Xã hội
Tuyên Quang chủ động phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em
02:12 PM 18/06/2020
(LĐXH)- Nhiều năm qua, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, đặc biệt là việc giáo dục kỹ năng sống và phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em ở Tuyên Quang đã được các cấp, các ngành quan tâm chú trọng, góp phần giảm thiểu tình trạng tai nạn thương tích ở trẻ em.
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và cơ quan chức năng, việc nâng cao trách nhiệm phòng, chống tai nạn thương trẻ em nói riêng đã được Tuyên Quang xác định là trách nhiệm chung của cả gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Chính nhờ được trang bị đầy đủ những kiến thức pháp luật cần thiết, kỹ năng mềm về sức khỏe giới tính mà trẻ em trong tỉnh đã được sống trong môi trường lành mạnh, đảm bảo các điều kiện tốt nhất về cả thể chất và tinh thần.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Trưởng phòng Trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động – TBXH), cho biết: Tính từ năm 2015 đến nay, Sở đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức 6 lớp dạy bơi cho gần 200 trẻ em trên địa bàn thành phố Tuyên Quang và huyện Yên Sơn. Kết thúc các lớp học, 100% trẻ em biết bơi, được trang bị kỹ năng bơi, kiến thức phòng, ngừa tai nạn thương tích do đuối nước. Từ việc triển khai của Sở, các huyện, thành phố cũng đưa kế hoạch dạy bơi vào kế hoạch tổ chức các hoạt động phòng, chống đuối nước cho trẻ, nhất là các địa phương có nhiều sông suối, ao hồ. Thực hiện xã hội hóa công tác thể dục thể thao, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã xây dựng 28 bể bơi phục vụ nhân dân, đặc biệt là các lớp dạy bơi cho trẻ em trong dịp hè đã góp phần tạo sân chơi bổ ích, nâng cao sức khỏe, phòng chống đuối nước cho trẻ em.
Dạy bơi cho trẻ em ở thành phố Tuyên Quang
Đến nay, tại các trường học ở Tuyên Quang, việc xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em được triển khai hiệu quả. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan, các tổ chức đoàn thể triển khai các hoạt động can thiệp, cải tạo môi trường học tập, vui chơi nhằm giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn, thương tích trong trường học; rà soát và hoàn thiện các tiêu chuẩn Trường học an toàn. Cùng với đó, tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá công nhận các trường học đạt tiêu chuẩn Trường học an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
Thầy giáo Lê Thiếu Tráng, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Tuyên Quang trao đổi: Nhà trường đã đưa môn bơi vào hoạt động dạy học, trang bị kỹ năng sống cho học sinh. Cùng với đó, phối hợp với Câu lạc bộ Giáo dục kỹ năng sống của nhà trường để giáo dục tuyên truyền về giới tính, các biện pháp phòng, chống xâm hại trẻ em cho học sinh nhà trường… Từ đó góp phần xây dựng trường học an toàn và thân thiện cho trẻ, để trẻ phát triển tốt các năng lực và có kết quả học tập tiến bộ.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã triển khai xây dựng nhiều mô hình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Trong đó, chú trọng đến công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền, các ban, ngành đoàn thể, nhà trường, gia đình trong việc xây dựng Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, phòng ngừa các nguy cơ có thể gây tai nạn thương tích.
Đồng chí Chẩu Thị Khuyên, Phó Bí thư Huyện đoàn Lâm Bình, chia sẻ: Hàng năm vào dịp nghỉ hè, Huyện đoàn đã chỉ đạo các đoàn xã trên địa bàn phối hợp với các trường học tổ chức nhiều hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em. Trong đó trọng tâm là tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên học sinh trên địa bàn chưa được nghỉ hè. Vì vậy kế hoạch tổ chức lớp dạy bơi cho trẻ em được lùi lại dự kiến trong tháng 7 năm 2020.
Theo đánh giá của Sở Lao động - TBXH, việc triển khai hiệu quả công tác giáo dục kỹ năng sống và phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ đã góp phần giảm số vụ tai nạn đối với trẻ em trên địa bàn. Năm 2019 toàn tỉnh xảy ra 946 vụ tai nạn thương tích, giảm gần 100 vụ so với năm 2018. Tính từ đầu năm đến nay, xảy ra 167 vụ tai nạn thương tích trẻ em.
Để chủ động phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em, thời gian tới, cần có sự phối hợp hơn nữa của các cấp, các ngành, Uỷ ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc chỉ đạo và thực hiện các giải pháp đồng bộ. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng về công tác phòng, chống tai nạn, thương tích ở trẻ em, đặc biệt là tai nạn giao thông và đuối nước… Qua đó, góp phần xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, để trẻ em được phát triển toàn diện./.

Lê Hoàng

Từ khóa: