Vẫn còn nhiều bất cập trong xác định mức độ khuyết tật
(LĐXH) - Ngày 26/5, tại Hà Nội, Bộ Lao động - TBXH phối hợp với Đại học College London tổ chức Hội thảo kỹ thuật về xác định mức độ khuyết tật trên cơ sở những phát hiện và khuyến nghị của Nhóm nghiên cứu đến từ Trung tâm Nghiên cứu khuyết tật và phát triển hòa nhập Leonard Cheshire.
Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Nguyễn Trọng Đàm phát biểu tại Hội thảo
Tham dự có ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH; ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cùng đại diện các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Sở Lao động - TBXH các tỉnh, thành phố.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều bước tiến đáng kể trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền của người khuyết tật (NKT). Năm 1998, Chính phủ đã ban hành Pháp lệnh về Người tàn tật, đây là văn bản pháp luật ghi nhận quyền của NKT và các giải pháp, chính sách bảo đảm quyền đối với họ. Cùng với đó, hệ thống chính sách trợ giúp xã hội, hỗ trợ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, dạy nghề, việc làm cho NKT đã được ban hành, tạo điều kiện để NKT tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Năm 2007, Việt Nam đã ký Công ước quốc tế về quyền của NKT và năm 2010, Chính phủ ban hành Luật Người khuyết tật, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Luật NKT đã đưa ra định nghĩa và NKT, quy định 6 dạng khuyết tật, và 3 mức độ khuyết tật. Luật và các văn bản hướng dẫn đã quy định cụ thể về cách xác định mức độ khuyết tật, trong đó giao cho UBND cấp xã thành lập Hội đồng xác định khuyết tật. Việc xác định mức độ khuyết tật được thực hiện bằng phương pháp quan sát trực tiếp NKT, thông qua thực hiện hoạt động đơn giản phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày của NKT và sử dụng phiếu xác định mức độ khuyết tật gồm các tiêu chí về y tế và xã hội. Trường hợp Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật hoặc NKT hay người đại diện hợp pháp của NKT không đồng ý với kết luật của Hội đồng hoặc có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng không khách quan, chính xác thì việc xác định mức độ khuyết tật sẽ do Hội đồng Giám định Y khoa cấp tỉnh thực hiện.
Để Luật NKT được triển khai thực hiện, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2012/NĐ-CP quy định về dạng tật và mức độ khuyết tật và Thông tư liên tịch số 37 quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện. Thông tư 37 bao gồm một bộ câu hỏi công cụ sử dụng để xác định mức độ khuyết tật ở cấp địa phương cho đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi và người trên 6 tuổi. Ở mỗi một nhóm tuổi, bộ công cụ gồm 2 bảng hỏi, 1 để xác định dạng tật và 1 để xác định mức độ khuyết tật. Ở trẻ dưới 6 tuỏi, Hội đồng chỉ được xác định 3 dạng khuyết tật (vận động, nhìn, tâm thần), còn đối với người trên 6 tuổi xác định đầy đủ 6 dạng tật.
Nhóm nghiên cứu trình bày kết quả nghiên cứu
Để đánh giá chính xác việc thực hiện chính sách đối với NKT của Việt Nam, Nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu khuyết tật và phát triển hòa nhập Leonard Cheshire - Đại học College London đã tiến hành một cuộc phóng vấn tại 6 tỉnh, thành là Hà Nội, Hà Nam, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Nghệ An và Trà Vinh, trong thời gian từ tháng 9/2016 đến tháng 3/2017. Từ thực tiễn nghiên cứu, Nhóm đã đưa ra 6 phát hiện chính là:
- Số NKT nặng và đặc biệt nặng được nhận trợ cấp xã hội hiện nay ở Việt Nam còn quá ít, chỉ xấp xỉ 1% dân số ở những vùng được nghiên cứu. Con số này thấp hơn con số ước tính 2-4% của điều tra quốc gia về số NKT nặng.
- Có rất ít người tự làm hồ sơ đề nghị xác định khuyết tật. Trưởng thôn/ấp, tổ trưởng tổ dân phố thường xác định những NKT phù hợp và giới thiệu cho Hội đồng xác định khuyết tật xã và phần lớn những người này đều được xác định là khuyết tật mức độ nặng và đặc biệt nặng, được nhận trợ cấp xã hội. Bước sàng lọc không chính thức này có xu hướng chọn lọc những NKT nặng và các dạng khuyết tật quen thuộc, vì vậy dẫn đến tình trạng tỷ lệ người được hưởng lợi thấp.
- Trên thực tế, vai trò của Hội đồng xác định khuyết tật xã chỉ còn việc xác định dạng và mức độ khuyết tật. Bộ công cụ để xác định dạng và mức độ khuyết tật còn nhiều hạn chế, bao gồm nhiều câu hỏi không phù hợp với trình độ chuyên môn của Hội đồng xác định khuyết tật xã (phần lớn là những người không có kiến thức chuyên môn về y khoa). Trong đó, việc xác định dạng khuyết tật tâm thần, trí tuệ, khuyết tật khác và trẻ em khuyết tật là gặp nhiều vấn đề nhất.
- Hệ thống chấm điểm để xác định mức độ khuyết tật cũng gặp một số vấn đề. Các câu hỏi có trọng số bằng nhau trong khi số lượng câu hỏi dành cho mỗi dạng khuyết tật lại khác nhau.
- Việc tập huấn không quy định cụ thể và thiếu tính hệ thống giữa các vùng, chỉ bao gồm những người trực tiếp tham gia vào công việc xác định khuyết tật. Trong hầu hết các trường hợp, vì ngân sách còn hạn chế nên chỉ có duy nhất một người trong Hội đồng xác định khuyết tật xã được tham gia tập huấn.
- Chi phí cho công tác xác định khuyết tật và trợ cấp xã hội cho NKT được lấy từ ngân sách hàng năm của xã. Có trường hợp báo cáo ngân sách không đủ để thanh toán chi phí tới tận nhà NKT thì hội đồng khuyết tật xã chỉ cử một đến hai người đi, điều này cũng gây ảnh hưởng đến chất lượng của công tác xác định khuyết tật.
Trên cơ sở những phát hiện, Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra một số khuyến nghị sửa đổi bộ công cụ xác định khuyết tật hướng tới cách tiếp cận chức năng để thống nhất với mô hình xác định khuyết tật tại cộng đồng.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã được nghe lãnh đạo Cục Bảo trợ xã hội trình bày dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 37 và bình luận của các chuyên gia xung quanh dự thảo thay thế này.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới NKT cũng như việc triển khai thực hiện các chính sách đối với NKT hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn một só dạng tật chưa được đề cập một cách cụ thể, nổi bật nhất là dạng tự kỷ. Trong quá trình xác nhận, có nhiều nơi chưa cấp được giấy xác nhận cho NKT nhẹ nhưng họ cũng có quyền lợi được thụ hưởng chính sách. Bên cạnh đó, hệ thống tiêu chí đo đếm, đánh giá, chấm điểm còn nhiều điểm chưa hợp lý, ở nhiều địa phương cách làm chưa thống nhất, quán triệt chưa đầy đủ, có nơi còn nặng về chuyện phải đưa ra hội đồng giám định; công tác tập huấn chưa được triển khai rộng khắp.
Để khắc phục những bất cập này, Bộ Lao động - TBXH đang tiếp tục hoàn thiện, đánh giá, khảo sát, rà soát lại các quyết định, thông tư để hoàn thiện. Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cũng giao cho Cục Bảo trợ xã hội sớm trình Bộ ký ban hành Thông tư sửa đổi thay thế Thông tư 37 để phù hợp với thực tiễn./.
Hồng Phượng
Từ khóa:
-
Hà Nội thí điểm điều chỉnh giao thông tại nút Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi: Hiệu quả bước đầu
24-01-2025 08:00 50
-
Chợ hoa mỗi năm chỉ họp một lần: Đông khách ngắm, vắng người mua
23-01-2025 16:42 59
-
Cảnh giác chiêu lừa giả danh nhân viên đăng kiểm
23-01-2025 14:35 19
-
Hà Nội: Nút giao Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến bớt 'ngộp thở'
22-01-2025 11:40 44
-
Hà Nội: Tàu điện trên cao cũng chen chúc
22-01-2025 09:30 59
-
Hà Nội: Tiểu thương thức trắng đêm, cây Tết vẫn ế ẩm
21-01-2025 14:53 58
English Review
Economic recovery is losing steam, new ILO report says
English Review | 22-01-2025 09:10 31