chi tiết về dự án, sản phẩm, doanh số bán ra.
Theo báo cáo thuyết minh dự án có quy mô 162 ha tại Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên - Huế), với tổng vốn đầu tư 543,5 triệu đô la, dự án được quảng cáo là có lời (EBIT) đến 36,3 triệu đô la ngay từ năm thứ 3 hoạt động.
Nguồn số liệu trong báo cáo đều được ghi là: “phân tích bởi Bộ phận đầu – Tập đoàn bất động sản Huy”. Sau này các nhà đầu tư xác minh lại, thì những thông tin trong báo cáo đều là giả mạo, kể cả việc sở hữu quyền sử dụng khu đất ở Lăng Cô.
“Toàn bộ câu chuyện do ông Huy Nhật đã vẽ nên nhằm mục đích dụ dỗ nhà đầu tư bỏ tiền vào các công ty của ông để thực hiện dự án không có thật, sau đó rút hết tiền mà không sử dụng cho dự án”, đơn tố cáo của bốn nhà đầu tư nêu vấn đề.
Chuỗi nhà hàng Món Huế đóng cửa hàng loạt vào tháng 10 năm ngoái nhưng sau đó vẫn có những giao dịch chuyển nhượng, được nhà đầu tư xác định là "tẩu tán" tài sản. Ảnh: DealStreetAsia
Bên cạnh vụ án lừa đảo về dự án bất động sản ở Lăng Cô, Huy Nhật và cộng sự hiện còn đối mặt với vụ kiện của nhóm cổ đông chuỗi nhà hàng Món Huế, với nhiều yếu tố và hành vi mang tính lừa đảo tương tự.
Theo nhà đầu Hồng Kông đã rót khoảng 1.390 tỉ đồng (hơn 609 tỉ đồng tăng vốn điều lệ và 781 tỉ đồng cho vay) để mở rộng và phát triển chuỗi Nhà hàng Món Huế, Huy Nhật và cộng sự đã giả mạo thông tin báo cáo để gọi vốn, tình hình tài chính trong nhiều năm qua.
Cụ thể, theo báo cáo gần đây thì tình hình kinh doanh từ cuối năm 2018 đến năm tháng 10-2019 vẫn còn rất thuận lợi. Theo đó, giá trị tài khoản tiền mặt của Món Huế tăng từ mức hơn 1.074 tỉ đồng vào ngày 21-11-2018, đã lên mức 1.988 tỉ đồng vào thời điểm 30-7-2019.
Khoản tiền mặt tăng vọt trong thời gian dài đã khiến các nhà đầu tư ngoại mất cảnh giác. Tuy nhiên, sau khi thông tin đóng cửa chuỗi Món Huế rộ khắp mặt báo vào tháng 10 năm ngoái, nhà đầu tư Hồng Kông kiểm tra lại thì thấy tài khoản ngân hàng ghi trong báo cáo trên thậm chí không tồn tại trong hệ thống của nhà băng.
Nhà đầu tư này khẳng định rằng Huy Nhật cùng nhóm quản lý của chuỗi Món Huế đã làm giả các giấy tờ khi cung cấp số liệu cho nhà đầu tư và nhiều dữ liệu quan trọng khác trong các thương vụ chuyển nhượng trăm tỉ dự án bất động sản hay các thương hiệu thực phẩm nhượng quyền.
Đáng chú ý hơn, Huy Nhật và các cộng sự còn bị cáo buộc làm giả giấy tờ (cụ thể là chữ ký ông Salamatian, thành viên HĐQT của Huy Cayman) để tự ý chuyển đổi khoản vay 17,5 triệu đô la thành vốn góp cổ phần của Món Huế.
Câu chuyện của Wirecard cũng như Huy Nhật, thêm lần nữa cho thấy những rủi ro của nhà đầu tư khi rót tiền vào những “ứng cử viên” tiềm năng.
Việc giả mạo hay che giấu thông tin tài chính để gọi vốn, báo cáo các nhà đầu tư là chuyện diễn ra thường xuyên và phổ biến ở khắp các quốc gia. Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Tuy nhiên, vấn đề là nếu không xử lý nghiêm minh và có những giải pháp triệt để, những vụ lừa đảo này sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư trong dài hạn dẫn đến việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ cảnh giác và không còn rót vốn vào thị trường Việt Nam trong tương lai. Việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhà đầu tư Hồng Kông lo bị Huy Nhật tẩu tán tài sản
Xác định nhiều yếu tố cho thấy có dấu hiệu của hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", nhà đầu tư Hồng Kông đã chuyển hồ sơ tới cơ quan công an để xem xét trách nhiệm của Huy Nhật và cộng sự.
Năm 2017, Huy Việt Nam, thông qua Huy Nhật và món Huế, đã chi hơn 316 tỉ đồng (hơn 14,4 triệu đô) nhận chuyển nhượng khu đất tại Long An. Tuy nhiên, sau đó, Món Huế lại là pháp nhân được nhận chuyển nhượng.
Sau này Huy Hồng Kông xác minh lại rằng hợp đồng của Huy Việt Nam không có pháp lý (không được công chứng mà chỉ có dịch thuật và xác nhận bởi công ty luật ở Việt Nam) bên cạnh con số định giá giả mạo cao gấp 7-10 lần so với giá thị trường.
Đến ngày 14-10-2019, ở thời điểm thị trường còn bất ngờ với việc hàng loạt nhà hàng đóng cửa, thì Món Huế (bà Ngô Thị Mỹ Hạnh là đại diện pháp luật) lại âm thầm chuyển nhượng khu đất Long An cho Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Duy Nhất Việt.
Công ty này mới thành lập vào tháng 7-2019, thuộc sở hữu của ông Nguyễn Phước Quý Thân và Nguyễn Phước Quý Thuận.
Theo tìm hiểu, ông Thân và ông Huy Nhật là thành viên của công ty TNHH Huy Nguyễn Triều (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Ngoài ra, ông Thân còn có tên trong Công ty TNHH Bất động sản Phong Huy, Công ty TNHH MTV Phát triển Địa ốc Lăng Cô và nhiều doanh nghiệp khác.
Do đó, nhà đầu tư Hồng Kông đặt vấn đề Huy Nhật đang cố gắng chuyển tài sản của Món Huế là khu đất Long An cho bên công ty thứ 3 có mối quan hệ đặc biệt với ông Huy Nhật.
Được biết Huy Hồng Kông là chủ sở hữu duy nhất của Công ty TNHH chế biến thực phẩm Huy Việt Nam (Huy Vietnam) và là thành viên góp vốn của Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế (thành lập năm 2007) với 2 thành viên khác trong tập đoàn là Huy Việt Nam và Huy Vietnam Group Limited (Huy Cayman).
Phong An
-
Tết vui cùng Pumabooks: Lan tỏa giá trị lì xì sách
12-01-2025 14:56 07
-
MobiFone được đề xuất giao cho Bộ Công an quản lý
12-01-2025 13:32 57
-
Bỏ UpCom 'chào sàn' HoSE: Lọc hóa dầu Bình Sơn làm ăn sao?
12-01-2025 13:32 41
-
Toyota Wigo phiên bản số sàn ngừng phân phối tại Việt Nam
10-01-2025 19:53 57
-
Vinamilk phục vụ miễn phí sản phẩm cho người dân check-in tại các ga metro Bến Thành – Suối Tiên
10-01-2025 19:53 42
-
Bất động sản công nghiệp 'bứt phá' nhờ công nghệ cao và bán dẫn
10-01-2025 14:26 06