Thứ Tư 22/1/2025 08:32 AM
Xã hội
Vai trò nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện
11:38 AM 13/09/2018
(LĐXH) Chiều ngày 12/9/2018, tại Hà Nội, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) đã phối hợp với Bệnh viện Lão khoa Trung ương tổ chức Hội thảo công tác xã hội (CTXH) trong bệnh viện.
Tham dự, có ông Nguyễn Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế); TS.BS Nguyễn Trung Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương; đại diện Cục Bảo trợ xã hội, các trường đại học, bệnh viện có khoa, phòng, tổ CTXH.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Hường, Trường Đại học South Carolina chia sẻ tại hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS.BS Nguyễn Trung Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương nhấn mạnh, già hóa dân số đang là vấn đề cấp bách của toàn cầu, không chỉ ở các nước phát triển mà còn là vấn đề của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, một trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Từ  năm 2011, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số, nhanh hơn so với dự báo trước đó.
Sự già hóa dân số sẽ kéo theo mô hình bệnh tật thay đổi- người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh cùng một lúc khiến cho vấn đề điều trị, quản lý, chăm sóc nặng nề hơn. Vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cần phải được thực hiện không chỉ ở bệnh viện mà còn ở gia đình và cộng đồng, trong đó CTXH thực sự phát huy được tác dụng khi đóng vai trò là cầu nối, hỗ trợ cho người cao tuổi với xã hội cả về vật chất và tinh thần.
Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, CTXH đã phát triển trở thành một nghề chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, nghề CTXH mới chỉ ở bước đầu hình thành, chưa được phát triển theo đúng ý nghĩa và tầm vóc của nó trên tất cả các khía cạnh, từ nhận thức, thể chế, mạng lưới tổ chức hoạt động, đội ngũ cán bộ, nhân viên chưa được đào tạo một cách chuyên nghiệp. Hệ thống cơ sở dịch vụ về CTXH chưa phát triển trong khi để thực hiện tốt các chính sách xã hội thì việc phát triển nghề CTXH là hết sức cần thiết, là một yêu cầu khách quan của quá trình phát triển và hội nhập quốc tế.
TS.BS Nguyễn Trung Anh cũng khẳng định, CTXH trong bệnh viện có vai trò quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa tinh thần và thể chất của người bệnh, giữa người bệnh với người thân, giữa người bệnh với những người xung quanh và với nhân viên y tế. Do đó, trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bệnh viện là nơi cần có hoạt động của CTXH nhất. Tại các nước phát triển, hầu hết các bệnh viện đều có phòng CTXH và đây là một trong những điều kiện được công nhận là hội viên của Hội các bệnh viện. Sự hỗ trợ của nhân viên CTXH đã làm tăng thêm sự hài lòng của người bệnh và gia đình người bệnh khi đến điều trị tại bệnh viện.
Năm 2010, Việt Nam chính thức công nhận nghề CTXH khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg, CTXH trong ngành Y tế cũng được hình thành ngay sau đó. Bộ Y tế đã ban hành Đề án Phát triển nghề CTXH trong ngành Y tế giai đoạn 2011-2020. Trên cơ sở đó, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cũng đang trong giai đoạn kiện toàn để thành lập Phòng CTXH.
Ông Đoàn Hữu Minh, Trưởng phòng CTXH (Cục Bảo trợ xã hội) phát biểu tại hội thảo
Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hường, Trường Đại học South Carolina chia sẻ lịch sử CTXH trong bệnh viện tại Mỹ và chuẩn thực hành CTXH trong lĩnh vực sức khỏe tại nước này, khuyến nghị cho Việt Nam. Theo PGS.TS Hường, nhân viên CTXH tiếp cận bệnh nhân không chỉ đơn thuần là một cá thể bất hạnh nằm trên giường bệnh với một loạt dấu hiệu lâm sàng mà là một cá thể có lịch sử cuộc đời, lịch sử tâm lý, xã hội, tâm linh, tôn giáo; họ sống trong môi trường xã hội với các hệ thống xã hội khác nhau như: Gia đình, nhà trường, việc làm, nơi ở, thành phố, quốc gia. Khi họ bị ốm, các hoạt động của họ bị xáo trộn, họ được chăm sóc bởi một đội ngũ các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, phục hồi chức năng, dược sĩ, nhà tâm lý... Các nguồn lực trong cộng đồng mà người bệnh có thể tiếp cận.
Vai trò của nhân viên CTXH thể hiện ở 3 khâu trước, trong và sau điều trị. Cụ thể trước điều trị, nhân viên CTXH phải sàng lọc ban đầu về bệnh nhân và gia đình, hỗ trợ cấp cứu, giải quyết khẩn; lượng giá tâm lý xã hội tổng thể cho bệnh nhân; giáo dục cho người bệnh và gia đình về bệnh và các lựa chọn điều trị khác nhau, các hậu quả và phản ứng của điều trị; hậu quả của việc từ chối điều trị; các quyền lợi của họ, các chính sách, dịch vụ trong cộng đồng. Ngoài ra, còn trợ giúp người bệnh và người nhà trong việc ra quyết định liên quan đến điều trị, bảo hiểm, quyền lợi...
Trong điều trị, nhân viên CTXH có vai trò can thiệp trực tiếp trong các trường hợp khẩn cấp, chuẩn đoán các vấn đề sức khỏe tâm thần có liên quan tới bệnh thể chất hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần chuyên biệt, tiến hành trị liệu trực tiếp hoặc giới thiệu, giúp bệnh nhân và người nhà vào viện, chuyển tuyến trong trường hợp cần thiết, giải thích các thông tin về nội quy bệnh viện... Sau điều trị, nhân viên CTXH thực hiện nhiệm vụ điều phối việc ra viện, xây dựng kế hoạch chăm sóc tại cộng đồng, điều phối trợ giúp bệnh nhân và người nhà trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng...
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đoàn Hữu Minh, Trưởng phòng CTXH (Cục Bảo trợ xã hội) cho biết, sau 8 năm triển khai thực hiện, Đề án 32 Phát triển nghề CTXH đã đạt được những kết quả quan trọng. Các văn bản pháp lý tương đối đồng bộ, hiện nay, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với các bộ, ngành lấy kiến xây dựng Luật CTXH. Bên cạnh đó, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội cũng được phát triển, mở rộng, với 418 cơ sở, trong đó có 195 cơ sở công lập và 223 cơ sở ngoài công lập. Tổng số cán bộ, nhân viên CTXH đang làm việc tại các cơ sở liên quan đến cung cấp dịch vụ CTXH và mạng lưới tại cấp xã gồm 35.000 người.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Các cơ sở xã hội đã cung cấp các dịch vụ tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý; phục hồi chức năng, dạy văn hoá, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp; chăm sóc, nuôi dưỡng cho hàng triệu lượt đối tượng, đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội cho 15% đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Trên 200.000 người làm CTXH, trong đó có trên 17.000 công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở xã hội công lập và ngoài công lập, gần 100 nghìn người làm việc tại các hội, đoàn thể các cấp (Phụ nữ, thanh niên, hội chữ thập đỏ, hội người cao tuổi, mặt trận tổ quốc, hội nông dân, liên đoàn lao động, cựu chiến binh); trên 100 nghìn cộng tác viên giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em và phát triển cộng đồng…, tạo thành một mạng lưới cán bộ, nhân viên và cộng tác viên CTXH trợ giúp các đối tượng yếu thế ở các cơ sở và cộng đồng.
Đội ngũ nhân viên CTXH có vai trò quan trọng trong hướng dẫn người bệnh
Trên cơ sở kết quả đạt được, trong thời gian tới, Bộ LĐTBXH đang tập trung xây dựng Báo cáo đánh giá tác động của chính sách để dựng Luật CTXH; tiếp tục quy hoạch mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH; đổi mới cơ chế cung cấp dịch vụ CTXH; nghiên cứu hoàn thiện giáo trình đào tạo, công tác truyền thông.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe ông Nguyễn Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) trình bày đánh giá sự phát triển ngành CTXH trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại các bệnh viện; đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình hình thành và phát triển ngành CTXH trong bệnh viện./.
Hồng Phượng
 
 
Từ khóa: