Xã hội
Ủy ban quốc gia về người khuyết tật họp đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm
10:31 AM 21/07/2016

(LĐXH) Ngày 19/7/2016, tại Hà Nội, Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam đã tổ chức cuộc họp đánh giá tình hình kết quả 6 tháng đầu năm kể từ khi có quyết định thành lập, đồng thời triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Dự và chủ trì cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Lao động –TBXH Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia, cùng các ủy viên là đại diện một số Bộ, ngành liên quan, các tổ chức hội của NKT và các tổ chức quốc tế trong thời gian qua đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho NKT Việt Nam.

 

Bộ trưởng Bộ LĐTXH Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam phát biểu khai mạc cuộc họp

 

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Lao động –TBXH Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới những người khuyết tật, thông qua việc ban hành hệ thống pháp luật chính sách tương đối đầy đủ. Cơ chế, chính sách dễ hiểu, dễ thực hiện, có tác động lớn tới việc chăm lo đời sống của NKT. Các Bộ, ngành, hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp đã tích cực triển khai công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm cho đối tượng khuyết tật. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, tại cuộc  họp này, các đại biểu tham dự tập trung cho ý kiến xung quanh việc thực hiện Dự án Hoa Kỳ tài trợ không hoàn lại 21 triệu USD cho Việt Nam để triển khai kịp thời, chính xác, tránh rủi ro, sao cho NKT được hưởng lợi nhanh nhất. Trong 6 tháng cuối năm, Ủy ban cần có báo cáo thực hiện Công ước của liên hợp quốc về quyền của NKT, những đề xuất khi thực hiện Công ước; Mỗi tổ chức hội, hiệp hội của NKT đều có thế mạnh riêng, tuy nhiên phải có sự phối kết hợp trong tổ chức và hành động, liên kết tạo sức mạnh chung có cùng tiếng nói để thực hiện tốt hơn chính sách cho NKT; thảo luận về cơ chế hoạt động của Ủy ban để có hiệu quả nhất. Đối với các tổ chức quốc tế cần quan tâm tới vấn đề dạy nghề, tạo việc làm cho NKT.

 

 

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm báo cáo một số kết quả của Ủy ban trong 6 tháng đầu năm

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH Nguyễn Trọng Đàm, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia NKT Việt Nam, mặc dù mới được thành lập chưa lâu song các thành viên của Ủy ban là đại diện các Bộ, ngành, tổ chức hội của NKT đã tích cực chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành thuộc lĩnh vực mình phụ trách phối hợp thực hiện tốt hơn chính sách đối với NKT. Những kết quả bước đầu đã góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong đời sống của NKT. Nhà nước luôn quan tâm ban hành nhiều chính sách, ưu tiên nguồn lực cho việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án trợ giúp NKT. Hoạt động trợ giúp NKT cũng đã thu hút sự tham gia của các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội. Cùng với đó là sự thay đổi về nhận thức xã hội đã giúp cho NKT tự tin, hòa nhập với đời sống xã hội. Các rào cản xã hội, rào cản giao thông từng bước giảm dần, quyền của NKT ngày càng được đảm bảo tốt hơn.

Trong công tác xây dựng văn bản, từ đầu năm 2016 đến nay, một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến NKT tiếp tục được nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện, trong đó phải kể đến Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện Công ước của liên hợp quốc về quyền của NKT, quyết định phê duyệt danh mục Dự án Thúc đẩy quyền của NKT Việt Nam do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ… Bên cạnh đó, các Bộ, ngành cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ NKT như: miễn giảm giá vé dịch vụ giao thông công cộng cho NKT, phương tiện giao thông công cộng phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận tạo điều kiện thuận lợi cho NKT tham gia…

 

 

Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi phát biểu tại cuộc họp

 

 

Học sinh khuyết tật được tạo điều kiện tham gia học giáo dục hòa nhập

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về các chính sách, đề án, chương trình trợ giúp NKT cũng được các Bộ, ngành, địa phương triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm nâng cao nhận thức về quyền của NKT và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với công tác về NKT. Điển hình như Bộ Tư pháp đã phát hành tờ gấp pháp luật cho 63 Trung tâm trợ giúp pháp lý trên phạm vi cả nước với nội dung phổ biến, truyền thông về quyền được trợ giúp pháp lý và các quyền, nghĩa vụ khác của NKT; nâng cấp trang thông tin điện tử đăng tải các bài viết về trợ giúp pháp lý cho NKT, các tờ gấp pháp luật về quyền của NKT nói chung và quyền được trợ giúp pháp lý của NKT nói riêng. Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lễ tuyên dương các nhà giáo và cán bộ quản lý tiêu biểu trong giáo dục học sinh khuyết tật toàn quốc lần thứ ba, trong đó có 194 người có thành tích xuất sắc trong giáo dục học sinh khuyết tật được vinh dự nhận Bằng khen và phần thưởng của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; tổ chức Hội thảo khoa học “20 năm giáo dục học sinh khuyết tật Việt Nam” và Hội thảo “Đối thoại về chính sách giáo dục hòa nhập có sự tham gia của trẻ em gái và phụ nữ khuyết tật”. Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam trong 6 tháng qua đã phối hợp với Bộ Lao động – TBXH tổ chức Hội nghị biểu dương NKT, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ V; trong dịp kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4 đã vận động được hơn 22 tỷ đồng để triển khai các hoạt động trợ giúp NKT. Hội Nạn nhân chất độc da cam dioxin Việt Nam đã vận động được 74,5 tỷ đồng, trong đó cấp trung ương vận động được 1,5 tỷ đồng và các địa phương vận động được 73 tỷ đồng hỗ trợ làm nhà ở, cấp học bổng, trợ cấp tìm việc làm, phục hồi chức năng cho NKT là nạn nhân nhiễm chất độc da cam.

 

 

Các đại biểu tham dự

Với mục tiêu nâng cao hơn nữa đời sống cho các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có NKT, Bộ Lao động – TBXH đã hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện quy định trợ cấp xã hội hàng tháng ở cộng đồng và công tác nuôi dưỡng tập trung trong các cơ sở bảo trợ xã hội; nâng mức trợ cấp xã hội theo quy định tại Nghị định 136/2013/NĐ-CP. Hiện tại, cả nước có trên 896 nghìn NKT nặng và đặc biệt nặng, 69 nghìn gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Cả nước cũng đã hình thành, phát triển được 67 cơ sở trợ giúp NKT, cung cấp dịch vụ, phục hồi chức năng, hướng nghiệp dạy nghềcông tác xã hội đối với những NKT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. NKT sống trong các Trung tâm BTXH đều được các địa phương nâng mức trợ cấp, mức tiền ăn lên gấp từ 1,5- 2 lần chính sách chung của Nhà nước.

Bên cạnh đó, Bộ Lao động – TBXH đã chỉ đạo các địa phương triển khai công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho NKT như: Rà soát, cập nhật, xác định nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó có NKT, phê duyệt danh mục nghề đào tạo trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng; tổ chức xây dựng, phê duyệt chương trình giáo trình, tài liệu đào tạo, xác định cụ thể các chỉ tiêu, nhiệm vụ hỗ trợ đào tạo nghề cho NKT hàng năm và 5 năm; xây dựng, phê duyệt mức chi phí đào tạo đối với từng nghề, mức hỗ trợ cụ thể đối với từng đối tượng theo quy định tại Quyết định 46/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Các Trung tâm dịch vụ việc làm đã tích cực tổ chức các ngày hội việc làm, các phiên giao dịch việc làm lồng ghép, góp phần tư vấn, tìm kiếm và giải quyết việc làm cho NKT, giúp họ hòa nhập cộng đồng.

Các hoạt động chăm sóc y tế, giáo dục cho NKT cũng có nhiều chuyển biến đáng kể. Hiện nay 100% NKT thuộc các hộ nghèo được cấp thẻ BHYT. Bộ Y tế đã triển khai khám sàng lọc, phát hiện dị tật trước và sau khi sinh, phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ khuyết tật tại các tỉnh, thành phố. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành thử nghiệm Bộ công cụ “Theo dõi sự phát triển của trẻ mầm non nhằm phát hiện sớm trẻ khuyết tật”; bổ sung hoàn thiện cơ sở dữ liệu thống kê về giáo dục NKT và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vào hệ thóng thông tin quản lý giáo dục quốc gia và phần mềm phổ cập giáo dục; xây dựng Bộ công cụ đánh giá sự tiến bộ của học sinh khuyết tật, tập trung vào kĩ năng biểu đạt, đọc, viết và tính toán.

Trong lĩnh vực tiếp cận giao thông, công trình công cộng, các địa phương tiếp tục thực hiện chính sách miễn giảm giá vé cho NKT khi tham gia, điển hình như thành phố Hà Nội đã miến vé cho hơn 42 nghìn NKT, thành phố Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm đã miễn giảm cho 9,9 triệu lượt người thuộc đối tượng ưu tiên, trong đó có NKT. Đối với lĩnh vực đường sắt có 2.969 NKT được giảm giá vé, các ga có đông hành khách đều bố trí cửa vé ưu tiên phục vụ NKT. Tất cả các hãng hàng không thực hiện giảm giá vé 15% cho 65.754 lượt NKT. Bộ Xây dựng đã biên soạn tài liệu minh họa Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 10:2015/BXD xây dựng công trình đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng; triển khai tập huấn kỹ năng thiết kế và hướng dẫn kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng để NKT tiếp cận, sử dụng các công trình xây dựng cho các địa phương.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH Nguyễn Trọng Đàm, trong 6 tháng cuối năm, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách về dạy nghề, tạo việc làm cho NKT; chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên làm công tác NKT ở các cơ sở; phát triển đội ngũ nhân viên CTXH trợ giúp NKT; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về NKT như sửa đổi Thông tư liên tịch số 37 của liên Bộ Lao động –TBXH, Y tế, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo quy định về xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện. Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức điều tra quốc gia về NKT mẫu 24.000 hộ gia đình đại diện cho khu vực thành thị, nông thôn, 6 vùng kinh tễ- xã hội. Tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận khuyết tật, tăng cường thực hiện các chính sách trợ giúp NKT trong chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học nghề, tìm việc làm… Xây dựng kế hoạch thực hiện Dự án “Thúc đẩy quyền của NKT Việt Nam” tại 7 tỉnh (Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước). Tăng cường công tác truyền thông, phổ biến chính sách pháp luật về NKT, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của gia đình, cộng đồng xã hội đối với NKT, hỗ trợ tạo điều kiện để phát triển các tổ chức của NKT. Bố trí nguồn lực để thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật và các chương trình, đề án về NKT, đồng thời quan tâm giám sát việc thi hành chính sách pháp luật về NKT./.

 

Hồng Phượng

Từ khóa: