Đói khát, mất điện, thiếu nước, tội phạm hoành hành, trường học, công sở đóng cửa, siêu lạm phát, và biểu tình, bạo loạn....là những cụm từ khắc hoạ hình ảnh hiện nay của Venezuela.
Trong tháng 5, Tổng thống Nicolas Maduro đã công bố tình trạng khẩn cấp lần thứ hai và áp dụng một trong những biện pháp có thể coi là tuyệt vọng nhất đối với một đất nước: các cơ quan chính phủ chỉ mở cửa hai ngày trong tuần để và các trường học công ở Venezuela đóng cửa vào thứ sáu để tiết kiệm điện.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là sự khởi đầu những thảm cảnh của nước này. Nhiều vùng đã thiếu cả điện lẫn nước trong nhiều tháng trời. Nhiều người không thể gọi điện ra nước ngoài vì bất đồng giữa chính phủ và các công ty điện thoại về những quy định tiền tệ và giá cước.
Khi nỗi ám ảnh về thiếu ăn còn lớn hơn cả nỗi lo về tội phạm
Theo hãng tin BBC, vào ngày 28/5, tại bang Trujilo các tay súng chưa được nhận diện đã giết 11 người, trong đó có ba vị thành niên và một công dân Colombia. Các tổ chức phi chính phủ cho biết tỉ lệ tội phạm tại đây gia tăng do "lỗi” kinh tế.
Song điều đáng ngạc nhiên, ở một đất nước nổi tiếng về bạo lực trên thế giới, người dân nơi đây lo ngại về thực phẩm hơn là tội phạm. Theo kết quả điều tra gần đây của cơ quan Datanalisis đóng tại Caracas, lần đầu tiên trong nhiều năm, tình trạng khan hiếm thực phẩm và lạm phát đã trở thành mối lo ngại lớn nhất của người dân Venezuela.
Đi tìm mua các nhu yếu phẩm cần thiết là nỗi ám ảnh đối với nhiều người dân mỗi sáng tỉnh dậy. Họ mất nhiều thời gian đi đến nhiều cửa hàng để "săn lùng” mua đồ và tàng trữ càng nhiều càng tốt. Với mức lương tối thiểu tương đương khoảng 30 USD/tháng, hầu hết người dân không còn sự lựa chọn nào khác là chùn chân xếp hàng với hy vọng mua được thực phẩm và các đồ dùng thiết yếu khác theo giá do chính phủ kiểm soát.
Các cuộc biểu tình đòi chính phủ tái cung cấp hàng cho các siêu thị đang trống trơn đã biến thành các cuộc bạo loạn ở nhiều nơi trên đất nước này. Bình luận về các cuộc biểu tình này, ông David Smilde, nhà phân tích của Văn phòng Washington về châu Mỹ La Tinh tại Caracas, cho biết: "Nơi đây có nhiều vấn đề, song một điều tôi chưa bao giờ thấy từ trước cho đến nay là người ta biểu tình chỉ để có cái ăn”.
Hoạt động kinh doanh tê liệt
Với tỉ lệ lạm phát cao nhất thế giới là 68,5% trong tháng 12/2015 và 180% trong năm 2015, theo nhà kinh tế Angel Alayon, việc sản xuất, kinh doanh tại Venezuela không có tính khả thi đối với nhiều công ty nội địa và nước ngoài. Hệ quả là, đất nước này đang phải vật lộn để tránh xảy ra vỡ nợ.
Latam, hãng hàng không lớn nhất châu Mỹ La Tinh, là công ty nước ngoài gần đây nhất tuyên bố ngừng hoạt động tại Venezuela vì tình hình kinh tế trầm trọng tại nước này. Quyết định được đưa ra một ngày sau khi hãng hàng không Đức Lufthansa công bố sẽ ngừng các chuyến bay đến Venezuela kể từ ngày 18/6 cũng vì lý do trên.
Các biện pháp quản lý tiền tệ của nước này đã khiến các hãng hàng không không thể chuyển đổi tiền thu được từ đồng bolívar sang USD và chuyển tiền ra nước ngoài. Lufthansa cho biết Venezuela còn nợ hãng này hàng triệu tiền bán vé.
Trước đó vài ngày, công ty Coca - Cola Femsa của Mehico đã tuyên bố ngừng sản xuất đồ giải khát vì cạn kiệt nguyên liệu đường ở Venezuela. Hãng chế tạo phụ tùng ô tô và xe tải Bridgestone cũng chấm dứt mối quan hệ kéo dài trên 60 năm với nước này.
Mạng sống con người bị đe doạ
Hệ thống y tế công cộng tại Venezuela đang phải hứng chịu hậu quả nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Trong các bệnh viện công, nơi hoạt động chữa bệnh thường là miễn phí, hiện nay khan hiếm thuốc men, thiết bị và thậm chí là thực phẩm.
Bác sỹ Orfram Moreno ở một bệnh viện công tại Merida cho biết: "Bệnh nhân phải tự mua đồ để phục vụ hoạt động điều trị. Do đó, có nhiều trường hợp bệnh nhân chết vì người nhà bệnh nhân còn đang bận tìm mua đồ và không đem đến kịp thời để có thể sử dụng điều trị cho bệnh nhân”. Tình hình này có thể được cải thiện khi Venezuela nhận được 96 tấn thuốc men mà Trung Quốc gần đây công bố viện trợ cho Venezuela để giúp nước này chống lại dịch virus Zika.
Nguyên nhân nào khiến nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới lại rơi vào thảm cảnh này?
Với 96% kim ngạch xuất khẩu là từ dầu mỏ, Venezuela là một bằng chứng điển hình về sự thiệt hại do giá dầu mỏ thấp. Sau khi giá dầu thế giới tụt dốc, nền kinh tế Nam Mỹ này đã đi từ tình trạng xấu đến càng tồi tệ hơn.
Bên cạnh đó, hạn hán đã khiến nước này không thể sản xuất năng lượng thuỷ điện và rơi vào tình trạng thiếu điện nghiêm trọng.
Nguyên nhân thứ ba là nợ nước ngoài. Venezuela có mức nợ nước ngoài đồ sộ là 120 tỉ USD và cần phải thanh toán gần 7 tỉ USD trong năm nay. Nước này tuyên bố sẽ cắt giảm nhập khẩu hơn nữa để có khả năng chi trả nợ nước ngoài. Song có nhiều phỏng đoán cho rằng Venezuela se không có khả năng chi trả hoặc buộc vợ nợ vào năm tới, đặc biệt nếu giá dầu vẫn ở mức thấp.
Các cuộc khủng hoảng tăng theo cấp số nhân đã khiến ông Maduro ngày càng mất tín nhiệm không chỉ đối với công chúng mà ngay trong đảng xã hội của mình và rất có thể những thành viên trong đảng này quay lưng chống lại vị tổng thống này. Hơn nữa, những đồng minh cũ của Venezuela như Braxin và Uruguay, cũng công khai chỉ trích tổng thống Venezuela.
Chính phủ Venezuela lý giải cuộc khủng hoảng hiện nay là hệ quả của "cuộc chiến tranh kinh tế” do giới thượng lưu đầu cơ tích trữ hàng hoá gây nên bên cạnh những âm mưu gây bất ổn cho nước này của Mỹ.
Song nhiều nhà kinh tế cho rằng Venezuela đang gánh chịu hậu quả do nhiều năm quản lý kinh tế kém, bao gồm quá lệ thuộc vào dầu mỏ. Ngoài ra, các chính sách kiểm soát giá, chính sách sở hữu nhà nước, trợ cấp mà ông Maduro kế thừa từ người tiền nhiệm quá cố Hugo Chávez là một phần nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay.
Lối thoát nào cho Venezuela?
Theo ông Gregory Wilpert, tác giả cuốn sách "Changing Venezuela By Taking Power”, nếu chính phủ Venezuela quyết định dỡ bỏ cơ chế kiểm soát giá và tỉ giá hối đoái thì tình hình có thể nhanh chóng được cải thiện hơn nhiều vì hoạt động buôn hàng nhập lậu từ ngoài nước và bán chúng ra trên chợ đen sẽ được đẩy lui”.
Còn Paolo Parada, một sinh viên luật đã tham gia một cuộc đình công tuyệt thực trước văn phòng của Tổ chức các nước châu Mỹ (O.A.S) ở Caracas, cho rằng trưng cầu dân ý về việc bãi nhiệm tổng thống trong năm nay là cách duy nhất để giúp nước này tránh được sự sụp đổ về kinh tế.
Theo Trí thức trẻ/BBC, New York Times
-
Gặp gỡ nhóm người treo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh nhà thờ Đức Bà ở Paris năm 1969
19-11-2024 14:09 02
-
Chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024”: Tôn vinh các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
16-11-2024 12:05 10
-
Chiến thắng Bình Giã- mốc son lịch sử
16-11-2024 05:44 51
-
Khơi dậy lý tưởng cách mạng của lực lượng cán bộ trẻ hướng tới phát triển tổ chức Đảng vững mạnh
25-10-2024 10:04 18
-
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật
05-11-2024 14:56 51
-
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cần tập trung vào Đề án phát triển nhân lực chất lượng cao
04-11-2024 20:35 46