Xã hội
Yên Bái đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công tác xã hội
02:23 PM 23/06/2020
(LĐXH)- Với sự quan tâm chỉ đạo của các cơ quan chức năng, sự nỗ lực của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và tâm huyết của đội ngũ những người làm công tác xã hội, các hoạt động về phát triển nghề công tác xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã thu được nhiều kết quả quan trọng.
Tại tỉnh Yên Bái, sau khi Đề án 32 được ban hành, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 01/01/2011 về phát triển nghề công tác xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020. Nội dung chủ yếu của Kế hoạch này là kết hợp giữa đầu tư cải tạo cơ sở vật chất, kiện toàn tổ chức bộ máy và đổi tên Trung tâm Bảo trợ xã hội thành Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội với các hoạt động truyền thông và đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội ở cơ sở để hình thành mạng lưới cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng trên địa bàn tỉnh. 
Chăm sóc người cao tuổi tại Trung tâm CTXH và BTXH tỉnh
Đóng góp một phần nhỏ trong công tác an sinh xã hội, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh bắt đầu triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội từ ngày 01/6/2014. Trong bối cảnh công tác xã hội là một nghề mới được công nhận, còn khá mới mẻ đối với các cấp chính quyền và người dân trên địa bàn tỉnh, nhưng Trung tâm đã lựa chọn hướng đi hoạt động phù hợp với nguồn lực của mình, bước đầu thu được những kết quả đáng ghi nhận.   
Sau gần 6 năm triển khai, Trung tâm đã dần khẳng định vai trò của mình trong hoạt động trợ giúp người yếu thế trên địa bàn tỉnh. Dịch vụ công tác xã hội của Trung tâm cung cấp cho hai nhóm đối tượng: Nhóm đối tượng được tiếp nhận, nuôi dưỡng dài hạn và Nhóm đối tượng tại cộng đồng (bao gồm cả dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp).
Đối với cung cấp dịch vụ khẩn cấp, Trung tâm đã tiếp nhận thông tin, thực hiện hoạt động can thiệp, hỗ trợ cho hơn 100 trường hợp, bao gồm trẻ em bị xâm hại tình dục, nạn nhân bị buôn bán, trẻ em lang thang, trẻ bị bỏ rơi, người bị bạo lực gia đình. Các trường hợp đều được nhân viên công tác xã hội tư vấn, hỗ trợ ổn định tâm lý, đưa đi khám chữa bệnh, cung cấp đồ dùng sinh hoạt và nơi ở an toàn trước khi bàn giao về gia đình. Nhiều trường hợp được kết nối tới các đơn vị cung cấp dịch vụ khác để được chuyển tuyến, trị liệu tâm lý, hỗ trợ sinh kế, chữa bệnh, học nghề.
Trung tâm đã kết nối tốt với các cơ quan, ban ngành liên quan cùng vào cuộc, đặc biệt trong việc can thiệp khẩn cấp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục. Cùng với đó, đến nay đã có hơn 600 đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đưa vào quản lý trường hợp tại cộng đồng, thụ hưởng dịch vụ, trong đó rất nhiều trường hợp ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Thông qua các hoạt động trợ giúp, nhiều đối tượng đã được hỗ trợ thụ hưởng chính sách, hỗ trợ làm thủ tục tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội, chuyển gửi đến các trung tâm, dịch vụ xã hội khác phù hợp.
Để triển khai hoạt động này, nhân viên công tác xã hội đã đến từng hộ gia đình thu thập thông tin, đánh giá vấn đề gặp phải, cùng gia đình xây dựng mục tiêu giải quyết vấn đề của họ và phối hợp với chính quyền địa phương, kết nối các nguồn lực của gia đình và bên ngoài cộng đồng để giúp đỡ đối tượng.
Kết quả, trong số những người được quản lý trường hợp, đã có hơn 200 đối tượng được trợ giúp thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội (trợ cấp cho người đơn thân, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt); 20 trường hợp người khuyết tật được kết nối giới thiệu học nghề, phục hồi chức năng, học văn hóa miễn phí; 45 trường hợp được hỗ trợ tiếp nhận nuôi dưỡng tập trung tại Trung tâm; hơn 30 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được kết nối tiếp nhận nuôi dưỡng tại Làng trẻ em SOS Thái Bình; 54 trẻ em được hỗ trợ khám sàng lọc khuyết tật miễn phí; 11 trẻ em được nhận bảo trợ hàng tháng tại cộng đồng từ các tổ chức cá nhân từ thiện với tổng số tiền 8 triệu đồng/tháng; 03 hộ gia đình được kết nối, hỗ trợ làm nhà mới. Nhiều trường hợp khác được kết nối hỗ trợ sinh kế; hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ y tế; cải thiện điều kiện sống, trợ giúp pháp lý...
Nhiều nhà hảo tâm tới thăm và tặng quà các đối tượng tại Trung tâm
Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ trực tiếp, Trung tâm còn hỗ trợ thông qua các hoạt động tập huấn chuyên môn; truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của nghề công tác xã hội, về dịch vụ công tác xã hội của Trung tâm và các chủ đề bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục đối với trẻ em.
Trung tâm thực hiện vai trò hỗ trợ kỹ thuật chuyên môn cho một số chương trình, dự án bảo vệ trẻ em như mô hình vãng gia của Dự án EVAC (Tổ chức Tầm nhìn Thế giới); Mô hình tiếp nhận thông tin, thông báo tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; kết nối hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt... Thông qua các mô hình, Trung tâm đã hỗ trợ địa phương thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, góp phần tích cực cải thiện điều kiện sống của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Từ tháng 6/2014 đến nay, Trung tâm đã tổ chức gần 30 hội nghị truyền thông kết hợp với tập huấn nâng cao năng lực cho lãnh đạo và cán bộ các xã, thị trấn trên địa bàn 9/9 huyện, thị, thành phố. Qua đó, cán bộ địa phương cũng như người dân đã được nâng cao nhận thức, năng lực về dịch vụ xã hội và các dịch vụ công tác xã hội mà Trung tâm đang thực hiện; được trang bị và hỗ trợ một số kỹ năng trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và công tác phòng tránh xâm hại trẻ em. Lượng người dân biết và trực tiếp tìm đến Trung tâm để được tư vấn, trợ giúp cũng tăng lên.
Có thể khẳng định, nghề công tác xã hội tại Yên Bái đã và đang mang lại hiệu quả. Hình thức các hoạt động được đa dạng, phương thức tiếp cận với các đối tượng linh hoạt; dần hình thành đội ngũ nhân viên công tác xã hội có kỹ năng và tâm huyết, qua đó khẳng định ý nghĩa xã hội, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của hoạt động này./.
Hồng Minh
Từ khóa: