Xã hội
Xã Hồng Thuận tích cực triển khai mô hình giảm nghèo “Phát triển chăn nuôi bò”
08:11 AM 28/08/2018
(LĐXH) Là một xã thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, xã Hồng Thuận có 5.005 hộ dân, trong đó 5,81% là hộ nghèo (291 hộ), 4,1% là hộ cận nghèo (205 hộ) và 20% (1.001 hộ) có mức sống trung bình. Do điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi cho phát triển phát triển, chăn nuôi đàn gia súc nên Văn phòng quốc gia về giảm nghèo cùng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định đã đưa mô hình giảm nghèo “Phát triển chăn nuôi bò” về triển khai trên địa bàn huyện.
Trên cơ sở Danh sách đã được kiểm tra, thẩm định, ngày 12/10/2017, sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức ký hợp đồng ba bên (sở, phòng, UBND xã Hồng Thuận). 100% các hộ gia đình tham gia Dự án đều đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn và điều kiện quy định của Dự án. Bên cạnh đó, UBND xã Hồng Thuận cũng đã ban hành Quyết định số 24/QĐ-UBND thành lập Ban quản lý Dự án vào ngày 23/10/2017. Theo đó, Ban quản lý do Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thuận làm trưởng ban, các thành viên là Công chức LĐ – TB & XH, Hội trưởng Hội Nông dân, Cán bộ Thú y xã. Sau khi thành lập, Ban quản lý Dự án đã thực hiện nhiệm vụ rà soát, xác định 25 hộ gia đình tham gia Dự án, gửi Danh sách về sở và phòng Lao động – Thương binh và Xã hội để thẩm định. 100% hộ gia đình tham gia Dự án đã ký bản cam kết và gửi về phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Giao Thủy và Ban quản lý Dự án của xã.
Ảnh minh họa
Sau đó, tại UBND xã Hồng Thuận, phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Giao Thủy, Ban quản lý Dự án của xã đã họp với các hộ gia đình tham gia mô hình thống nhất kế hoạch làm chuồng, khử trùng, chuồng nuôi, tìm địa chỉ cung cấp bê giống và quán triệt công tác phòng chống dịch bệnh gia súc. Mỗi hộ gia đình tham gia dự án cũng được nhận đủ 3.960.000 đồng tiền hỗ trợ làm chuồng và mua thuốc thú y. Ngoài ra, sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản cho các hộ tham gia Dự án trước khi họ được nhận bê giống.
Do địa bàn xã không có cơ sở cung ứng bê giống, phòng Lao động – Thương binh và Xã hội và ban quản lý Dự án của xã đã chủ động tìm Cơ sở có chất lượng, thông tin cho các hộ gia đình tham gia Dự án. Cơ sở được chọn để cung cấp bê giống cho các hộ gia đình là Trang trại của ông Đỗ Trung Thành, xã Hà Thanh, huyện Hà Trung, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Sau khi có thông tin thực tế về Cơ sở và chất lượng bê giống của Trang trại, 100% các hộ gia đình đã thống nhất mua bê giống của ông Thành, từng hộ gia đình trực tiếp ký hợp đồng với cơ sở cung cấp. Theo hợp đồng, chất lượng bê giống là bê bê lai Sin, tỷ lệ máu ngoại từ 35% trở lên, độ tuổi bê từ 11-12 tháng tuổi, trọng lượng tối thiểu là 135kg/con.
Thực hiện hợp đồng đã ký với từng hộ gia đình, ngày 30/11/2017, trang trại Bò giống Đỗ Trung Thành đã bàn giao đủ 25 bê cái cho 25 hộ gia đình, tại khu vực UBND xã Hồng Thuận. Khi giao nhận Bê cái, trong tổng số 25 con bê có 4 con có trọng lượng 135kg theo hợp đồng đã ký, có 04 con có trọng lượng 137kg, có 17 con trọng lượng 136kg. Cơ sở chăn nuôi Bò đã đánh số từng con bê cho các hộ gia đình bốc thăm để đảm bảo khách quan, đồng thời thống nhất với các hộ gia đình không tính thêm kinh phí đối với những bê cái có trọng lượng lớn hơn 135kg. Số tiền thanh toán tạm ứng cho Cơ sở cung ứng bê giống là 7.500.000 đồng, đến cuối năm 2017 mỗi hộ còn nợ Trang trại Đỗ Trung Thành 10.500.000 đồng.
Ảnh minh họa
Tất cả hoạt động triển khai thực hiện Dự án đều được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Giao Thủy giám sát chặt chẽ theo phương pháp giám sát có sự tham gia. Việc kiểm tra, giám sát chủ yếu vào việc chăm sóc, bảo vệ bê con và công tác phòng chống dịch bệnh. Dự án bước đầu được đánh giá có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, phù hợp với địa bàn triển khai thực hiện; đảm bảo đúng đối tượng; được nhân dân đồng tình ủng hộ, các tổ chức hội đoàn thể địa phương đồng thuận, tham gia tích cực, nhiệt tình…

Minh Ngọc

 

Từ khóa: