Việt Nam có trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ công trình xanh EDGE uy tín toàn cầu
Hướng tới môi trường học đường xanh
Phát triển bền vững đã và đang trở thành mục tiêu quan trọng trong bức tranh giáo dục toàn cầu. Theo mục tiêu đề ra của UNESCO, tới năm 2030, 50% các trường học tại mỗi quốc gia trên toàn thế giới sẽ trở thành “trường xanh” - không gian giáo dục hướng tới phát triển bền vững trên nhiều khía cạnh như chương trình học, cơ sở vật chất, không gian trường học. Đặc biệt, những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng về biến đổi khí hậu ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc theo đuổi tiêu chí học đường xanh, hiệu quả và thân thiện với môi trường.
Trong bối cảnh đó, sự hiện diện của những tổ chức chứng nhận công trình xanh uy tín trên thế giới như EDGE, LEED, BREEAM… giúp dẫn dắt, cung cấp những đánh giá chính xác về mục tiêu phát triển bền vững cho các đơn vị. Những chứng chỉ như EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies - Hệ thống chứng nhận công trình xanh) thường được các nước đang phát triển ưu tiên, vì nhóm tiêu chí xét duyệt được xây dựng đặt trọng tâm vào lợi ích mang lại cho các thị trường này.
Ông Thomas James Jacobs - Giám đốc quốc gia của IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào trao tặng Chứng chỉ EDGE Nâng cao cho GS. Rick Bennett – Phó Hiệu trưởng kiêm Phó Chủ tịch BUV
Được sáng lập bởi IFC (International Finance Corporation) - một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, chứng chỉ EDGE đánh giá mức độ phát triển bền vững các công trình thông qua nhiều chỉ số liên quan đến xây dựng hay sử dụng năng lượng. Chứng chỉ EDGE được chính phủ Anh đặc biệt ủng hộ, được áp dụng tại 170 quốc gia và đặc biệt là châu Á.
Mới đây nhất, kể từ ngày 21/11/2024, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng chỉ EDGE Nâng cao (EDGE Advanced), tương đương với cấp độ 2 trong 3 cấp chứng nhận. Theo tiêu chuẩn toàn cầu, để đạt được chứng chỉ EDGE Nâng cao, các công trình phải đảm bảo tiết kiệm năng lượng tại chỗ từ 40% trở lên, gấp đôi mức độ cơ bản số 1 – EDGE Certified, cũng là mức của đại đa số các công trình đạt chứng chỉ EDGE tại Việt Nam.
Trên thực tế, theo thống kê, BUV đã đạt được nhiều chỉ số ấn tượng, vượt điều kiện yêu cầu của chứng chỉ EDGE Nâng cao. Đánh giá của EDGE ghi nhận mức giảm tiêu thụ năng lượng tại BUV là 41%, tiết kiệm nước 22% và giảm năng lượng hàm chứa trong vật liệu lên tới 37%.
Khuôn viên BUV giai đoạn 1 nhận chứng chỉ EDGE Nâng cao
Tiên phong phát triển bền vững và “trung hòa carbon”
Để nhận được thành tích kể trên, Trường đã thực hiện nhiều giải pháp quản lý năng lượng hiệu quả ngay từ ý tưởng thiết kế ban đầu đến thực thi. Quy hoạch tổng thể của Trường kết hợp hài hòa các yếu tố xây dựng (chỉ ở mức dưới 20%) - hồ điều hòa - mảng xanh để thiết lập không gian hoạt động tận dụng tối đa năng lượng thiên nhiên. Thiết kế bao ngoài dạng lưới tổ ong giúp xuyên sáng tự nhiên cho các không gian sinh hoạt chung, đồng thời hoạt động như điều hòa tự nhiên, cung cấp không khí trong lành mà vẫn tiết kiệm khoảng 20% điện năng sử dụng. Ở các khu vực sinh hoạt chung, Trường tận dụng không khí tự nhiên bằng cách sử dụng quạt trần thay vì điều hòa.
Thiết kế che nắng cho các mặt nóng của tòa nhà hướng về phía tây và đông cũng được cân nhắc kỹ lưỡng nhằm cách nhiệt hiệu quả. Bên cạnh đó, hệ thống ánh sáng tại BUV sử dụng toàn bộ đèn LED giúp tiết kiệm 75% năng lượng so với đèn sợi đốt thông thường.
Mỗi năm nhà trường giảm được khoảng 196,27 tấn CO₂ phát thải ra môi trường theo đánh giá từ EDGE, tương đương với việc cắt giảm gần 53% tổng lượng phát thải trong cả năm. BUV đang lên kế hoạch lắp đặt pin mặt trời vào năm 2026 để tăng cường năng lượng bền vững trong vòng 25 năm tới.
Các lỗ tổ ong và thiết kế che nắng thông minh giúp tận dụng ánh sáng tự nhiên và giảm nhiệt độ trong khu vực
Toàn bộ hệ thống nước của BUV được thiết kế tuần hoàn, phân bổ hiệu quả lượng nước cho các nhu cầu từ cao đến thấp như nước ăn uống, sinh hoạt, đến vệ sinh, tưới tiêu, hạn chế tối đa tình trạng lãng phí, cùng lúc đảm bảo tuyệt đối tính vệ sinh. Hệ thống xử lý nước thải, rác thải của BUV được cung cấp bởi những đơn vị đi tiên phong trong cung cấp giải pháp phát triển bền vững tại Ecopark, đảm bảo giảm tối thiểu lượng rác và hóa chất thải ra môi trường.
Đặc biệt, BUV thuộc số ít các trường đại học ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung chú trọng đến việc xây dựng không gian thân thiện với người khuyết tật. Từ bãi đỗ xe, thang máy với bảng điều khiển phù hợp, phòng vệ sinh, lối đi riêng biệt đều đảm bảo không gian cho phép xe lăn di chuyển dễ dàng. Các lớp học cũng được bố trí bàn di động cho người khuyết tật.
Các tiện ích giúp sinh viên phát triển tối ưu, thúc đẩy tính đa dạng và hòa nhập
Kiến tạo hình mẫu truyền cảm hứng
Nhìn chung, chiến lược Xanh đã được BUV tính toán và áp dụng đồng bộ trước, trong và sau quá trình đầu tư dự án đào tạo lớn tại Việt Nam. Nhờ vậy, nhà trường đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc hướng tới sự bền vững bằng cách tích hợp các nguyên tắc xanh vào cơ sở hạ tầng kiến trúc, xây mới mở rộng, nền tảng giáo dục, chương trình giảng dạy và các hoạt động ngoài giờ cho sinh viên.
Tại BUV, yếu tố bền vững được đề cao trong các hoạt động của sinh viên, như việc tổ chức tuần lễ Kỷ niệm Giá trị, Bền vững và Trách nhiệm, đồng thời là yếu tố cốt lõi trong chương trình Nâng cao Năng lực Cá nhân và Kĩ năng Xã hội (PSG) độc quyền của BUV. Bên cạnh đó, tư duy bền vững là một trong bảy phẩm chất quan trọng mà sinh viên cần trang bị và nắm vững khi tốt nghiệp. Tư duy này được tích hợp sâu sắc vào các chương trình học và các khóa đào tạo dành cho sinh viên trong suốt quá trình học tập tại BUV.
Các tiện ích giúp sinh viên phát triển tối ưu, thúc đẩy tính đa dạng và hòa nhập
Giáo sư Rick Bennett - Phó Hiệu trưởng kiêm Phó Chủ tích BUV chia sẻ: “Vượt trên một nơi truyền đạt kiến thức, trường học còn là môi trường hình thành ý thức và trách nhiệm của người. BUV, với tầm nhìn vì một tương lai bền vững của giáo dục Việt Nam, kỳ vọng kiến tạo hình mẫu thực tiễn và tích cực nhất để truyền cảm hứng cho các thế hệ sinh viên, những người trẻ tài năng sẽ đóng vai trò chi phối trong công tác bảo vệ môi trường Việt Nam trong tương lai. Đây là bước tiến mới nhất của BUV hướng tới mục tiêu trở thành một trong những trường đại học tiên phong về “trung hòa carbon” tại Việt Nam, lan tỏa thông điệp bền vững đến cộng đồng xã hội.”
Ông Thomas James Jacobs - Giám đốc quốc gia của IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào hoan nghênh BUV trong việc tích hợp các nguyên tắc xanh vào thiết kế cũng như hoạt động vận hành của trường: “Những sáng kiến này đã tạo ra không gian học tập xanh, nâng cao nhận thức và thúc đẩy các hoạt động bền vững trong cộng đồng sinh viên BUV nói riêng và toàn xã hội nói chung. Trong suốt mười năm qua, chương trình EDGE của IFC đã hợp tác với khu vực công và tư tại Việt Nam để thúc đẩy tiêu chuẩn xây dựng xanh. Với chứng chỉ EDGE Nâng cao cho khuôn viên giai đoạn 1 tại Ecopark, BUV đã gia nhập cùng những doanh nghiệp tiên phong phát triển bền vững tại Việt Nam. Những nỗ lực này không chỉ giúp tiết kiệm hàng triệu kWh năng lượng và mét khối nước, mà còn đóng góp vào việc giảm 100.000 tấn CO2 mỗi năm. Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với BUV trong các sáng kiến xanh và bền vững ở các giai đoạn tiếp theo.”
PV