Xã hội
Vai trò của nhân viên công tác xã hội với thảm họa thiên tai
11:02 AM 08/10/2019
(LĐXH) – Thảm họa thiên tai là một trong những lĩnh vực trọng tâm của công tác xã hội (CTXH), trong đó nhân viên xã hội sắm vai trò quản lý thảm họa thiên tai trước, trong và sau thảm họa.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, Việt Nam, một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH
Tại Hội thảo Công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu do Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là vấn đề được toàn nhân loại quan tâm bởi nó đã, đang và sẽ tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội và môi trường toàn cầu, cũng đang trở thành thách thức nghiêm trọng nhất đối với quá trình phát triển bền vững của tất cả quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH.
Thống kê trong 10 năm gần đây cho thấy, các loại thiên tai như: bão, lũ, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn... đã gây thiệt hại to lớn, làm chết và mất tích hơn 9.500 người, thiệt hại về tài sản ước tính 1,5% GDP mỗi năm. Đây là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xoá đói giảm nghèo, mục tiêu thiên niên kỷ và mục tiêu phát triển bền vững. Mỗi năm Chính phủ phải chi hàng nghìn tỷ đồng để giải quyết, khắc phục hậu quả thiên tai. Chỉ tính riêng năm 2018, thiên tai đã xảy ra liên tiếp trên các vùng miền trong cả nước với 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 212 trận dông, lốc sét; 14 trận lũ quét, sạt lở đất; xuất hiện 4 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt nắng nóng, 23 đợt không khí lạnh; 30 đợt mưa lớn trên diện rộng..., gây thiệt hại về kinh tế ước tính 20.000 tỷ đồng, làm gần 300 người chết và mất tích. Thiên tai và biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động lớn đến cuộc sống của các nhóm dân số dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Phát huy vai trò của nhân viên xã hội trong thảm họa thiên tai
Tại hội thảo, ThS. Nguyễn Thanh Hương – Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề CTXH: CTXH là hoạt động nghề nghiệp giúp đỡ các cá nhân, nhóm hay cộng đồng để nhằm nâng cao hay khôi phục tiềm năng của họ, giúp họ thực hiện chức năng xã hội và tạo ra các điều kiện xã hội phù hợp với các mục tiêu của họ. Đối với ứng phó với BĐKH, CTXH tập trung vào các vấn đề: Sức khỏe của người dân (Sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần); An toàn của xã hội; Các vấn đề an sinh của người dân; Các tổn thương của các nhóm yếu thế như người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người khuyết tậ, người có bệnh nan y, những gia đình nghèo, nhóm người di cư. Cùng với đó, CTXH thực hiện chức năng hỗ trợ cho cá nhân và gia đình trước, trong và sau thảm họa; Kết nối nhu cầu cá nhân tới các nguồn lực và giúp thân chủ tiếp cận nguồn lực; Ngăn ngừa tính trạng suy giám sức khỏe tinh thần và thể chất; Ngăn ngừa nguy cơ tan vỡ trong các gia đình, nhóm cộng đồng, tổ chức; Can thiệp để thay đổi hệ thống ở cấp đã vi mô và vĩ mô để cải thiện an sinh cho người dân. Trong đó, nhân viên CTXD đóng vai trò hết sức quan trọng.
ThS. Nguyễn Thanh Hương - Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề CTXH chia sẻ thông tin tại hội nghị
Nhân viên xã hội là người được đào tạo và trang bị các kiến thức, kỹ năng trong công tác xã hội, họ có nhiệm vụ: Trợ giúp các đối tượng nâng cao khả năng giải quyết và đối phó với vấn đề trong cuộc sống; tạo cơ hội để các đối tượng tiếp cận được nguồn lực cần thiết; thúc đẩy sự tương tác giữa các cá nhân, giữa cá nhân với môi trường tạo ảnh hưởng tới chính sách xã hội, các cơ quan, tổ chức vì lợi ích của cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng thông qua hoạt động nghiên cứu và hoạt động thực tiễn.  
Thảm họa thiên tai là một trong những lĩnh vực trọng tâm của công tác xã hội, trong đó nhân viên xã hội sắm vai trò quản lý thảm họa thiên tai trước, trong và sau thảm họa.  Trước khi thiên tai xảy ra, nhân viên CTXH đóng vai trò đến những nhiệm vụ phòng ngừa và giảm thiểu, cũng như nâng cao năng lực ứng phó khẩn cấp, thông qua việc chuẩn bị và lập kế hoạch, cụ thể như: Tham gia vào việc đánh giá nguy cơ cho các nhóm tổn thương tại cộng đồng, các cộng đồng dân cư có nguy cơ rủi ro cao, xác định các yếu tố về con người, nguồn lực dẫn đến thiếu năng lực ứng phó với hậu quả do tình trạng biến đổi khí hậu có thể mang tới cho địa phương; đề xuất các giải pháp chính sách để nâng cao năng lực ứng phó kể cả với con người, nguồn lực và sự hỗ trợ từ chính phủ.  Thực hiện vai trò này, nhân viên xã hội tiến hành đánh giá khả năng, sự tổn thương và nguy cơ của người dân và cộng đồng bị ảnh hưởng; Phân tích rủi ro hoặc đánh giá mối đe dọa để xác định các mối nguy hiểm và ảnh hưởng có thể có của chúng đối với cộng đồng. Từ đó, hình thành các chiến lược để giảm thiểu tổn thương cho cộng đồng. Nhân viên xã hội có nhiệm vụ xác định tổn thương cho cả cá nhân và cộng đồng; Tham gia vào việc cùng cộng đồng, cơ quan chức năng, tổ chức chuẩn bị ứng phó với thảm họa thiên tai dựa trên việc phân tích rủi ro thiên tai và liên kết tốt với các hệ thống cảnh báo sớm. Vai trò này bao gồm các hoạt động như lập kế hoạch dự phòng, dự trữ thiết bị và vật tư, xây dựng cơ chế phối hợp, sơ tán và thông tin công cộng, và các bài tập huấn luyện và khảo sát thực địa…
Trong và sau thảm họa thiên tai, nhân viên xã hội có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức nhằm hỗ trợ người dân khi thảm họa xảy ra, đồng thời cũng tham gia khắc phục thảm họa bằng cách tạo điều kiện khôi phục sinh kế, cung cấp hỗ trợ tâm lý xã hội và xây dựng năng cộng đồng hướng tới phát triển cộng đồng bền vững, cụ thể như: Phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức nhằm hỗ trợ người dân khi thảm họa xảy ra, đồng thời cũng tham gia khắc phục thảm họa bằng cách tạo điều kiện khôi phục sinh kế, cung cấp hỗ trợ tâm lý xã hội và xây dựng năng cộng đồng hướng tới phát triển cộng đồng bền vững; Xác định các nhu cầu khẩn cấp, thương tích và tử vong ngay sau thảm họa, nhân viên xã hội sẽ tiến hành thu thập thêm thông tin, đặc biệt dữ liệu sức khỏe thiết yếu để cung cấp cứu trợ y tế nhanh chóng và hiệu quả cho nhóm dân cư bị tàn phá bởi ảnh hưởng của thảm họa. Đánh giá thiệt hại được tiến hành chuyên sâu và toàn diện đối với tất cả cơ sở hạ tầng công cộng trong các khu vực bị thiệt hại thông qua sự cam kết từ chính phủ. Cung cấp đánh giá thiệt hại chính xác về số lượng nhu cầu phục hồi, và hình thành cơ sở chiến lược xây dựng và kỹ thuật quy mô lớn. Trong vai trò này, nhân viên xã hội vận động chính phủ công nhận tầm quan trọng của khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ trong việc đối phó với những thách thức to lớn của việc tái thiết….
Để hỗ trợ giảm hại do tác động của thiên tai cần nhiều lĩnh vực, ngành nghề tham gia vào, trong đó Công tác xã hội là một nghề trợ giúp hiệu quả vì trong đó, nhân viên xã hội được giao nhiệm vụ làm việc với các cá nhân và với các cộng đồng tại những vùng có nguy cơ thiên tai cao. Việc triển khai các vai trò của nhân viên xã hội trong thực tế phụ thuộc vào đặc điểm, mức độ thiên tai tại cộng đồng và cũng cần xem xét những vai trò đó phù hợp đặc điểm văn hóa vùng miền cùng năng lực của người dân, cộng đồng như thế nào. Ngoài ra cũng cần xem xét hệ thống chính sách, chương trình và mạng lưới cơ quan, tổ chức phối hợp trong lĩnh vực quản lý thiên tai nhằm đảm bảo việc thực hiện vai trò được thông suốt và mang lại hiệu quả cao nhất./.
Cảnh Hưng
Từ khóa: