Vĩnh phúc chú trọng tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
(LĐXH) - Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), giúp hạn chế tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN), tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có trên 3.000 doanh nghiệp sản xuất, tạo việc làm cho hơn 150.000 lao động trong nhiều lĩnh vực. Để công tác đảm bảo ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh tăng cường hơn nữa, hàng năm, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng kế hoạch triển khai Tháng Hành động về ATVSLĐ, với mục đích tuyên truyền sâu rộng về các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát yếu tố nguy hiểm có hại tại nơi làm việc. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền triển khai Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành đến doanh nghiệp và người lao động; Thúc đẩy doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh triển khai các chương trình hành động cụ thể để phòng ngừa TNLĐ, BNN; Xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc, góp phần hạn chế TNLĐ, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Là đơn vị thường trực Ban chỉ đạo ATVSLĐ - phòng chống cháy nổ của tỉnh, thời gian qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Vĩnh Phúc cũng đã biên soạn và phát hành các tờ rơi tuyên truyền về bảo hiểm TNLĐ, BNN; giám sát tình hình đảm bảo ATVSLĐ tại doanh nghiệp. Xây dựng môi trường làm việc an toàn, lành mạnh, giúp cho người lao động yên tâm làm việc, lao động sản xuất hiệu quả. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người lao động; tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ cho cán bộ, công nhân lao động; kiên quyết xử lý những đơn vị vi phạm; yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp tăng cường trang bị các thiết bị bảo hộ lao động, phòng cháy chữa cháy. Với lao động thuộc làng nghề, sở phối hợp mở các lớp tập huấn chuyên sâu để đảm bảo an toàn, tránh rủi ro trong lao động, sản xuất.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng thường xuyên tuyên truyền những quy định về ATVSLĐ bằng nhiều hình thức; đồng thời, tổ chức hội nghị phổ biến pháp luật cho người lao động và đơn vị sử dụng lao động, góp phần nâng cao ý thức của người lao động, đảm bảo an toàn trong quá trình lao động. Năm 2020, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp Cục An toàn lao động (Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội) tổ chức lớp tập huấn chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN cho đại diện người sử dụng lao động, cán bộ làm công tác công đoàn tại cơ sở và cán bộ được phân công phụ trách lĩnh vực bảo hiểm TNLĐ, BNN tại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tại lớp tập huấn, học viên được giảng viên của Cục An toàn lao động phổ biến Luật ATVSLĐ, Nghị định số 58/2020/NĐ-CP ngày 27/5/2020; Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020; những nội dung cơ bản của chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN như: Đánh giá kết quả triển khai chính sách bảo hiểm hiểm TNLĐ, BNN; các chế độ bảo hiểm hiểm TNLĐ, BNN; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; hỗ trợ khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng lao động; chi trả trợ cấp một lần, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp phục vụ… Đồng thời, trao đổi trực tiếp và giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách. Lớp tập huấn nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh; nâng cao ý thức, nhận thức đối với người sử dụng lao động, người lao động về quyền và nghĩa vụ của mình trong thực hiện đóng, thụ hưởng chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN; các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nắm được quy trình, thủ tục các chính sách để được hỗ trợ một phần từ quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN khi tham gia huấn luyện ATVSLĐ.
Với việc triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, đã góp phần làm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức chấp hành nội quy, quy định pháp luật về ATVSLĐ của người lao động trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư trang thiết bị, máy móc, đổi mới kỹ thuật, chiến lược kinh doanh, thực hiện huấn luyện an toàn lao động cho người lao động; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; thường xuyên kiểm tra nhà xưởng, máy thiết bị để kịp thời phát hiện và khắc phục tồn tại; áp dụng các biện pháp kỹ thuật đối với những vị trí làm việc, hạng mục có nguy cơ mất an toàn, mắc BNN...
Điển hình như Công ty Cổ phần Prime Group Vĩnh Phúc, đã áp dụng thực hiện thành công chương trình đánh giá an toàn, cùng với hệ thống an toàn AHSAS 180001 và ISO về môi trường 140001. Công tác này được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc đã góp phần nâng cao môi trường làm việc, đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
Là DN 100% vốn đầu tư của Nhật Bản, chuyên sản xuất linh kiện ô tô, xe máy, Công ty TNHH Exedy Việt Nam cũng coi trọng công tác đảm bảo ATVSLĐ. Với phương châm “An toàn là số 1”, công ty đã xây dựng nội quy, quy trình sản xuất riêng, phù hợp với từng loại thiết bị, máy móc, vật tư; thường xuyên bảo dưỡng, kiểm tra máy móc định kỳ nhằm phát hiện và loại bỏ nguy cơ rủi ro; phân công trách nhiệm đối với từng cấp, từng chức danh quản lý; thành lập tổ an toàn và môi trường, cùng mạng lưới an toàn viên. Hàng tuần, tổ chức kiểm tra, đánh giá rủi ro, nhằm kịp thời ngăn chặn sớm nguy cơ gây mất ATVSLĐ có thể xảy ra trên từng dây chuyền sản xuất.
Cùng với Prime Group Vĩnh Phúc hay Exedy Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã thành lập đội phòng chống cháy nổ, huấn luyện và thực hành các kỹ năng phòng chống cháy nổ, công tác đảm bảo ATVSLĐ cho người lao động.../.
Minh Cảnh
Từ khóa:
-
Đẩy mạnh công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở Cà Mau
23-10-2024 11:35 03
-
Đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo ở huyện biên giới
25-11-2024 11:16 11
-
Cơ hội việc làm cho người khuyết tật
22-11-2024 18:20 44
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
Thái Bình thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo thêm việc làm cho người lao động
11-11-2024 11:03 25
-
1.337 cơ hội việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan
08-11-2024 17:15 06