Viettel phát sóng trạm 5G đầu tiên của Việt Nam
Tốc độ thử nghiệm đạt tốc độ thương mại của mạng 5G Verizon (Mỹ).
(LĐXH)-Ngày 25/04/2019, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) đã hoàn thành tích hợp hạ tầng phát sóng 5G đầu tiên tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) và phát sóng thử nghiệm thành công trên mọi băng tần được Bộ TT&TT cấp phép. Tốc độ kết nối trong các bài thử nghiệm dao động từ 600 – 700Mbps - tương đương với tốc độ cung cấp cho khách hàng của mạng 5G Verizon (Mỹ).
Hiện tại, đội ngũ kỹ thuật của Viettel đã chuyển sang tiến hành các bài kiểm tra (test) kỹ thuật trên thực địa, bao gồm đánh giá về khả năng tương thích ngược (với các thiết bị 4G, 3G, 2G hiện có của khách hàng), đánh giá vùng phủ tối ưu cho tốc độ, dịch vụ khác nhau. Thách thức lớn nhất của nhóm là mạng 5G còn nhiều thành phần cần được điều chỉnh tối ưu: từ tần số thử nghiệm, số lượng tần số, thiết bị đầu cuối, tương quan vùng phủ và vị trí phát… Khi hoàn thành các bài test và hiệu chỉnh, tốc độ truy cập sẽ thực sự bùng nổ. Màn trình diễn về tốc độ và dịch vụ trên mạng 5G sẽ được Viettel tổ chức vào đầu tháng 5/2019.
“Viettel đặt mục tiêu tiên phong phát triển và triển khai các công nghệ mới nhất, trong đó có công nghệ 5G đồng bộ với các nhà mạng hàng đầu thế giới để phục vụ cho chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam, sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các kỹ sư nghiên cứu phát triển 5G của Viettel cũng đang trong quá trình nghiên cứu, làm chủ công nghệ, sáng tạo và phát triển sản phẩm trạm phát sóng 5G Viettel”, ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel khẳng định.
Như vậy, Việt Nam là một trong những quốc gia thử nghiệm 5G sớm nhất trên thế giới. Thời gian từ khi những thiết bị 5G đầu tiên cập cảng ngày 25/03 đến thời điểm tích hợp và phát sóng xong chỉ trong 1 tháng. Các kỹ sư Viettel đã lắp đặt gần 1 tấn thiết bị chỉ trong 5 ngày. Toàn bộ thời gian còn lại cho tích hợp thiết bị và cấu hình mạng lõi bởi 5G vẫn là công nghệ mới đối với các nhà mạng trên thế giới. Việc sớm tiếp cận và thử nghiệm công nghệ mới giúp Việt Nam bắt kịp xu thế thế giới. Điều này rất khác so với triển khai 4G, bởi khi đó tất cả các đối tác đều đã có kinh nghiệm và công nghệ đã cũ.
Mạng 5G là mạng di động băng rộng (mobile broadband) thế hệ mới. Đối với người dùng cuối, 5G đem lại tốc độ cao hơn, trải nghiệm dịch vụ trực tuyến mượt mà hơn và độ ổn định sóng cao hơn.
Tuy nhiên, đối với các nhà công nghiệp, mạng 5G là xương sống của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Hàng loạt công nghệ mới giúp cải thiện yếu tố quan trọng của 5G là độ trễ (latency). Độ trễ sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng khi chúng ta tiến vào kỷ nguyên của Internet vạn vật (IoT), của xe tự lái, và nhiều hơn thế nữa. 5G hiện đang được các nhà mạng quảng bá về tiềm năng đạt độ trễ 1ms, và điều này mở ra rất nhiều tiềm năng công nghệ mới, như bác sĩ có thể phẫu thuật từ xa thông qua robot.
Bên cạnh đó, 5G được cho là sẽ tiêu tốn điện năng ít hơn rất nhiều so với 4G, nhờ vậy mà thời lượng pin của các thiết bị kết nối mạng cũng sẽ cao hơn.
Mỹ Hạnh
Từ khóa:
-
'So găng' lợi nhuận nhóm ngân hàng Big 4
13-01-2025 08:30 54
-
Chuyên gia KT Cấn Văn Lực: GDP có thể tăng trưởng 8% năm 2025
13-01-2025 08:30 49
-
Tết vui cùng Pumabooks: Lan tỏa giá trị lì xì sách
12-01-2025 14:56 07
-
'Loạn giá' pháo hoa Z121 trên chợ mạng
11-01-2025 08:32 07
-
Laptop màn hình cuộn của Lenovo có giá gần 90 triệu đồng
10-01-2025 19:54 05
-
Toyota Wigo phiên bản số sàn ngừng phân phối tại Việt Nam
10-01-2025 19:53 57