Lao động
Xây dựng môi trường làm việc an toàn cho người lao động
11:03 AM 26/10/2021
(LĐXH) - Ở thời điểm này, do tác động của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc ngừng hoạt động, kéo theo ảnh hưởng lớn đến các chỉ tiêu hoạt động, bao gồm cả công tác ATVSLĐ. Các cấp, các ngành, các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã chủ động tìm kiếm các giải pháp trong tổ chức thực hiện công tác phòng ngừa TNLĐ-BNN, chăm lo, đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người lao động, tài sản của nhà nước và nhân dân, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.

Triển khai Luật ATVSLĐ, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành công văn, quyết định chỉ đạo triển khai thực hiện công tác này; các văn bản chỉ đạo các Sở, ban ngành, hội đoàn thể và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện tốt công tác ATVSLĐ thông qua việc triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN, Tháng hành động ATVSLĐ; Thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành công tác ATVSLĐ.

Công tác thông tin tuyên truyền cũng được tăng cường với số lượng 292 tin, bài, 36 phóng sự, 24 phỏng vấn, 11 hội thi trên báo, đài; tuyên truyền, cấp phát 6.123 băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi, tài liệu đến các doanh nghiệp, người lao động trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, tổ chức Hội nghị đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp về chính sách pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội. Tổ chức trên 20 lớp huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho 1.221 người là chủ sử dụng lao động, cán bộ an toàn lao động, người lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, người lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm. Tổ chức 09 lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật lao động cho trên 350 người là đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham dự.

Hoạt động sản xuất kinh doanh đi liền với an toàn lao động

Các doanh nghiệp đã có ý thức chấp hành pháp luật ATVSLĐ và thực hiện chế độ, chính sách bảo hộ lao động cho người lao động theo quy định; đồng thời tăng cường tổ chức hoạt động cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, đẩy mạnh công tác tự kiểm tra, giám sát ATVSLĐ, PCCN tại doanh nghiệp, cơ sở. Các doanh nghiệp có lập kế hoạch bảo hộ lao động với đầy đủ nội dung, phù hợp với điều kiện của đơn vị, tự kiểm tra cơ sở, các đội sản xuất… việc chấp hành thực hiện các quy định về biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc của người lao động, kịp thời uốn nắn, điều chỉnh khắc phục những hạn chế, thiếu sót, về nguy cơ mất an toàn. Cán bộ làm công tác Bảo hộ lao động luôn đề cao trách nhiệm, nhiệt tình công tác góp phần tích cực vào việc duy trì hoạt động Bảo hộ lao động ở cơ sở. Công tác kiểm tra và tự kiểm tra ở các doanh nghiệp được thực hiện thường xuyên. Công tác quan trắc môi trường lao động được các doanh nghiệp triển khai thực hiện. Có 19 lượt doanh nghiệp thực hiện kiểm định và khai báo sử dụng 209 máy, thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ.

Đặc biệt, bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm ATVSLĐ, góp phần giảm thiểu TNLĐ, BNN, địa phương cũng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN cho người sử dụng lao động, cán bộ quản lý, người làm công tác ATVSLĐ và toàn thể người lao động như Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ATVSLĐ về bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc; Nghị định số 58/2020/NĐ-CP quy định lại mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN… Qua đó, bản thân người lao động nắm rõ luật định, hiểu được quyền lợi của mình khi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm TNLĐ, BNN và người sử dụng lao động, cán bộ quản lý, người làm công tác ATVSLĐ nắm vững và triển khai thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm TNLĐ, BNN, đảm bảo lợi ích chính đáng cho người lao động.

Đảm bảo an toàn lao động là nguyên tắc tiên quyết của các doanh nghiệp

Việc thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc ngừng hoạt động do tác động của đại dịch COVID-19 ở thời điểm này đã kéo theo ảnh hưởng lớn đến các chỉ tiêu hoạt động, bao gồm cả công tác ATVSLĐ.  Trước tình hình đó, trong những tháng đầu năm 2021, cùng với việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động nhằm đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở ngành liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động nhằm đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc. Tiếp tục thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ mất an toàn lao động, nhất là các doanh nghiệp, cơ sở trong các lĩnh vực xây dựng, khai khoáng, hóa chất, sử dụng điện, cơ khí và làm việc trong không gian hạn chế. Qua đó, phát hiện, xử lý nghiêm các doanh nghiệp có hành vi vi phạm ATVSLĐ và các doanh nghiệp không thống kê, báo cáo định kỳ về TNLĐ, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, tiềm ẩn nguy cơ TNLĐ, BNN…

Đăng Doanh

 

Từ khóa: